Sống lại thời hoa đỏ
Cả một thời trai trẻ, những người lính ấy đã cống hiến hết cho Tổ quốc, vì một điều thật cao cả, thiêng liêng: độc lập, tự do cho dân tộc. Vì vậy, với mỗi người lính, ngày kỷ niệm thành lập QĐND Việt Nam 22.12 hàng năm luôn là một ngày thật đặc biệt.
1. Tháng 12, Hoài Nhơn, một ngày đông. Bên ngoài trời rất lạnh, nhưng bên trong Hội trường Trường Trung cấp nghề Hoài Nhơn, nơi diễn ra cuộc gặp mặt các cán bộ cao cấp, sĩ quan quân đội đã nghỉ hưu các huyện phía Bắc tỉnh nhân kỷ niệm 70 năm Ngày thành lập QĐND Việt Nam, thì ấm áp. Cái ấm không hẳn vì hơi người, mà từ những cái ôm, bắt tay nhau rất chặt, từ những nụ cười rạng rỡ của những người lính thuộc những thế hệ khác nhau.
CCB Nguyễn Hòa, 87 tuổi, nguyên cán bộ Sư đoàn 3 Sao vàng, nguyên Phó Hiệu trưởng Trường Đảng Quân khu 5, chia sẻ: “Đã một thời tuổi xuân và khói lửa đi qua, may mắn cho chúng tôi, những người còn sống. Vì vậy, mỗi lần đến kỷ niệm thành lập QĐND Việt Nam 22.12 hay ngày 30.4, tôi đều tìm về lại chiến trường xưa để thắp nén nhang thành kính tưởng nhớ đến những đồng đội đã ngã xuống vì Tổ quốc”.
CCB Thái Thùy Minh, nguyên cán bộ Đại đội đặc công Đ10, nay đã 76 tuổi, nhớ lại: “Đại đội đặc công Đ10 (thuộc Tỉnh đội Bình Định) được thành lập vào tháng 9.1960 tại xã Ân Nghĩa, huyện Hoài Ân. Ngay sau khi thành lập, đêm 23.9.1960, Đại đội Đ10 đã phối hợp cùng Đại đội 2.9 tập kích trụ sở xã Hoài Tân (Hoài Nhơn) giành thắng lợi; một bộ phận đặc công Đ10 cũng tập kích vào đồn dân vệ xã Ân Nghĩa diệt 3 tên, bắn bị thương 1 tên, bắt giáo dục và phóng thích tại chỗ 8 tên, thu 24 súng các loại. Đây là trận đầu ra quân và chiến thắng của Đại đội đặc công Đ10 trong kháng chiến chống Mỹ”. Rồi ông xúc động nói tiếp: “Đã mấy mươi năm, nhưng hình ảnh người đồng đội thân thiết hy sinh ngay trước mặt trong trận đánh ở đồi Phú Hữu (xã Ân Nghĩa, Hoài Ân) năm 1964 vẫn không phai mờ trong tôi. Trong lúc xung phong dẫn đầu đoàn tập kích vượt hào, đồng chí Hiếu đã bị một tên địch nấp dưới hào bắn chết…”.
2. Sáng sớm, CCB Đỗ Văn Mỹ (83 tuổi, thôn Thủ Thiện Hạ, xã Bình Nghi, Tây Sơn) được con đưa xuống Quy Nhơn dự buổi gặp mặt cán bộ, sĩ quan các cấp các huyện phía Nam tỉnh nhân kỷ niệm 70 năm Ngày thành lập QĐND Việt Nam. Vào đến hội trường, tay vẫn còn cầm mũ bảo hiểm, nách kẹp áo mưa, đôi mắt ông đã hớn hở bao quát tìm đồng đội cũ, rồi tay bắt mặt mừng hỏi han sức khoẻ, tin tức anh em, rằng ai còn ai mất.
CCB Đỗ Văn Mỹ tập kết năm 1954, trở thành lính trinh sát Sư đoàn 324 ở ngoài Bắc, rồi được tuyển chọn đưa về quê tăng cường thành lập nên Đại đội Tây Sơn, lực lượng vũ trang giải phóng đầu tiên của Tỉnh đội Bình Định. Hơn nửa thế kỷ sau, ông vẫn không thể quên được tâm trạng khi biết sẽ được về quê chiến đấu: “Mừng đến không ngủ được mấy đêm liền. Lòng nôn nao khó tả, cứ mong đến ngày hành quân”. Tháng 9.1960, 48 chiến sĩ người Bình Định, trong đó có ông Mỹ, được tuyển chọn từ các đơn vị bộ đội ở ngoài Bắc, đã hành quân dọc Trường Sơn suốt 3 tháng liền. “Trong đoàn đi có thêm 3 người nữa nhưng chúng tôi chẳng biết là ai, chỉ nghe gọi anh Hai. Về đến Bình Định đúng ngày 1.1.1961, chúng tôi mới được cấp trên giới thiệu đó là đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Trần Quang Khanh ra Bắc dự Đại hội Đảng lần thứ III, rồi dẫn trung đội về luôn tăng cường cho LLVT tỉnh”, ông Mỹ nhớ lại.
Ngày 8.2.1961, Đại đội Tây Sơn được thành lập tại làng Kon Trú, huyện Vĩnh Thạnh, ông Mỹ được phân công làm tiểu đội trưởng tiểu đội trinh sát. Ông đã 2 lần một mình bảo vệ đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Trần Quang Khanh cải trang đi thị sát tại huyện Hoài Nhơn. Năm 1963, ông Mỹ bị thương trong trận đánh trụ sở ủy ban xã Mỹ Hòa (huyện Phù Mỹ), rồi được đưa ra Bắc dưỡng thương.
3. Có những CCB tóc bạc phơ đến buổi gặp mặt từ rất sớm, cùng nhấp chén trà nóng, hàn huyên cùng đồng đội những kỷ niệm từ thời chiến đấu đến thời sự chính trị trong nước, thế giới. Hoặc, chỉ là câu chuyện thường ngày về gia đình, con cháu. Nhưng sôi nổi, chân tình lắm, bởi đồng đội cũ lâu ngày mới gặp, vả lại, quỹ thời gian của họ cũng chẳng còn lại bao nhiêu nữa. Chẳng thế mà CCB Mai Khắc Minh (90 tuổi, KV 7, phường Lê Hồng Phong, Quy Nhơn), chốc chốc lại quay ra ngóng người đồng đội cũ: “Sao giờ này mà ông ấy chưa đến nhỉ, liệu có bị đau ốm gì không?”.
Ông Đỗ Văn Mỹ lại rưng rưng khi nhắc về những đồng đội cũ: “Trong số 48 đồng đội cùng về quê, giờ có lẽ chỉ còn mình tôi sống đến ngày nay. Rất nhiều người sau khi được tăng cường về các huyện đã hy sinh. Ngẫm ra mình may mắn hơn họ nhiều lắm, vì được lấy vợ sinh con, thụ hưởng cuộc sống hòa bình, đời sống ngày một được cải thiện. Vậy nên, tôi cứ dặn con cháu phải sống sao cho xứng đáng với truyền thống của gia đình”. Rồi ông tự hào: “Thằng cháu đích tôn cũng là sĩ quan quân đội. Nó bảo thích nối nghiệp lính của ông nội”.
THU HÀ - NGUYỄN HỒNG PHÚC
“Không giàu tiền bạc, chỉ giàu kỷ niệm, vậy cũng mãn nguyện rồi”
Đó là lời tâm sự rất chân tình của ông Đoàn Hữu Dục, 85 tuổi, CCB thời kháng chiến chống Pháp, hiện sống ở số 157 Huỳnh Thúc Kháng, TP Quy Nhơn.
“Cứ đến ngày 22.12 là tôi thấy xúc động, bởi sự quan tâm của các cấp, cả trong và ngoài quân đội. Và lại nhớ đến những ngày ở chiến trường khu Đông Bình Định, cả những ngày trên đất Bắc...”, ông Dục bồi hồi. Ông quê xã Phước Thắng, huyện Tuy Phước, tham gia cách mạng từ năm 1947, là bộ đội chủ lực Quân khu 5. Một mình ông đã diệt 9 lính lê dương, bắt sống 2 tên địch. Ngày 2.9.1954 ông tập kết ra Bắc.
Nhắc đến “chuyện tình” của mình, vợ ông, bà Lê Thị Mai nhỏ nhẹ: “Cô hiệu trưởng trường cấp I Hoàng Lê của thị xã Hưng Yên, tỉnh nơi tôi đang dạy học, cũng là người Bình Định, nên đánh tiếng làm mai. Khi ấy người yêu của tôi vào Nam chiến đấu vừa hy sinh nên tôi chẳng thiết tha gì lắm. Vả lại, tôi thua ông ấy đến 20 tuổi. Nhưng tôi cứ nghĩ, đã làm mai thì cứ gặp. Ít ra phải cư xử với trách nhiệm của một người ở hậu phương với người nơi tiền tuyến. Anh ấy vì quê hương, vì lý tưởng cách mạng mà bệnh tật, đau ốm, thì càng phải được đối đãi tử tế”. Ngày đó, ông là bộ đội đoàn 251 Quân khu Tả ngạn, an dưỡng tại tỉnh Hưng Yên. Còn bà mới qua tuổi 20.
Nhưng khi họ đã gặp nhau thì mọi chuyện lại khác. Dẫu bà chẳng nói gì nhiều, nhưng ông đã “kết” cô gái miền Bắc vừa xinh xắn vừa đảm việc nhà, giỏi việc nước. Lá thư đầu tiên ông gửi cho bà dài tới 8 trang giấy. Đầu năm 1974 họ cưới nhau. Nhà gái làm một con heo để đãi đằng, cùng vài bao thuốc lá; còn đàng trai là cả một đơn vị xếp hàng bốn đi nghiêm nghỉ như hành quân đến ăn cưới. Vậy mà vui.
Lần giở tập ảnh cưới kỷ niệm, bà tâm sự tiếp: “Tôi lấy ông ấy trước tiên là cảm phục sự hy sinh của ông cho lý tưởng cách mạng, nhưng sống đến lúc này mới thấy mình may mắn bởi ông là người chồng đức độ tuyệt vời”. Còn ông, vẫn nụ cười trên môi cùng ánh mắt hiền từ và ấm áp khi bắt gặp kỷ niệm xưa: “Hình ảnh hai vợ chồng, gia đình, đồng đội có đến mấy album. Vợ chồng tôi thường bảo nhau, thôi thì mình không giàu tiền, giàu bạc, chỉ giàu hình ảnh và kỷ niệm, vậy cũng mãn nguyện lắm rồi”.
NGUYỄN SƠN