Hoài Ân: Phòng chống đói rét cho trâu bò
Huyện Hoài Ân hiện có đàn trâu-bò trên 15.000 con. Ðiều đáng lo là đồng bào dân tộc thiểu số ở các xã miền núi còn chăn nuôi gia súc thả rông trên núi, chuồng trại không đảm bảo, thức ăn dự trữ không có, đã xảy ra tình trạng trâu bò bị dịch, bệnh và chết do đói, rét.
Đàn trâu bò của Đắk Mang được đưa về làng trong mùa thu hoạch lúa vừa qua. Ảnh: V. HÙNG
Đáng lưu ý, xã Đắk Mang có đàn trâu bò gần 1.500 con, các đợt rét lạnh từ đầu tháng 12 đến nay đã làm cho 6 con trâu nghé thả rông trên núi bị chết vì đói, lạnh. Ông Đinh Hồng Nhé, Chủ tịch UBND xã Đắk Mang, cho biết: “Mặc dù địa phương đã vận động bà con đưa trâu bò về làng chăm sóc, nhưng cũng khó mà thực hiện được vì số lượng trâu bò của xã rất nhiều, bà con không có thói quen trồng cỏ, dự trữ rơm rạ nên có đưa về cũng không có thứ gì để ăn”.
Thực tế hiện nay các khu vực đất, rừng quanh xã Đắk Mang đều đã trồng keo, diện tích ruộng ít và cũng đã làm đất gieo sạ vụ Đông Xuân nên không còn cỏ để đưa trâu bò về chăm sóc. Trâu bò của người dân phải thả rông ở khu vực có địa danh 32 Đồi Tranh, cách xa cả 10 km. Tuy nhiên, khu vực này cũng đã được các công ty lâm nghiệp trồng rừng nguyên liệu giấy, nên diện tích trống ngày càng thu hẹp. Không có cỏ ăn, không chuồng trại, nếu thời gian tới trời tiếp tục mưa thì trâu bò của xã sẽ chết nhiều hơn nữa. Không riêng gì Đắk Mang, các xã miền núi, vùng cao như Ân Sơn, Bók Tới, Ân Nghĩa, Ân Hữu, Ân Hảo Tây… cũng trong tình trạng như vậy.
Nhằm bảo vệ đàn gia súc, gia cầm trong mùa mưa, lạnh, Phòng NN-PTNT Hoài Ân đã có công văn yêu cầu các ngành, các địa phương, hộ chăn nuôi triển khai các biện pháp phòng chống đói, rét và dịch bệnh cho đàn gia súc, gia cầm (GSGC). UBND các xã, thị trấn chỉ đạo lực lượng thú y, khuyến nông phối hợp với các ngành, đoàn thể đẩy mạnh tuyên truyền, vận động các hộ chăn nuôi tích cực phòng chống đói rét cho trâu bò. Vận động các hộ có trâu bò thả rông trên núi, nhất là ở các xã vùng cao, miền núi, đưa về chuồng để nuôi nhốt, chăm sóc. Trạm Khuyến nông có trách nhiệm hướng dẫn các hộ chăn nuôi dự trữ thức ăn thô, bổ sung chất ăn tinh và che chắn chuồng trại để chống gió, lạnh cho GSGC. Trạm Thú y có trách nhiệm hướng dẫn quy trình kỹ thuật phòng chống đói, rét và hướng dẫn các biện pháp nâng cao sức đề kháng cho GSGC; theo dõi tình hình dịch bệnh và tổ chức dập dịch trong diện hẹp, không để lây lan ra diện rộng.
VĂN HÙNG