Bầu Đức: “Xót xa nhưng phải để cầu thủ U19 đá V-League”
Ông chủ của Hoàng Anh Gia Lai thừa nhận Công Phượng và các đồng đội sẽ đối diện với muôn vàn hiểm nguy khi thi đấu ở V-League, nhưng đó là cách duy nhất để các cầu thủ tích lũy kinh nghiệm.
V-League trong tâm thức của phần đông người hâm mộ được liên hệ đến nhiều khía cạnh tiêu cực, mà nổi cộm là tình trạng bạo lực sân cỏ. Để áp chế vấn đề này, từ mùa giải trước Liên đoàn bóng đá Việt Nam VFF đã tỏ ra mạnh tay. Hậu vệ Đình Đồng (Sông Lam Nghệ An) từng lĩnh án cấm thi đấu một năm vì pha vào bóng làm gãy chân của Anh Hùng (An Giang), tiền vệ Đinh Văn Ta (Ninh Bình) bị cấm thi đấu năm trận vì tung cước vào ngực Danny David (Đồng Tâm Long An), bên cạnh các án phạt cho Samson (Hà Nội T&T, ba trận), Văn Nam (Hải Phòng, hết giải), Minh Châu (Hải Phòng, bốn trận), Fagan (Hải Phòng, bốn trận)...
“Cầu thủ Việt Nam tính chuyên nghiệp chưa cao, nhiều cầu thủ không ý thức được nghề nghiệp của mình và không tôn trọng đôi chân của đồng nghiệp. Vì thế mới sinh ra bạo lực”, Phó Chủ tịch VFF Đoàn Nguyên Đức lý giải. “Qua mùa giải vừa rồi, tôi nghĩ tình trạng bạo lực ít nhiều thuyên giảm khi có những án phạt nặng, nghiêm khắc và kịp thời được đưa ra. Các cầu thủ đã biết sợ và bóng đá bạo lực sẽ dần mất đi”. Tuy nhiên, người hâm mộ vẫn không khỏi lo ngại cho những đôi chân non nớt của Tuấn Anh, Xuân Trường, Công Phượng, Văn Toàn… khi thi đấu trong đội một của Hoàng Anh Gia Lai từ V-League 2015. “Khi đưa vấn đề này ra bàn, các cháu tự tin hứa với tôi rằng “Chú cứ cho lên chơi V-League, bọn cháu biết phải làm gì để thích nghi và né tránh”. Vì thế, tôi cũng thấy an tâm phần nào”, bầu Đức chia sẻ. “Hơn nữa, dù không có chủ trương cho cầu thủ của mình ăn thua đủ với đối phương, tôi cảm thấy rằng các cầu thủ của mình phải biết chấp nhận và đối diện với những hiểm nguy ở V-League. Có vậy các cháu mới trưởng thành được, dù đúng là rất xót xa”.
Trong lứa cầu thủ khóa một của học viện HAGL Arsenal JMG, tiền vệ Tuấn Anh từng đứt dây chằng, tưởng như phải bỏ nghiệp nhưng hiện tại thi đấu bình thường. Bầu Đức lấy đó làm ví dụ để “trấn an” bản thân và người hâm mộ: “Lúc thấy Tuấn Anh chấn thương nặng, tôi tiếc lắm. Cứ nghĩ rằng vậy là công toi sáu năm đào tạo nên một cầu thủ giỏi như thế. Nhưng còn nước còn tát. Tôi đưa cháu sang Pháp mổ và nối dây chằng thành công. Giờ thì Tuấn Anh chạy và đá ngon lành rồi. Tôi nói vậy để các bạn thấy rằng, lỡ có bị bóng đá bạo lực gây ra, cũng phải chấp nhận. Vì đó là bóng đá và phải có những rủi ro. Cầu thủ nào lỡ chấn thương thì tôi cho đi điều trị, chăm sóc tối đa rồi về đá tiếp”. Chấp nhận “thương đau” khi đưa những mầm non mới nở lên tham gia đấu trường khốc liệt nhất Việt Nam, nhưng bầu Đức cũng mong các cơ quan chức năng, người hâm mộ lên án những hành vi đá xấu trong bóng đá. “Các trọng tài cần mạnh tay và kiên quyết với hành vi đá xấu. Truyền thông và người hâm mộ chắc chắn cũng không đồng tình với bóng đá bạo lực. Tôi nghĩ, theo thời gian, các cầu thủ V-League sẽ ý thức được nghề nghiệp của mình. Bởi càng đá xấu, đá láo thì người hâm mộ sẽ quay lưng và chính cầu thủ sẽ tự thấy xấu hổ”. Để chuẩn bị cho mùa bóng đầu tiên chinh chiến V-League, thầy trò ông Guillaume Graechen đã sang Thái Lan tập huấn. Họ sẽ về nước một tuần trước ngày khai mạc giải.
(Theo VnExpress.net)