Ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp:
Giải pháp nâng cao giá trị, hiệu quả
Thường trực Tỉnh ủy vừa làm việc với ngành Nông nghiệp tỉnh bàn biện pháp phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (NNƯDCNC), nhằm mục đích xây dựng nền nông nghiệp phát triển theo hướng hiện đại, chất lượng và hiệu quả.
Chương trình, giải pháp phát triển
Trên cơ sở phân tích tiềm năng, lợi thế và xu hướng phát triển sản xuất nông nghiệp (SXNN) trong tương lai, ngành Nông nghiệp tỉnh đã xây dựng Chương trình (CT) phát triển NNƯDCNC của tỉnh giai đoạn 2015-2020, tầm nhìn đến năm 2030; đồng thời đề xuất 14 dự án (DA) phát triển NNƯDCNC, thực hiện giai đoạn từ năm 2015-2020; cùng 5 giải pháp thực hiện CT, gồm: quy hoạch phát triển NNƯDCNC; xây dựng hạ tầng; khoa học công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực; chính sách; vốn; phát triển thị trường.
Tỉnh đã hỗ trợ cho ngư dân thiết bị, công nghệ câu cá ngừ đại dương của Nhật Bản nhằm tăng sản lượng và chất lượng sản phẩm.
- Trong ảnh: Lắp đặt thiết bị câu cá ngừ đại dương của Nhật Bản trên tàu cá của ngư dân Nguyễn Quê, ở xã Tam Quan Bắc (Hoài Nhơn). Ảnh: TIẾN SỸ
Với giải pháp quy hoạch, Sở NN-PTNT chịu trách nhiệm phối hợp với các sở, ngành của tỉnh xây dựng các quy hoạch về chăn nuôi, thủy sản, thủy lợi và bổ sung 3 loại rừng trình UBND tỉnh phê duyệt; xây dựng đề án ƯDCNC cho từng loại sản phẩm nông nghiệp. Các huyện, thị xã, thành phố triển khai quy hoạch các vùng SXNN ƯDCNC theo quy hoạch của tỉnh. Với giải pháp xây dựng hạ tầng, Sở NN-PTNT đề xuất đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng cho các vùng SXNN ƯDCNC; tuyển chọn xây dựng mô hình chuyển giao công nghệ và sản xuất hiệu quả, phù hợp thực tiễn; hợp tác, phối hợp nghiên cứu và tiếp nhận tiến bộ KHKT; tăng cường đào tạo, bồi dưỡng cán bộ kỹ thuật, cán bộ quản lý công nghệ cao trong SXNN, đồng thời phát triển thông tin thị trường, dịch vụ hỗ trợ hoạt động ƯDCNC trong SXNN.
Về chính sách, thực hiện các chính sách hiện hành của Trung ương và xây dựng chính sách, kế hoạch triển khai thực hiện phù hợp với điều kiện của tỉnh. Về vốn, ưu tiên đầu tư cho việc phát triển NNƯDCNC, sử dụng nguồn vốn sự nghiệp để hỗ trợ thực hiện phát triển cơ sở hạ tầng và ƯDCNC trong SXNN, phát triển doanh nghiệp (DN) NNƯDCNC, hoạt động thông tin tuyên truyền và quản lý chương trình. Vốn đầu tư phát triển sẽ chi dùng để hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật, vùng NNƯDCNC. Ngoài ra, tỉnh ta huy động nguồn vốn từ DN và các nguồn vốn khác theo quy định để thực hiện CT. Về thị trường đầu ra sản phẩm, xác định các sản phẩm trọng điểm có lợi thế cạnh tranh để có kế hoạch hỗ trợ, xúc tiến đầu tư phát triển và tăng cường tìm kiếm, kêu gọi, hỗ trợ các DN ƯDCNC tham gia vào các đề án, CT của tỉnh. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá phát triển thị trường cho sản phẩm NNƯDCNC.
Phương châm: làm chắc và hiệu quả
Có 14 DA phát triển NNƯDCNC được ngành Nông nghiệp tỉnh đề xuất thực hiện, giai đoạn từ năm 2015-2020. Trong đó, lĩnh vực nông nghiệp có 4 DA: Phát triển vùng sản xuất lúa giống và lúa chất lượng cao; phát triển sản xuất rau an toàn ƯDCNC; phát triển vùng sản xuất hoa mai vàng ƯDCNC An Nhơn và ƯDCNC vào sản xuất dược liệu sạch. Lĩnh vực chăn nuôi có 3 DA: Phát triển chăn nuôi bò thịt chất lượng cao; phát triển giống gia cầm chất lượng cao và xây dựng vùng chăn nuôi heo ƯDCNC Hoài Ân. Lĩnh vực lâm nghiệp có 2 DA: Phát triển giống cây trồng lâm nghiệp chất lượng cao; phát triển trồng rừng sản xuất kinh doanh gỗ lớn. Lĩnh vực thủy sản có 3 DA: ƯDCNC trong chuỗi đánh bắt, cung ứng cá ngừ đại dương; khu nuôi tôm công nghệ cao; mô hình bảo quản cá ngừ. Lĩnh vực thủy lợi có 2 DA: Phát triển hệ thống tưới công nghệ cao trên cây trồng cạn và xây dựng bản đồ số hóa về ngập lụt.
Theo ông Phan Trọng Hổ, Giám đốc Sở NN-PTNT, nhằm thực hiện có hiệu quả CT phát triển NNƯDCNC giai đoạn 2015-2020 và tầm nhìn đến năm 2030, cần phải thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp và có sự tham gia của các sở, ngành cùng chính quyền các địa phương. Riêng Sở NN-PTNT sẽ thành lập Ban chỉ đạo thực hiện Chương trình phát triển NNƯDCNC của Sở; chủ trì phối hợp với các sở, ngành và các huyện, thị xã, thành phố xây dựng các cơ chế chính sách hỗ trợ thực hiện CT, trình UBND tỉnh xem xét chỉ đạo; đồng thời hướng dẫn, kiểm tra và định kỳ tổng hợp tình hình thực hiện CT báo cáo với tỉnh. Sở NN-PTNT cũng sẽ lồng ghép nhiệm vụ của CT với các CT mục tiêu quốc gia và các đề án, DA. Các Sở: KH-CN, KH-ĐT, Công Thương, Tài chính chủ trì phối hợp với Sở NN-PTNT xây dựng và thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp của CT, chú trọng bố trí dự toán đầu tư; xúc tiến, kêu gọi và hỗ trợ DN đầu tư ƯDCNC vào SXNN; xác định nhu cầu thị trường và tìm kiếm đầu ra sản phẩm. UBND các huyện, thành phố, thị xã cân đối vốn ngân sách địa phương để đầu tư phát triển NNƯDCNC trên địa bàn; tạo điều kiện về đất đai, cơ chế chính sách cho các tổ chức, cá nhân tham gia thực hiện CT; lồng ghép các nhiệm vụ của CT với các CT, DA đã và đang thực hiện tại địa phương.
Phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Văn Thiện khẳng định việc thực hiện CT phát triển NNƯDCNC có vai trò quan trọng đối với quá trình phát triển KT-XH của tỉnh nhà và yêu cầu ngành chức năng, chính quyền các địa phương cần phải tỏ rõ quyết tâm, đã thực hiện thì phải chắc và hiệu quả. Để làm được điều đó, Sở NN-PTNT cần phối hợp với các sở, ngành và UBND các huyện, thị xã, thành phố rà soát lại quy hoạch về trồng trọt, chăn nuôi, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản… Trên cơ sở quy hoạch, lựa chọn, xác định một số cây trồng, vật nuôi để xây dựng mô hình ứng dụng công nghệ, KHKT; vận động các DN hợp tác đầu tư gắn với tiêu thụ sản phẩm, đánh giá hiệu quả rồi nhân rộng.
Về cơ chế chính sách, Bí thư Tỉnh ủy chỉ đạo Sở NN-PTNT phối hợp với các ngành chức năng xây dựng chính sách phát triển NNƯDCNC, trong đó có một phần sử dụng để xây dựng cơ sở hạ tầng, trình cho tỉnh vào đầu năm 2015. Bên cạnh đó, rà soát lại hoạt động của Trường Trung cấp Kinh tế - kỹ thuật nông nghiệp Bình Định, đề xuất với tỉnh các giải pháp củng cố đội ngũ giáo viên và có chính sách đầu tư cho trường. Về vốn thực hiện CT phát triển NNƯDCNC, Ban cán sự Đảng UBND tỉnh tính toán đề xuất để Tỉnh ủy và UBND tỉnh nghiên cứu, chỉ đạo.
PHẠM TIẾN SỸ