Khi nông dân tham gia xây dựng đời sống văn hóa
Diễn ra vào ngày 25.12 tại Tuy Phước, Hội thi Nông dân tham gia xây dựng đời sống văn hóa - năm 2014 đã tạo ra sân chơi hào hứng, ý nghĩa; đồng thời thể hiện vai trò chủ lực, quan trọng của giai cấp này trong xây dựng đời sống văn hóa ở nông thôn.
Phước An, Phước Hưng, Phước Nghĩa và Phước Thành là 4 xã của huyện Tuy Phước được chọn vào tham gia, tranh tài tại Hội thi này. Lý do được chọn, bên cạnh là những địa phương có phong trào văn hóa tương đối mạnh, hơn hết vì đây là 4 xã đã có bước tiến đáng ghi nhận trong xây dựng nông thôn mới (NTM): Phước An đã được công nhận hoàn thành xây dựng NTM vào tháng 3.2014, 3 xã còn lại - theo kế hoạch sẽ về đích trong năm 2015!
Sân chơi hào hứng, ý nghĩa
Là phần thi mở màn Hội thi, “Đoán ý đồng đội” tuy diễn ra ngắn song đã thực sự khuấy động không khí hội trường, mang lại những phút giây thư giãn và tràng cười sảng khoái cho người chơi lẫn người xem. Ở phần thi này, mỗi bộ câu hỏi gồm 5 hình ảnh (nội dung về văn hóa Bình Định), mỗi đội chọn 2 thành viên để hỏi, diễn đạt (dùng điệu bộ, lời nói nhưng không được sử dụng các câu, từ có trong đáp án của hình ảnh), sao cho 3 thành viên còn lại đoán được, trả lời chính xác. Hội trường bùng vỡ những tràng cười và pháo tay bởi những tình huống gợi ý, trả lời nhanh trí, chân chất và hài hước của thí sinh - hội viên nông dân.
Không nhiều tiếng cười như ở phần thi đầu, song thành viên các đội tham gia phần thi thứ 2 - “Kiến thức nông dân” đã cho thấy sự hiểu biết khá sâu về những đề tài: NTM, phong trào TDĐKXDĐSVH, những di sản văn hóa của Bình Định, các bộ luật trong đời sống… “Tài năng nông dân” (thi tiểu phẩm tuyên truyền sân khấu hóa do chính nông dân tự biên tự diễn) là phần thi dành sự quan tâm, đầu tư thời gian, công sức nhất của các đội. Những nông dân chính hiệu lam lũ trên cánh đồng hôm qua, hôm nay lên sân khấu “làm nghệ sĩ” đầy tự tin, biểu diễn hăng say, nhiệt tình, như khi làm chủ đất đai, vườn tược nhà mình. Thông qua những tiểu phẩm ngắn gọn mà thâm thúy về nội dung, ý nghĩa, họ gửi gắm tâm sự, tiếng nói của người nông dân, góp thông điệp xây dựng cuộc đời, phát đi lời kêu gọi giữ gìn vốn quý văn hóa cha ông.
Là Hội thi chỉ 4 xã tham gia nhưng có sức thu hút khán giả, hội viên nông dân trong toàn huyện đến xem và cổ vũ. Ông Cao Văn Chuyên, ở thôn Giang Bắc, xã Phước Hiệp là một trong rất nhiều khán giả đó, cho biết: “Nông dân chúng tôi rất khoái những sân chơi như thế này, vừa được thư giãn vừa phát huy năng khiếu, cơ hội gắn kết bà con hàng xóm, cộng đồng với nhau. Hội thi tổ chức ban ngày, ở thị trấn chứ đưa về thôn, xã, bà con kéo đến xem, cổ vũ càng đông vui hơn nữa!”.
Nông dân tham gia xây dựng đời sống văn hóa
Theo ông Nguyễn Văn Minh, Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL, Trưởng Ban tổ chức Hội thi, trong xây dựng đời sống văn hóa nói chung, đời sống văn hóa ở khu vực nông thôn nói riêng, từ xưa đến nay, nông dân bao giờ cũng đóng vai trò chủ lực, quan trọng. Hiện nay, cùng với xây dựng NTM, phong trào xây dựng xã đạt chuẩn văn hóa NTM rất cần đến bàn tay, khối óc, tấm lòng, nhiệt huyết của nông dân để cùng với Đảng, Nhà nước, chính quyền, đoàn thể ở địa phương, cùng tạo nên một đời sống văn hóa tinh thần ngày càng phong phú và giữ được bản sắc. “Tổ chức Hội thi là một cách ngành văn hóa và Hội Nông dân tỉnh ghi nhận một cách sâu sắc vai trò quan trọng của nông dân trong xây dựng đời sống văn hóa”, ông Minh chia sẻ.
Trong xây dựng NTM ở Tuy Phước, 4 xã Phước An, Phước Hưng, Phước Nghĩa, Phước Thành được đánh giá là giàu nỗ lực vượt khó, tạo sức bật hơn cả. Phước An đã về đích tháng 3.2014; theo Hội Nông dân huyện Tuy Phước, Phước Hưng cũng đã đạt 16/19 tiêu chí, Phước Nghĩa và Phước Thành cùng đạt 17/19 tiêu chí. Các địa phương xứng đáng được ghi nhận, tôn vinh tại Hội thi.
Về phía nông dân, với tinh thần đầy tự nguyện và trách nhiệm, họ cũng ý thức sâu sắc về vai trò, nhiệm vụ ấy của mình. Như tâm sự của anh Lê Minh Hưng, Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Phước An, một “thủ lĩnh” nông dân còn rất trẻ: “Theo quy hoạch, Phước An hoàn thành xây dựng NTM đến năm 2020, nhưng thực tế là địa phương chúng tôi đã về đích trước hơn cả 5 năm. Từ nỗ lực, phấn đấu không mệt mỏi của cả hệ thống chính trị và toàn dân mà có được kết quả ấy, bà con Phước An đang rất phấn khởi, tự hào. Trong bức tranh lớn sáng màu về xã NTM, bà con cũng thấy được giá trị tinh thần của một xã đạt chuẩn văn hóa NTM nên rất đồng lòng, cố gắng để đạt mục tiêu này. Hiện tại, thiết chế văn hóa ở Phước An đã gần như hoàn thiện và phong trào văn hóa quần chúng của Phước An cũng sôi nổi hơn trước. Một đời sống văn hóa lành mạnh, giàu đẹp bản sắc do nông dân góp phần tạo ra và cho cả chính họ thụ hưởng trước tiên, đông đảo hơn cả thì tại sao bà con không chủ động, tự nguyện, hào hứng chung tay góp sức cơ chứ?!”.
SAO LY