Văn hóa dân gian Cù Lao Xanh
Nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Nhân vừa hoàn thành công trình sưu tầm nghiên cứu văn hóa dân gian Cù Lao Xanh, TP Quy Nhơn. Công trình là kết tinh tâm huyết của ông với mong muốn góp phần bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa dân gian tốt đẹp mà dân đảo đã dày công xây dựng bao đời.
Dồn nhiều tâm huyết
Để có nguồn tư liệu thực tế tin cậy và phong phú cho công trình nghiên cứu văn hóa dân gian Cù Lao Xanh, chỉ trong khoảng thời gian từ năm 2013 - 2014, nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Nhân đã 5 lần vượt biển đến với xã đảo Nhơn Châu. Mỗi chuyến đi điền dã của cụ già 81 tuổi này thường kéo dài hàng tuần, đã nhận được sự giúp đỡ tận tình của Đảng ủy, chính quyền, các hội đoàn thể và người dân đảo để “mở cửa vào kho tàng” văn hóa dân gian có bề dày qua nhiều thế kỷ. Nhà nghiên cứu tâm sự: “Tôi cố gắng leo núi đến khắp các địa danh cần tìm hiểu trên đảo. Có lần biết tôi định đi thuyền thúng để khảo sát quanh đảo, mấy anh ở đồn biên phòng can ngăn nói bác già rồi mà đi thuyền thúng chồm chồm trên sóng biển thì rất nguy hiểm. Vậy mà tôi vẫn quyết đi bằng được, nhờ thế mà mình mới có được nhiều hình ảnh tư liệu có giá trị…”.
Nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Nhân đã dành nhiều thời gian điều tra, khảo sát, sưu tầm tư liệu không chỉ trên thực địa Cù Lao Xanh, mà còn ở nhiều vùng thuộc các xã, phường ven biển phía Nam Bình Định và Bắc Phú Yên có quan hệ sinh sống, làm ăn lâu đời với dân đảo Nhơn Châu. Ông còn nghiên cứu các cổ thư Chăm, Việt, trên sách báo, tạp chí… ở các thư viện, trung tâm nghiên cứu trong và ngoài tỉnh. Trong công trình, ông sử dụng phương pháp nghiên cứu liên ngành địa học, sử học, văn học, hải dương học, Folklore học để trình bày mọi vấn đề được biết về văn hóa dân gian đảo Nhơn Châu.
Tại trại sáng tác vào hè năm 2014 của Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam mở tại Tam Đảo (Vĩnh Phúc), nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Nhân đã lập đề cương rất kĩ về công trình nghiên cứu văn hóa dân gian Cù Lao Xanh dài đến 17 trang A4 để báo cáo. GS.TS Tô Ngọc Thanh, Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam, đã đánh giá cao và ủng hộ nhà nghiên cứu đăng kí thực hiện công trình đầy tâm huyết này.
Để lại cho đời sau
Tập bản thảo công trình Văn hóa dân gian Cù Lao Xanh vừa được nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Nhân hoàn thành xong, gồm 230 trang (giấy A4) được chia làm 3 phần chính: Phần mở đầu giới thiệu hình ảnh Cù Lao Xanh từ ảnh chụp vệ tinh của NASA, sơ đồ nền xã đảo Nhơn Châu. Phần giới thiệu về điều kiện tự nhiên và quá trình tụ cư lập vạn làng ở Cù Lao Xanh. Phần văn hóa dân gian Cù Lao Xanh giới thiệu khá chi tiết về nề nếp đánh bắt hải sản, trồng trọt, chăn nuôi và trao đổi hàng hóa; đời sống xã hội, các sinh hoạt dân cư, đời sống tâm linh, văn nghệ dân gian.
Nhà nghiên cứu đã chú trọng tìm hiểu sự tiếp biến văn hóa của người Chăm đối với người Sa Huỳnh trước đó ở Cù Lao Xanh, rồi đến sự tiếp biến văn hóa của người Việt đối với văn hóa người Chăm để lại. Từ các tài liệu, ông nhận định người Chăm đã sinh sống ở Cù Lao Xanh hàng thiên niên kỷ. Và xa hơn nữa là vấn đề người Chăm đã tiếp biến văn hóa Sa Huỳnh cổ xưa như thế nào?
Trong Văn hóa dân gian Cù Lao Xanh, có thể thấy điều thú vị trên nhiều phương diện cuộc sống mang đậm tính chất biển đảo. Hầu hết các gia đình ở Nhơn Châu đều có thuyền đi biển, thuở trước vợ chồng phải ăn cá một ngày trong lễ cưới. Người dân Nhơn Châu có nhiều điều kỵ húy, không nói đúng tên thật của các vị thần linh trong giao tiếp hằng ngày. Họ cũng có nhiều kiêng cữ trong làm ăn sinh sống hằng ngày, nhất là trong đánh bắt hải sản. Những hình ảnh quen thuộc người xưa để lại ở đảo đã được đưa vào từng loại hình, loại thể dân gian đã góp phần tạo nên sắc thái riêng mang tính địa phương của văn hóa, văn nghệ dân gian Cù Lao Xanh.
Nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Nhân nhìn nhận: “Tất cả những gì trình bày trong sưu tầm, nghiên cứu của tôi cũng mong muốn giúp cho người đời sau biết thuở xa xưa ra đất liền sinh sống, trấn giữ núi đảo tiền tiêu. Đời nối đời dân đảo đã tạo nên một đời sống văn hóa dân gian mang đậm tính biển đảo và tính nhân văn rất đáng quý”.
Nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Nhân đã gửi bản thảo công trình Văn hóa dân gian Cù Lao Xanh cho Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam tổ chức thẩm định, nếu đạt chất lượng cao công trình sẽ được hỗ trợ in thành sách để phổ biến rộng rãi.
HOÀI THU