Hoa mào gà
Truyện ngắn của Dương Hằng
Rẻo đất ấy độ chục năm về trước cằn khô và trụi lủi, thoắt cái đã láng mịn, phẳng băng với những ngôi nhà cao tầng xếp song song hai bên đường. Chỉ mái nhà tranh của gã vẫn ọp ẹp, núp dưới cây bạch đàn cổ thụ như một đứa trẻ nhem nhuốc và tội nghiệp. Gã sẽ rơi phịch vào quên lãng của tôi nếu trưa ấy gã không xồng xộc nhà tôi với cái giọng ồm ồm, đùng đục mà mạnh mẽ như già làng trong sử thi trong mường tượng của tôi chỉ để xin bố tôi một điếu thuốc lào cho đỡ buồn mồm. Bà nội càm ràm:
- Thằng trời đánh!
Mẹ vỗ quạt mo vào đùi mình xua muỗi, ngắn dài tiếng thở. Bố điềm tĩnh ngồi dậy, đón gã bằng một nụ cười. Gã giắt nhúm thuốc lào vào túi quần vẫn nhì nhèo xin thêm chút nữa. Đã đi phải đi cho bõ. Cách một thôi đường ngang qua sông cũng đếm đong được cách trở lòng người. Bố ghé vào tai gã, nói to “Thuốc lào ngon lắm”. Gã ngần ngừ rồi làm một hơi ngay tại trận cho rõ mười mươi mùi vị của nó cho hết nỗi lăn tăn. Gã kéo hơi rất dài, bắn kêu đanh rít. Mấy ông trong làng thua xa, bắn cứ lét đét lẹt đẹt. Gã ngửa mặt lên trần nhà, nhả khói bồng bềnh, lãng đãng rồi cười khà khà khoái trá.
Tôi qua bên sông không biết bao nhiêu lần, chỉ ngó lơ mái tranh của gã độ hai, ba lần, đủ để biết nó lúp xúp trong hàng bao tòa nhà cao tầng khác. Tôi không chắc đó là một căn nhà khi bên trong chỉ là ô đất vuông vuông đợi gió thốc vào, đợi mưa xuống là nền nhà nhũn bấy. Tôi nghĩ nó chỉ là một quán trọ ven đường và gã là lữ khách. Sẽ có những ai trong đó? Đến một chiếc giường cũng không thì đừng mong một người đàn bà ủ ê cuộc đời mình vào nơi dột nát. Ba cây hoa mào gà đỏ rực cả khoảng sân có lẽ là nơi thắp sáng cho căn nhà tàn tạ, u ám của gã. Lạ thay, tôi thích hoa mào gà, cánh mịn màng, ngòn ngọt như con gái đôi mươi và thứ màu hừng hực như người đàn bà quá tuổi khát chồng. Sau lần trông thấy những bông mào gà rực đỏ ấy, tôi chăm chú nhìn vào khoảnh đất tỏn hỏn nhà gã hơn.
Tôi tò mò nên hỏi bà về gã. Bà kể, trước gã có hai cô con gái sinh đôi. Được gần một năm, vợ gã về bế một đứa đi, một đứa ở lại với gã. Thôn xóm này không biết vợ gã là ai, chỉ biết sống với gã hai năm trời ở Bình Dương, về với gã một lần duy nhất trong đêm mưa gió. Dăm bảy hôm sau, đứa bé sốt cao, trong nhà thủng đeo, nhìn xóm giềng chỉ nghe tiếng đời thở than đói khổ, gã chỉ biết bế con vào lòng mà dỗ. Cuộc đời bắt gã thành kẻ cô độc. Đứa bé chết đi, gã hóa khờ khệch. Bà nội thở dài cái thượt “Rõ khổ cái thằng trời đánh”. Mớ lốn ngốn của đời gã bỗng nhiên lại mắc nghẹn đâu đó dưới đáy lòng tôi, chỉ chờ cơn gió tạt qua là thổi tung xốn xáo hồ nghi và thấp thỏm. Tôi tự nhắc mình ngày mốt có qua sông sẽ ghé nhà gã ngắm mấy bông hoa mào gà cuối mùa vơi đỏ.
Nắng chênh chếch trên ngọn tre cong. Mẹ kéo bao lúa ra, đổ đúng chỗ vạt nắng lọt thỏm giữa sân. Mẹ đưa ống tay quệt mồ hôi ngang trán, hổn hển:
- Vụ tới biết lấy ai mà gánh lúa, thồ lúa đây.
Bà hắng giọng:
- Hay nhờ thằng Ngoạt gánh cho. Nó khỏe như trâu.
Mẹ gạt phăng:
- Mắt mù tai điếc như lão ấy thì nhằm nhò gì mẹ.
- Ờ, chả biết đâu mà lần. Đừng khinh thằng điếc đấy nhé.
Bố tôi bị viêm khớp độ vài tháng nay. Đợt nọ bê thúng lúa đổ sân, tôi thấy mắt bố mình lấn cấn nước. Bố thôi ra đồng, thu lu trong khói bếp cay xè và khoảng vườn xanh rười rượi.
Không biết bà nội đã dấm dúi vào tai gã điều gì mà gã gánh lúa cho nhà tôi thật. Vai gã rộng như đòn gánh, da thui lủi màu bùn. Gã lao phăm phăm vào bóng nắng đổ lửa như một người hùng. Mẹ không ngẩng đầu lên nhìn gã một lần, phăng những nhát liềm sắc ngọt. Thi thoảng gã đứng chống hông, nhìn mẹ, cười khà khà. Mẹ đáp lại tiếng cười của gã bằng sự ơ hờ như cuộc đời vẫn đối xử với gã như thế. Gã hùng hục gánh lúa về nhà. Bố vẫn đón gã bằng một nụ cười nhưng đôi mắt có một khoảng lao xao.
Bà ngồi cọ miếng cau khô cành cạch vào răng, rồi hắng giọng:
- Mệt không?
- Hở?
Gã bị lãng tai nên người đời chỉ nói chuyện với gã qua ánh mắt.
Bà hét vào tai gã. Gã khề khà:
- Không. Không mệt chi hết. Bà cho con miếng cau?
Bà lò mò trong túi áo, đưa gã hai miếng cau khô và một lá trầu vàng khụ. Gã ngấu nghiến chúng như nửa đời người mới có được một miếng cau khô. Nửa đời mới có ắt phải tằn tiện, đằng này, gã cứ ồng ộc như sợ cuộc đời sẽ cướp mất của gã một miếng cau khô như đã cướp đứa con khỏi tay gã. Đời mà, đâu phải ai cũng sống như ai. Và với một kẻ khật khà khật khưỡng như gã thì chẳng lấy gì làm lạ.
Tôi không dám đến gần gã. Tôi luôn có cảm giác gã như ông Ngáo Ộp vẫn rượt đuổi giấc mơ tôi ngày thơ bé. Tôi chỉ lén nhìn gã qua ô cửa vuông vuông bé tẹo. Cái vẻ lếch nhếch của gã, một chiếc áo cộc tay chật ních, một chiếc quần thùng thình lại khiến người ta mủi lòng, rơm rớm. Gã sơ vin, cạp quần cao quá rốn, trông y như mấy đứa con nít lông nhông qua ngõ nhà tôi mỗi chiều. Lúc ngồi mâm cơm, gã khoanh chân, ngồi im thin thít cũng hệt như đứa con nít đang chờ hạ cỗ trên bàn thờ xuống. Liệu rằng, có một đứa trẻ con trong gã hay chính gã chưa bao giờ lớn? Mặc cho cái xác cứ tổng ngổng tồng ngồng, tâm hồn gã cứ bé đấy. Cuộc đời đâu bắt tâm hồn ta phải lớn?
***
Trời chưa bảnh mắt đã thấy gã lù khù ở cổng. Biết ý, gã không đập cửa như mọi bận mà sẽ chờ ai đó ra mở. Gã giắt bên tai một bông mào gà đỏ rực, miệng cứ lõm bõm hát câu gì đó không rõ nghĩa. Bố quay sang nhìn mẹ, dẫu bắt gặp sự khó chịu trong ánh mắt và tiếng thở dài của mẹ, bố vẫn ra mở cửa để hắn vào nhà. Mẹ gắt:
- Gặt hết lúa rồi.
Gã gãi đầu, vẻ sượng sùng, rúm ró quay sang nhìn bố:
- Cho xin ít thuốc lào đi.
Bố đưa cho gã những điếu thuốc lào cuối cùng trong nhà mình. Gã đi, dăm bảy bước ngoảnh lại nhìn ngôi nhà của tôi như một điều gì đó thân thuộc lắm. Mẹ càu nhàu:
- Anh cứ làm vậy, họ quen đi. Đến con chó còn quen hơi thì có ngày họ xộc xạo nhà mình mà không hay biết.
- Người như ông ấy, tôi không tin có một ý nghĩ toan tính nào cả.
- Anh cứ tin người đi.
Mẹ dằn từng chữ rồi quay phắt đi. Bố cầm cái điếu trúc, sực nhớ thuốc lào đã sạch trơn, liền buông điếu một cách nỗi niềm. Bố cứ nhìn mãi mấy con gà bới thóc lép ngoài sân nhưng miền nghĩ ở một nơi xa xôi nào đó mà tôi không thể chạm vào. Tôi ngả vào lòng bố, nũng nịu:
- Con cũng không thích ông ấy đâu bố.
Bố nhìn tôi, hình như có niềm tin vỡ ra trong đáy mắt.
- Người như ông ấy, có mặt trên đời này là để được thương, không phải để ghét, con ạ.
- Nhưng con không muốn ông ấy chen vào cuộc sống của gia đình mình.
Như một thói quen, ngày nào gã cũng đảo qua nhà tôi một hai bận. Lúc xin thuốc, lúc xin chè, có khi chỉ để xin nụ cười của cha tôi để mang về căn nhà hoang lạnh của mình. Những cuộc cãi nhau của cha và mẹ nhắc nhiều hơn về gã. Mẹ khăng khăng không muốn sự có mặt của gã trong ngôi nhà mình như một vị khách không mời mà đến. Tôi đâm ra ghét sự tồn tại của gã. Tôi chặt nát cây mào gà xanh mẩy đầu cổng bởi nó khiến tôi nghĩ đến gã.
Sáng nay bố đi lên miền ngược mua măng về bán nên không một ai trong gia đình tôi nồng nhiệt đón gã. Gã dai như đỉa, cứ lừ đừ ở cổng như một kẻ ăn vạ đời. Tôi ra cổng và nhìn gã qua những thanh chắn của cánh cửa sắt nâu xỉn. Gã nhìn tôi như một người bạn lâu ngày không gặp. Vài lần ngồi chung mâm, gã có len lén nhìn tôi và hình như gã không cười với tôi mà chỉ là cái nhếch môi rất gượng. Tôi nhìn gã, phóng những tia giận dữ trong đôi mắt mình về phía gã hòng chạm vào đường gân xấu hổ trên gương mặt gã. Gã lủi thủi ra về, đúng như ý nguyện của tôi nhưng gã sẽ còn ngoảnh lại cho đến khi nào không nhìn thấy bóng tôi nữa.
Sau lần ấy, gã biến mất hẳn, không một dấu vết. Bố thường nhấp nhổm lúc tinh mơ, kéo tấm rèm cửa để tìm bóng gã đâu đó nơi phía cổng. Mẹ lủng bủng mấy câu. Bố quay lại giường, mẹ sẽ trở người về phía khác, tiếng thở nặng như chì. Bố bảo, trong cuộc đời có khi chỉ cần một người bạn hiền là đủ. Và tôi nghĩ gã đã rất may mắn khi có một người bạn hiền như bố tôi. Còn thèm thuốc lào, gã sẽ còn quay lại. Tôi nghĩ vậy nhưng kỳ thực, mỗi lần nhìn thấy dáng bố thấp thỏm bên tấm rèm, tôi thấy mình như một kẻ mắc tội. Tôi quyết định qua bên kia sông để tìm gã.
Căn nhà của gã tứ bề gió thổi. Gã lích nhích cựa mình dưới nền nhà nâu thẳm. Tôi vội chạy vào, mặt gã mồ hôi tươm tướp. Tôi chạy một mạch về gọi bố. Chưa bao giờ tôi cần sự tồn tại của gã trong cuộc đời đến vậy. Vì bố. Gã bị cảm nặng đột ngột. Cuối cùng gã cũng ra đi mãi mãi.
Lần đầu tiên tôi thấy mẹ lầm lũi khóc trong góc giường. Có lẽ mẹ cũng cảm thấy mình như một kẻ mắc tội, như tôi. Bố bảo muốn tôi theo bố ra mộ gã. Gió hiu hiu thổi. Bốn bề ảm đạm. Bố trồng một cây hoa mào gà bên mộ gã. Xung quanh cỏ khô cháy, xác xơ. Chỉ có cây mào gà hoa vẫn nở, đỏ hừng hực như cây ở khoảng sân nhà gã. Bố nhìn tôi, tôi không mảy may tìm thấy một sự trách cứ nào trong ánh mắt. Hình như bố cần ở tôi một sự điềm tĩnh. Giọng bố chùng xuống và chậm rãi:
- Để bố kể cho con nghe một câu chuyện hai mươi năm về trước. Đêm đó, trời mưa lớn. Bố đang đi lùa đàn vịt thì gặp một người phụ nữ bế đứa con co ro trong cái chòi vịt nhà mình. Đứa con sốt cao lắm nên bố đã để họ ở lại cái chòi vịt. Vài hôm sau đó thì người phụ nữ bế đứa con đi.
- Rồi sao hả bố? Họ có trở về nữa không ạ?
- Đứa con ấy là của ông Ngoạt. Họ đã trở về nhưng ông Ngoạt khi ấy đã trở thành một người khác rồi và không còn nhận ra họ nữa.
- Vậy người phụ nữ đó giờ ở đâu hả bố?
- Đáng lẽ bố phải nói với con điều này sớm hơn. Người phụ nữ ấy là mẹ của con. Bố đã nhìn thấy mẹ bế con chạy đi từ ngôi nhà của ông ấy. Tất cả, bố chỉ muốn bù đắp và cảm ơn ông ấy đã mang con đến cuộc đời bố.
Tôi cố lấy chút bình tĩnh để xâu chuỗi với câu chuyện bà kể hôm nọ. Miệng tôi cứng đơ và tim như thắt lại. Tôi cứ ngỡ mặt mình sắp chảy ra vì nóng. Đầu óc tôi váng vất như được đặt trên một bàn xoay không ngừng nghỉ của cuộc đời. Gã ấy, người nằm dưới ngôi mộ ấy là cha tôi? Mẹ đã nghĩ mình sẽ chôn được sự thật ấy vĩnh viễn? Hai mươi năm trời, bố và mẹ, mỗi người một vai diễn mà chỉ bố mới biết mẹ đang diễn vai nào.
Tôi ôm lấy bố, bật khóc như bao nhiêu nước mắt trong cuộc đời chỉ dành để khóc một lần rồi thôi.
D.H