Bảo vệ Tổ quốc gắn chặt với bảo vệ chế độ XHCN
Mọi quốc gia, dân tộc trên thế giới, dù có chế độ chính trị khác nhau, nhưng chế độ chính trị đó đều gắn liền với lãnh thổ quốc gia và được quản lý bảo vệ theo pháp luật của quốc gia đó, được luật pháp, cộng đồng quốc tế công nhận về chủ quyền cũng như chế độ chính trị của quốc gia đó. Lịch sử tồn tại, phát triển của xã hội loài người từ khi hình thành các nhà nước - tổ chức quyền lực chính trị trong xã hội có giai cấp, bộ máy để quản lý xã hội, duy trì sự thống trị của giai cấp cầm quyền…đều gắn liền với một thể chế chính trị, một lãnh thổ quốc gia với những tên gọi khác nhau. Như vậy, chế độ chính trị phải gắn liền với một quốc gia, một lãnh thổ nhất định, không có quốc gia và chế độ chính trị chung chung cho cả xã hội loài người. Mỗi quốc gia độc lập có tiếng nói, văn hóa, phong tục tập quán, chế độ chính trị, kinh tế, xã hội, có đường lối đối nội, đối ngoại khác nhau. Đến nay, thế giới có khoảng 194 nước và vùng lãnh thổ, đó là những quốc gia với các chế độ chính trị, xã hội khác nhau nhưng họ có quyền bình đẳng với tất cả các quốc gia khác, họ đều có luật pháp để bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ quốc gia và chế độ chính trị của mỗi nước, được luật pháp và cộng đồng quốc tế thừa nhận, không ai có quyền xâm phạm, can thiệp vào chủ quyền quốc gia cũng như chế độ chính trị của từng nước.
Chủ quyền quốc gia và chế độ chính trị luôn gắn bó chặt chẽ, biện chứng với nhau. Trong chủ quyền quốc gia đã bao hàm những chủ quyền cơ bản là: quyền tối cao về lãnh thổ, trong đó các quyền về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng an ninh, lập pháp, lập hiến, tư pháp, quyền độc lập trong chính sách ngoại giao. Đối với nước ta, Hiến pháp quy định: Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam là một nước dân chủ, độc lập, có chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ, bao gồm: đất liền, hải đảo, vùng biển và vùng trời. Đây là sự khẳng định về độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của nước Cộng hòa XHCN Việt Nam. Mặt khác, về thực tiễn lịch sử, suốt gần 85 năm qua, Đảng Cộng sản Việt Nam do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập và rèn luyện, là lực lượng lãnh đạo duy nhất đưa dân tộc Việt Nam từ một nước thuộc địa nửa phong kiến, thành nước Việt Nam thống nhất, độc lập và có chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ. Do vậy, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc phải gắn chặt bảo vệ chủ quyền quốc gia, toàn vẹn lãnh thổ với bảo vệ Đảng và chế độ XHCN. Nghị quyết Đại hội lần thứ XI của Đảng đã chỉ rõ “Bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ; giữ vững chủ quyền biển đảo, biên giới, vùng trời, bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ XHCN; giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội”. Đây là luận điểm rất đầy đủ, toàn diện, minh bạch, phản ánh tư duy mới của Đảng đối với sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc, đó là tư duy khoa học gắn chặt lý luận với thực tiễn, cốt lõi của luận điểm về bảo vệ Tổ quốc là gắn bó chặt chẽ bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ quốc gia với bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ XHCN, bảo vệ mọi lợi ích quốc gia, dân tộc. Đây không những là điều kiện tiên quyết để đất nước ta được sống trong hòa bình, độc lập, tự do, nhân dân ta xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc mà còn là nguyên tắc bất di bất dịch, là quy luật tồn tại phát triển của dân tộc ta. Để bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam XHCN, phải chăm lo xây dựng Đảng, chăm lo xây dựng phát triển kinh tế bền vững, chăm lo xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân ba thứ quân và công an nhân dân hùng mạnh, mở rộng quan hệ đối ngoại, tăng cường luật pháp quốc gia…đập tan mọi âm mưu chống phá của các thế lực thù địch, xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam XHCN.
TRUNG NGÔN