Từ chuyện làm đường bê tông ở Ân Mỹ (Hoài Ân): “Lộ” ra nhiều điều bất ổn
Gần đây, một số người dân ở thôn Long Quang, xã Ân Mỹ (Hoài Ân) gửi đơn khiếu nại về việc một cá nhân thực hiện hành vi cản trở quá trình thi công đường bê tông nông thôn tại đội 6, đội 7 (thôn Long Quang) nhưng chính quyền địa phương giải quyết vụ việc không rõ ràng, dứt khoát.
Chặn đường cản trở thi công
Ngày 20.11.2014, đại diện Quân - Dân - Chính (QDC) thôn Long Quang (bên A) và các ông Trương Công Tín, Nguyễn Văn Đung, Trương Công Cuộc (bên B) lập hợp đồng thi công đường bê tông giao thông nông thôn tuyến đội 6, đội 7, thôn Long Quang (sau đây gọi tắt là Hợp đồng thi công). Sáng 29.11, bên B cùng một số người dân thôn Long Quang tiến hành tập kết nguyên, vật liệu, lấy cát tại bãi cát có tục danh Bèo Mốc (thuộc đội 6) để triển khai thi công đường. Khoảng 11 giờ 30 phút cùng ngày, ông Nguyễn Trường Thành (ở huyện Hoài Nhơn) dùng phương tiện xe cơ giới chặn đường, không cho các ông Tín, ông Đung, ông Cuộc chở cát đi làm đường. Đến 17 giờ cùng ngày, sau khi đại diện Ban nhân dân (BND) thôn Long Quang và UBND xã Ân Mỹ tới hiện trường giải quyết thì vụ việc mới được vãn hồi. Tuy nhiên, đến ngày 19.12, việc làm đường bê tông tại đội 6, đội 7 vẫn bị dở dang.
Ông Bùi Xuân Trung, Trưởng thôn Long Quang, xác nhận: “Việc ông Thành dùng xe cơ giới ngăn cản ông Tín, ông Đung, ông Cuộc vận chuyển cát đã xảy ra và được BND thôn lập biên bản. Sở dĩ xảy ra việc này là bởi các ông Tín, Đung, Cuộc chở cát đi trên con đường do ông Thành tự tạo lập vào năm 2013 (con đường từ tỉnh lộ 629 đi vào bãi cát Bèo Mốc - PV); trong khi đó, 3 ông này lại không hỏi ý kiến của ông Thành. Sau khi thôn, xã vận động, ông Thành không còn cản trở việc chở cát; nhưng các ông Tín, Đung, Cuộc lại làm đơn xin hủy Hợp đồng thi công, không tiếp tục thi công tuyến đường đội 6, đội 7 như đã giao kết”.
Hợp đồng sai nguyên tắc
Trở lại Hợp đồng thi công lập ngày 20.11.2014, theo nội dung hợp đồng, thì: Bên A có trách nhiệm giao mặt bằng “sạch” và xi măng để bên B thi công 2 tuyến đường có chiều dài 1.000m, rộng 3m. Bên B có trách nhiệm san mặt bằng bằng phẳng trước khi đổ bê tông 2 tuyến đường; tự bỏ số tiền 320 triệu đồng để làm đường (nhân dân không phải đóng góp tiền); phải thi công đúng tiến độ đề ra (thời gian từ ngày 24.11.2014 đến ngày 21.12.2014)… Ngoài ra, trong hợp đồng có điều khoản “lạ”: “Tập thể QDC và toàn thể nhân dân thôn Long Quang đồng thuận cho bên B khai thác cát tại bãi cát Bèo Mốc, thời hạn từ ngày 1.1.2015 đến ngày 1.1.2020, các thủ tục hành chính bên B tự giải quyết (?!)”.
Nhận xét về Hợp đồng thi công, ông Nguyễn Hà Thanh, Chủ tịch UBND xã Ân Mỹ, cho biết: Trước khi BND thôn Long Quang giao kết hợp đồng với các ông Đung, Cuộc, Tín, UBND xã yêu cầu phải thông qua sự kiểm tra, thẩm định của xã. Thế nhưng, cả 2 bên tự ý lập hợp đồng, sau đó cất giữ mà không hề trình UBND xã xem xét.
Quản lý tài nguyên lỏng lẻo
Từ hợp đồng không có giá trị pháp lý với QDC thôn, các ông Đung, Tín, Cuộc đã tiến hành khai thác cát tại bãi cát Bèo Mốc(!).
“Về nguyên tắc, hợp đồng giữa QDC thôn Long Quang với các ông Đung, Cuộc, Tín hoàn toàn không có giá trị pháp lý. QDC và tập thể nhân dân thôn Long Quang không có thẩm quyền để đồng thuận hoặc không đồng thuận cho bất cứ cá nhân, tổ chức nào khai thác cát tại địa phương”, ông Thanh nhấn mạnh.
Ngoài ra, trong năm 2013, UBND xã Ân Mỹ cũng để một đơn vị hoạt động trong lĩnh vực xây dựng khai thác cát tại Bèo Mốc phục vụ thi công, xây dựng một số công trình công cộng tại địa phương. Chưa hết, thời gian qua, một cá nhân còn thực hiện việc khai thác đất tại vùng đồng ruộng có tục danh Hố Giang (thuộc đội 7, thôn Long Quang), nhưng chính quyền địa phương không có biện pháp ngăn chặn, xử lý. Khi chúng tôi đề cập chuyện này, ông Nguyễn Hà Thanh thừa nhận: “Một số bà con ở thôn Long Quang muốn cải tạo đồng ruộng nên thỏa thuận với một cá nhân ở huyện Hoài Nhơn dùng máy xúc múc lấy đất, hạ thấp cao độ mặt ruộng. Đây chỉ là sự thỏa thuận giữa 2 bên, chứ xã không hề có chủ trương hay quy hoạch cụ thể (?!)”.
Việc xây dựng đường bê tông giao thông nông thôn (trong đó nhà nước hỗ trợ một phần xi măng, còn lại người dân đóng góp), là chủ trương đúng đắn; từ đó nhiều tuyến đường khang trang, sạch sẽ, tạo thuận lợi cho nhân dân đi lại và phát triển sản xuất đã hình thành. Tuy nhiên, do quá trình chỉ đạo, triển khai thực hiện chưa sâu sát, hợp lý nên dẫn đến việc thi công đường bê tông nông thôn tại đội 6, đội 7, thôn Long Quang gặp trục trặc, gây dư luận không tốt. Thiết nghĩ, UBND xã Ân Mỹ cần sớm giải quyết dứt điểm vụ việc và phải có biện pháp chặt chẽ trong quản lý tài nguyên tại địa phương.
VĂN LỰC