Chớ lơ là phòng chống dịch bệnh gia cầm
Hiện nay, dịch bệnh gia cầm (DBGC) được ngành chức năng khống chế tốt. Tuy vậy, việc mua bán gia cầm sống tại các chợ vẫn chưa được kiểm tra, giám sát chặt chẽ. Ðây chính là nguy cơ để dịch bệnh tái phát.
Điều đáng quan ngại là ngày 18.12, tại tỉnh Quảng Ngãi - láng giềng của tỉnh ta, Chi cục Thú y đã phát hiện 12.000 con chim cút và trên 7.500 con vịt ở địa phương bị nhiễm vi-rút cúm A/H5N1, A/H5N6. Thông tin này nhắc nhở chúng ta không được chủ quan, lơ là.
Nhiều chủ quan, lắm âu lo
Theo Chi cục Thú y tỉnh, sau thời gian khống chế dịch thành công, đàn gia cầm ở tỉnh ta đã phục hồi và tăng khá cao đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân. Tuy nhiên, hiện nay, theo khảo sát của chúng tôi, nhiều người chăn nuôi đã tỏ ra chủ quan, lơ là trong công tác phòng chống dịch. Đáng quan tâm là hoạt động buôn bán gia cầm sống và giết mổ gia cầm tùy tiện tại các chợ đầu mối chưa được kiểm soát chặt chẽ. Hiện có hàng trăm điểm mua bán gia cầm sống, như chợ Cầu Gành thuộc xã Phước Lộc; chợ Gò Bồi, xã Phước Hòa (huyện Tuy Phước), chợ Bồng Sơn (huyện Hoài Nhơn)… nhưng hầu hết đều không đảm bảo các điều kiện an toàn dịch bệnh như quy định.
Sáng 26.12, có mặt tại chợ đầu mối An Nhơn (phường Bình Định, TX An Nhơn), một trong những điểm mua bán gia cầm lớn ở tỉnh ta, trước mắt chúng tôi, các loại gia cầm sống, thịt gia cầm được các thương lái thu mua từ nhiều nơi rồi vận chuyển về đây tiêu thụ. Đáng lo nhất là số lượng gia cầm bày bán mà tuyệt đối chưa hề được cơ quan chức năng kiểm dịch. Đặc biệt công tác tiêu độc sát trùng cũng chưa được ngành chức năng quan tâm, nên nguy cơ lây lan vi-rút cúm A (H5N1) và một số dịch bệnh khác là có khả năng xảy ra khá cao.
Tương tự, tại chợ Đầm (phường Đống Đa, TP Quy Nhơn), tình hình mua bán công khai, tràn lan gia cầm, sản phẩm gia cầm sống không rõ nguồn gốc; cũng là điều kiện tốt cho nguy cơ lây lan dịch bệnh từ gia cầm. Đáng lo nhất là việc nhiều người buôn bán gia cầm sống không thực hiện các thủ tục kiểm dịch, sản phẩm gia cầm đã giết mổ không được cơ quan thú y chứng nhận an toàn. Mặc dù vậy, người tiêu dùng vẫn vô tư lựa mua, không hề quan tâm đến khả năng nhiễm bệnh.
Thêm vào đó, ngay trên đường Hoàng Hoa Thám, mỗi ngày có nhiều hộ làm nghề giết mổ hàng trăm gia cầm không đảm bảo các điều kiện vệ sinh an toàn dịch bệnh vẫn an nhiên hoạt động. Theo thống kê, trên địa bàn tỉnh hiện có trên 200 lò giết mổ gia cầm. Thế nhưng điều đáng lo ngại là qua các đợt kiểm tra, còn nhiều lò giết mổ trên địa bàn tỉnh chưa đảm bảo các điều kiện về vệ sinh an toàn thực phẩm, vệ sinh thú y.
Bên cạnh đó, sau thời gian DBGC được kiểm soát, tình trạng chăn nuôi gia cầm đã phát triển mạnh tại hầu hết các địa phương trong tỉnh. Tại các khu vực sông suối, kênh rạch, nhất là ở các xã khu Đông của huyện Tuy Phước, Phù Cát, An Nhơn, Phù Mỹ, Hoài Nhơn… việc chăn nuôi vịt thả rông vẫn diễn ra khá phổ biến và không được giám sát. Ngoài ra, một khó khăn trong công tác phòng chống DBGC là việc chăn nuôi gia cầm theo quy mô hộ gia đình, phân tán, rải rác với số lượng ít rất khó kiểm soát. Các địa phương trong tỉnh chưa có địa điểm chăn nuôi gia cầm tập trung; hầu hết các trang trại, gia trại chăn nuôi còn tồn tại trong các khu vực dân cư, các lò ấp nở trứng gia cầm chưa được quản lý. Công tác tiêm phòng cho đàn gia cầm nhỏ lẻ chưa thực hiện được, dễ dẫn đến tái phát dịch bệnh. Tình trạng người dân có thói quen vứt xác gia cầm bừa bãi ra ngoài môi trường cũng là nguyên nhân chính để DBGC có thể phát tán.
Thắt chặt công tác giám sát, xử lý
Theo ông Nguyễn Văn Quốc, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thú y tỉnh, trước tình hình dịch cúm gia cầm đang bùng phát tại tỉnh lân cận Quảng Ngãi, ngành Nông nghiệp tỉnh đã tăng cường phối hợp với Công an tỉnh phân công lực lượng thú y, CSGT trực 24/24 giờ hàng ngày để kiểm soát việc vận chuyển gia súc, gia cầm tại các Trạm Kiểm dịch động vật Bình Đê (Hoài Nhơn), Trạm QL 1D và Trạm QL 1A (tại đèo Cù Mông ). Kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp vận chuyển gia cầm trái phép ra vào tỉnh.
Chi cục Thú y sẽ phối hợp với ngành chức năng, chính quyền các địa phương, Ban quản lý các chợ đầu mối trên địa bàn tỉnh tăng cường kiểm tra, giám sát việc thu mua, giết mổ gia cầm tại các chợ; thường xuyên phun thuốc tiêu độc, khử trùng chuồng trại, các địa điểm mua bán gia cầm sống trên địa bàn toàn tỉnh. Chi cục cũng sẽ thường xuyên kiểm tra, giám sát, phát hiện và xử lý tịch thu tiêu hủy đối với các trường hợp kinh doanh sản phẩm gia cầm không đảm bảo chất lượng.
Ông Quốc cũng lưu ý, các địa phương phải giám sát chặt chẽ việc chăn nuôi vịt chạy đồng, các cơ sở chăn nuôi, địa điểm giết mổ gia cầm. Đề nghị UBND các huyện, thành phố, TX chỉ đạo hệ thống y tế dự phòng làm tốt công tác hướng dẫn và giám sát nhân dân xử lý môi trường, nguồn nước uống đảm bảo vệ sinh, tránh dịch bệnh lây lan trong dịp Tết sắp đến…
TRỌNG LỢI