Vân Canh: Hiệu quả từ mô hình trồng mì xen keo
Khoảng 2 năm trở lại đây, bà con dân tộc thiểu số ở 2 làng Hà Văn Dưới và Hà Văn Trên (xã Canh Thuận- huyện Vân Canh) đã đưa vào sản xuất cây mì xen cây keo ở vùng đất gò đồi, góp phần tăng thu nhập trên diện tích đất sản xuất.
Mô hình mới này được áp dụng sản xuất ở vùng gò đồi; vùng đất thấp bà con trồng cây mì cao sản xen cây keo, vùng đất cao trồng cây mì gòn xen cây keo. Ở làng Hà Văn Dưới, hầu như hộ nào cũng có nguồn thu từ cây mì khi sản xuất theo mô hình này. Hộ có đất trồng keo thì trồng mì xen vào, hộ không có đất trồng keo thì được những hộ có nhiều đất trồng keo cho trồng xen mì; khi người trồng mì làm cỏ mì thì làm cỏ cho keo luôn, hai bên đều có lợi.
Anh Lê Ngọc Hà, ở làng Hà Văn Dưới, cho biết: Keo là loại cây lâu năm còn mì là cây ngắn ngày, sau 8 tháng, khi mì cho thu hoạch thì keo mới phát triển, do vậy không những không ảnh hưởng đến năng suất mà cây keo được chăm sóc cùng cây mì nên phát triển tốt hơn.
Cũng cần nói thêm, đất nông nghiệp ở xã Canh Thuận phần lớn là đất gò đồi, độ phì thấp, ngày càng bạc màu, nên bà con dần chuyển diện tích đất gò đồi sang trồng cây keo. Với mô hình trồng mì xen keo, bà con sẽ có thu nhập kép để ổn định cuộc sống.
Hiện nay, 1 ha mì cao sản cho thu nhập hơn 20 triệu đồng, mì gòn có giá 5.000 đồng/kg, thực sự là nguồn thu nhập khá cho bà con. Mặt khác, nhờ trồng xen mì mà cây keo sinh trưởng, phát triển tốt hơn; sau khi thu hoạch mì, một phần thân và lá dùng để che phủ gốc keo, nhằm duy trì độ ẩm đất và tăng chất hữu cơ cho đất. Bởi vậy mô hình này không những nâng cao hiệu quả sử dụng đất, mà còn góp phần cải tạo đất, giúp quá trình canh tác bền vững hơn.
Mặc dù không phải diện tích đất trồng keo nào cũng trồng xen mì được, song những hộ đã trồng xen đều đạt hiệu quả kinh tế cao hơn. Điều này cho thấy, đồng bào các dân tộc thiểu số miền núi Vân Canh cũng đã năng động tìm ra được những cách làm mới để tăng thu nhập, từng bước thoát nghèo.
HẠNH PHÚC