Từ những vụ trộm tiền, vàng ở thôn quê:
Chớ để “mất bò mới lo làm chuồng”
TAND tỉnh chuẩn bị xét xử 2 vụ án trộm tiền, vàng được thực hiện ở nhiều vùng quê trong tỉnh với tổng trị giá tài sản trên 1 tỉ đồng. Đây là lời cảnh báo cho người dân thôn quê lâu nay không có thói quen cẩn thận phòng ngừa trộm cắp, cửa nẻo sơ sài.
Liên tục từ cuối năm 2012 đến năm 2014, trên địa bàn nông thôn toàn tỉnh liên tục xảy ra những vụ trộm cắp tài sản có giá trị lớn như tiền, vàng khiến tình hình ANTT bất ổn. Đáng chú ý, chỉ riêng 4 đối tượng quê ở TP Pleiku, tỉnh Gia Lai trộm tổng cộng 48 vụ ở 6 huyện: Tây Sơn, Phù Cát, An Nhơn, Phù Mỹ, Vân Canh, Hoài Nhơn.
Trong tình hình an ninh nông thôn tiềm ẩn nhiều nguy cơ, người dân nên nâng cao cảnh giác, đề phòng trộm cắp.
- Trong ảnh: Hiện trường một vụ trộm vàng ở huyện Tây Sơn. Ảnh: QUÝ HIỀN
Cụ thể, từ tháng 8.2012 đến tháng 4.2014, một mình bị can Nguyễn Mộng Lâm (SN 1969, trú tại hẻm 217 đường Lê Lợi, TP Pleiku) trộm 16 vụ, trong đó có 15 vụ trộm tại 2 huyện Tây Sơn, Phù Cát, lấy nhiều vàng, tiền mặt và điện thoại di động tổng trị giá trên 666,6 triệu đồng.
Ở một vụ án khác, 3 đối tượng: Phan Tân (SN 1980, phường Trà Bá, TP Pleiku), Võ Trọng Hải (SN 1977, phường Hội Phú, TP Pleiku) và Trần Thiện Nguyên (SN 1988, phường Phù Đổng, TP Pleiku) trộm 32 vụ, lấy nhiều tài sản trị giá trên 505,7 triệu đồng.
Thấy nhà sơ hở, vào bẻ khóa cạy tủ
Bị can Nguyễn Mộng Lâm từng 3 lần vào tù ra tội vì trộm cắp tài sản. Sau khi thi hành án xong về địa phương, đã được chính quyền địa phương tạo điều kiện, bố trí làm bảo vệ dân phố, nhưng Lâm vẫn chứng nào tật nấy.
Tháng 8.2012, Lâm xuống Quy Nhơn thuê khách sạn nghỉ rồi sau đó dùng xe mô tô đi về vùng nông thôn, tìm nhà nào vắng người, không khóa cửa hoặc khóa cửa không chắc chắn thì lẻn vào dùng tuốc nơ vít mở cửa vào nhà, mở tủ tìm lấy nhiều loại tài sản, gồm: tiền mặt, vàng, điện thoại di động. Trong đó, đáng kể nhất là vụ y lẻn vào nhà bà Nguyễn Thị Khánh (tổ 8, phường An Bình, thị xã An Khê, Gia Lai) ngày 3.8.2012, đục két sắt lấy 8,1 cây vàng. Sau đó, từ ngày 4.12.2013 đến ngày 31.3.2014, Lâm đột nhập vào 13 nhà ở huyện Phù Cát, lấy tài sản tổng giá trị trên 271,4 triệu đồng.
Còn theo lời khai của 3 bị cáo Tân, Hải, Nguyên, đầu tháng 12.2013, Tân chính là người rủ Hải, Nguyên từ Pleiku xuống Bình Định trộm cắp. Sợ bị lộ, chúng liên tục thay đổi địa điểm nhà nghỉ, khách sạn ở Quy Nhơn, sau đó dùng xe mô tô đi về vùng nông thôn, dạo tìm nhà không có người, cửa không khóa hoặc khóa lỏng lẻo thì đột nhập, dùng các đồ nghề như báy sắt, tuốc nơ vít cạy cửa vào nhà, lục tủ tìm lấy nhiều tài sản có giá trị.
Đừng để “mất bò mới lo làm chuồng”
Cũng theo lời khai của các đối tượng này, ở Quy Nhơn người dân cảnh giác cao, nhà nào cũng cửa đóng then cài nên khó bề “hành nghề”. Ngược lại, ở vùng nông thôn, người dân ít có thói quen phòng trộm, lại thường xuyên vắng nhà làm đồng, chỗ cất giấu tài sản có giá trị thường ở nơi dễ tìm như: trong tủ kiểu, tủ quần áo, tủ hộp đầu giường, nên dễ trộm cắp. Khi chạy xe máy dạo tìm nơi sơ hở để trộm, nếu gặp người ở nhà chúng giả vờ hỏi tìm người quen. Thời điểm bọn chúng trộm cắp là vào giờ hành chính.
Chỉ trong vòng gần 5 tháng (từ tháng 12.2013 đến tháng 4.2014), bọn chúng trộm trót lọt 32 vụ liên huyện Tây Sơn (7 vụ), Phù Mỹ (3), Phù Cát (9), Vân Canh (3), An Nhơn (3) và Hoài Nhơn (7). Riêng tại Hoài Nhơn, trong 5 ngày (từ ngày 26 đến 31.3.2014) bọn chúng liên tiếp trộm 7 vụ, lấy tài sản trị giá hơn 147 triệu đồng.
Phiên tòa xử Tân, Hải, Nguyên về tội trộm cắp tài sản dự kiến diễn ra vào ngày 26.12, nhưng do thiếu bị hại và nhân chứng nên đã hoãn. Tuy nhiên, một số bị hại có mặt tại đây cho biết, trước khi xảy ra các vụ trộm, họ không chú ý mấy đến việc phòng ngừa trộm cắp. Một số người còn nói: “Hồi giờ ở thôn quê tụi tui vẫn quen sống vậy. Cổng mở, cửa nhà thậm chí có khi chỉ khép hờ rồi đi làm đồng. Dành dụm được mấy chỉ vàng cũng hay nhét trong đống quần áo trong tủ đứng, góc tủ búp - phê”.
Một cán bộ điều tra cũng nhận xét, chính cuộc sống yên bình ở nông thôn lâu nay đã tạo nên lối sống giản đơn, ít phòng ngừa trộm cắp của người dân. Tuy nhiên, trong tình hình ANTT nông thôn tiềm ẩn nguy cơ bất ổn như hiện nay, mỗi người dân nên tự nâng cao ý thức đề phòng trộm cắp, giữ lấy tài sản của mình, tránh tình trạng “mất bò mới lo làm chuồng”.
THU HÀ