Tuy Phước: Các HTXNN mạnh lên sau khi sáp nhập
Thực hiện Ðề án số 03 của Huyện ủy Tuy Phước về củng cố sáp nhập các HTXNN giai đoạn 2010-2015, theo mô hình mỗi xã một HTXNN, UBND huyện Tuy Phước đã chỉ đạo Phòng NN-PTNT và chính quyền các địa phương hoàn tất việc sáp nhập đúng theo lộ trình. Từ 23 HTXNN, đến năm 2011 huyện Tuy Phước đã sáp nhập thành 16 HTX. Sau khi sáp nhập các HTX đều có bước chuyển biến tích cực.
Theo đánh giá của UBND huyện, việc sáp nhập các HTXNN để mỗi xã chỉ còn một HTXNN đã tạo điều kiện tinh giản bộ máy quản lý, điều hành. Đội ngũ cán bộ sau khi kiện toàn đã tự tin, có trách nhiệm, năng động hơn, từng bước nâng cao năng lực, chất lượng và hiệu quả hoạt động của HTX. Tài sản, vốn quỹ của HTX sau sáp nhập tăng khá, đáp ứng yêu cầu mở rộng sản xuất kinh doanh, dịch vụ. Vốn lưu động bình quân trước khi sáp nhập chưa đầy 1 tỉ đồng/ HTXNN, sau sáp nhập tăng gần gấp đôi, và vốn cố định tăng gấp rưỡi (lên 4 tỉ đồng). Sau bước củng cố, các HTXNN dần đi vào hoạt động ổn định, nhất là việc thu hồi nợ đọng và không ngừng mở rộng kinh doanh dịch vụ, tạo được niềm tin trong xã viên (XV); đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế, góp phần xây dựng nông thôn mới ở địa phương.
Ông Phạm Long Thăng, Chủ nhiệm HTXNN Phước Hiệp, cho biết: Tháng 6.2011, 3 HTX trên địa bàn xã Phước Hiệp được hợp nhất, lấy tên là HTXNN Phước Hiệp. Qua hợp nhất, tuy có nâng cao năng lực về vốn (vốn cố định tăng trên 2 tỉ đồng và vốn lưu động tăng hơn 1,5 tỉ đồng), nhưng phần lớn đều nằm trong nợ đọng ở XV. HTX đã rà soát lại công nợ, làm tốt các khâu dịch vụ phục vụ XV. Bà con XV thấy được trách nhiệm nên hết chây ì, mỗi năm HTX thu nợ cũ đạt trên 40%, nợ mới đạt trên 95%. Từ đó HTX có vốn mở rộng hoạt động dịch vụ (nhân và cung ứng giống lúa, tín dụng nội bộ, vật tư nông nghiệp, liên kết ngành nghề may công nghiệp, sản xuất và tiêu thụ rau an toàn). Tổng doanh thu của HTX mỗi năm trên 4 tỉ đồng, lợi nhuận trước thuế gần 200 triệu đồng/năm.
Ở xã Phước Thắng, 2 HTXNN sáp nhập vào tháng 4.2011, số nợ cũ khó đòi trên 1,5 tỉ đồng. Ban quản trị mới xuống tận hộ chây ỳ tìm hiểu, họ cho rằng HTX cũ thiếu trách nhiệm trong việc cung cấp nước tưới, nhiều vùng ruộng không tiêu úng được, vùng ruộng cao không cấp nước đầy đủ, dẫn đến năng suất lúa đạt thấp. HTX đã tiến hành nạo vét, khơi thông các tuyến kênh mương, cấp nước và tiêu úng kịp thời, vụ đầu năng suất đạt cao. Nhờ đó, bà con đã nộp gần 41% số nợ đọng phải thu, đến nay nợ đọng đã giảm dần.
Sau sáp nhập, bộ máy quản lý HTX được tinh giảm còn một nửa, và trình độ được nâng lên, mức lương cao hơn trước và được đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế đầy đủ nên đã gắn bó với công việc và làm việc có hiệu quả hơn.
Theo ông Nguyễn Bay, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Tuy Phước, trước đây có nhiều HTXNN xếp loại yếu, trung bình, sau sáp nhập đã có bước tiến đáng kể, qua phân loại năm 2014, có 2/16 HTX đạt loại tốt, 7/16 HTXNN đạt loại khá, còn lại được xếp loại trung bình, không có HTX yếu. Sắp đến, huyện triển khai cho các HTX đăng ký lại hoạt động theo Luật HTX năm 2012, hỗ trợ các HTXNN trong xây dựng và thực hiện các phương án kinh doanh, tổ chức kiểm tra, hướng dẫn thực hiện thu hồi nợ khê đọng, chấn chỉnh công tác ủy nhiệm thu, tăng cường quản lý vốn quỹ để nâng cao chất lượng sản xuất kinh doanh và thực hiện tốt việc kê khai, nộp thuế cho Nhà nước.
XUÂN THỨC