Đừng mãi ế theo... xu thế
Cùng với cuộc sống hiện đại, quan niệm về hôn nhân - gia đình cũng có nhiều đổi thay. Đến tuổi lập gia đình, nhưng nhiều người vẫn “tỉnh bơ”. Nhiều khi, đó chính là nguyên nhân của mâu thuẫn gia đình giữa cha mẹ (sốt cả ruột) với con cái (vẫn bình chân như vại).
“Để tao chết rồi mày hãy lấy vợ”
D. (nhà ở Phù Cát) cầm tấm bằng đại học “một đằng” nhưng công việc lại “một nẻo”. Dù công việc không đúng với chuyên môn đào tạo nhưng thu nhập hằng tháng của D. so với bạn bè cùng lớp có thể nói là “chẳng kém cạnh”. Mải miết làm ăn, ngoảnh qua nhìn lại đã đến tuổi “băm” mà vẫn “giường đơn phòng trống”, dù cũng đã trải qua không ít mối tình.
Tham gia các hoạt động xã hội như hiến máu tình nguyện cũng là cách để những người độc thân mở lòng, tự tạo cơ hội cho mình. (Ảnh minh họa)
Sống và làm việc ở Quy Nhơn nên D. thường về quê thăm gia đình. Mỗi lần về nhà, ba má lại khuyên lấy vợ, nhiều lần D. tìm cách nói khéo nhưng lại bị kết luận là “không nghe lời”. Những câu đại loại như: “Ngày xưa, tuổi như mầy, tao đã 3 đứa con, thế mà giờ mầy ù lì không chịu cưới vợ là sao”, “Em gái con nó có chồng rồi, con nên có vợ đi, để ba má có cháu đích tôn mà ẵm bồng” được ba “nhồi nhét” vào đầu mỗi khi thấy D. xuất hiện ở nhà.
“Chưa hết, nhiều lần vợ chồng cô em gái về thăm nhà, đêm đến mấy cha con ngồi lai rai ly một ly hai, em rể tôi uống được mấy ly lại say “quắc cần câu” rồi ói mửa. Những lần thế, em gái tôi lại dọn dẹp, chăm sóc cho “hắn”. Vin vào cớ này, ba tôi lại nói khéo “con phải lấy vợ để mỗi lần như thế thì có vợ nó lo cho, chứ chẳng ai lo cho đâu”. Tôi lại lần lữa bằng câu “con thì đời nào say mà bố nói thế. Nam nhi mới 30 mà lo gì”. Ba liền nói lẫy “thôi mày để tao chết rồi mày hãy lấy vợ””, D. ngao ngán kể.
D. cũng như nhiều người làm việc xa nhà, luôn muốn được về thăm nhà, ăn bữa cơm gia đình ấm cúng. Thế nhưng, mỗi lần về, lại bị bố mẹ “tra tấn” chuyện gia đình, con cái, nên dần dần lại sợ về nhà. Như Linh, làm việc tại một công ty lữ hành ở TP Hồ Chí Minh đã gần 10 năm, trước đây luôn tranh thủ mọi cơ hội để về nhà ở huyện Hoài Nhơn. Mấy năm nay, dù đi công tác ngang qua nhà (nằm ngay cạnh quốc lộ 1A), Linh rất muốn ghé thăm mẹ, nhưng nghĩ tới nỗi ám ảnh của điệp khúc phải “chống lầy”, nên thôi.
“Ghé thăm nhà có khi chẳng đầy buổi, nhưng cũng đủ làm tôi “nổ não” với “bài ca đi cùng năm tháng” của mẹ. Nào là “hôm qua bà Bảy ở xóm 1 hỏi con để ý chỗ nào chưa, nếu chưa thì bả làm mai thằng cháu trai cho. Mẹ thấy nó cũng hiền lành, nó làm kế toán ở thị trấn Bồng Sơn, cũng gần nhà. Mẹ thấy chỗ ấy được đó”, hay “lấy chồng nhanh đi, bà cô già. Không được chỗ nào thì về ưng luôn con trai bà Sang cũng được, nó làm giáo viên còn đòi gì nữa”. Nghe mà nhức cả đầu!”, Linh chia sẻ.
Chống ế: phải tự thân vận động!
30 tuổi, nhiều người là đã già chát già chơ, nhưng với Dung vẫn cứ như thuở 20, vô tư sống với công việc và niềm vui của riêng mình. Mỗi lần bạn bè hỏi chuyện chồng con, cô nhân viên ngân hàng này lại nhe răng cười: “Nói chung không phải tui ế mà là tui tìm chưa ra người tử tế. Mà suy cho cùng, ế là một lợi thế để chúng ta bàn mưu tính kế, xoay chuyển tình thế, quản lý tiền tệ...”. Có khi, cô lại làm mặt nghiêm ngắn: Bộ Y tế dự báo đến năm 2050 khoảng 4,3 triệu đàn ông Việt Nam sẽ ế vợ. Trong khi, điều kiện kinh tế - xã hội của nước ta chưa như Hàn Quốc, Trung Quốc để các anh có thể lấy cô dâu người nước ngoài. Thế nên, lo ế phải là phái mạnh chớ lỵ!
Cũng đôi lúc “gái già xì-teen” này thoáng buồn khi thấy bạn bè ai cũng có đôi có cặp, còn mình vẫn một mình lẻ bóng. Nhưng nỗi buồn đó chỉ thoáng qua rồi vụt tắt, bởi Dung luôn biết cách lấp đầy một ngày của mình. Ngoài thời gian làm việc, cô có đủ thú vui, như xem phim, đọc truyện tranh, nghe nhạc và “tám” với những đứa bạn cùng cảnh ngộ. Nhóm “phây” của Dung có một “tuyên ngôn bất hủ” rằng: sai lầm của những đứa ế là chơi với những đứa ế như mình, nhưng cái may mắn của những đứa ế là còn có những đứa ế như mình mà chơi (!).
Nhiều người nói ra nói vào, rằng ế như Dung chỉ vì khó tính, lại thêm ý muốn sống độc thân cho… sướng. Dung thì chia sẻ, cũng tại chưa tới duyên, chứ có kén cá chọn canh gì đâu. “Tình yêu ai bán mà mua/ Ai cho mà lấy, ai thừa mà xin”, sao ép buộc được. Vả lại, ai chả biết có con cái cũng có niềm vui riêng.
Nói là nói vậy, nhưng với kiểu sống quẩn quanh trong thế giới của mình như thế, ai cũng bảo chẳng dễ gì để cô nàng tìm được “nửa kia” của mình. Phải dần thoát ra cái “hội ế” đó, cùng vui chơi với tập thể, tham gia các hoạt động xã hội, mở lòng mình thì mới chống lại cái sự “ế theo xu thế” được.
MAI LÂM