Vân Canh: Triển vọng cây sa nhân dưới tán rừng phòng hộ
Nhằm giúp người dân gắn bó với rừng và làm giàu từ rừng, Ban quản lý rừng phòng hộ huyện Vân Canh đã triển khai Dự án trồng cây sa nhân dưới tán rừng phòng hộ tại làng Canh Tiến, xã Canh Liên. Hiện cây sa nhân đang phát triển tốt, mở ra một hướng đi mới, góp phần xóa đói, giảm nghèo cho người dân địa phương.
Chia sẻ về quá trình “bén duyên” của cây sa nhân với vùng đất Canh Tiến, ông Đoàn Văn Tây, Giám đốc Ban quản lý rừng phòng hộ huyện Vân Canh, cho biết: “Cây sa nhân có tên khoa học Amomum longiligulare T.L.Wu, thuộc họ gừng, là loại cây thân thảo mộc mọc thành từng khóm, sống lâu năm dưới tán rừng. Đây là loại cây dược liệu quý, chuyên trị các bệnh về đường tiêu hóa và còn được dùng làm gia vị nên có giá trị kinh tế cao. Trong những cánh rừng tự nhiên của làng Canh Tiến, cây sa nhân mọc rải rác ở nhiều nơi. Hàng năm, người dân vẫn thường thu gom quả sa nhân để bán cho thương lái. Từ thực tế trên, Ban quản lý rừng phòng hộ đã xây dựng phương án trồng thử nghiệm cây sa nhân dưới tán rừng, theo hướng thâm canh tại làng Canh Tiến để người dân có thể thoát nghèo bền vững từ loại cây này. Từ đó, ý thức và trách nhiệm của người dân trong việc bảo vệ rừng cũng được nâng cao”.
Ông Phạm Cửu, một người dân được chọn tham gia mô hình thí điểm trồng cây sa nhân dưới tán rừng phòng hộ ở làng Canh Tiến, cho biết: Tôi sinh sống ở đây đã lâu và thấy nhiều cây sa nhân mọc tự nhiên trong rừng. Hàng năm tôi vẫn thường thu mua trái sa nhân do bà con hái trên rừng, để bán lại cho thương lái. Từ đó, tôi luôn trăn trở làm sao trồng được và nhân rộng loại cây này để gia đình và bà con trong làng phát triển kinh tế. Khi được Ban quản lý rừng phòng hộ giao cho dự án trồng thí điểm cây sa nhân, tôi hưởng ứng ngay và huy động nhân công phát dọn 0,5 ha rừng được Nhà nước giao khoán, trồng thí điểm 2.000 cây sa nhân. Tôi được dự án hỗ trợ 20 triệu đồng để mua giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và được cán bộ kỹ thuật trực tiếp hướng dẫn việc trồng và chăm sóc. Qua hơn 2 tháng trồng, cây phát triển khá tốt, tỉ lệ cây sống đạt trên 90%, chứng tỏ vùng đất này rất thích hợp với cây sa nhân và việc mở rộng diện tích là rất khả quan”.
Có thể nói, dự án trồng cây sa nhân dưới tán rừng phòng hộ là một hướng đi mới đối với người nông dân, dựa trên nền tảng bảo vệ rừng tự nhiên, đồng thời có thu nhập từ cây sa nhân để cải thiện cuộc sống.
Ông Trần Văn Khổ, Phó trưởng phòng NN-PTNT huyện Vân Canh, cho biết: Sa nhân là loại cây dễ trồng, thích hợp với nơi có độ ẩm lớn, khí hậu mát mẻ; thường trồng bằng cây non, cách nhau khoảng 1m, hàng cách hàng 2,5m. Sau 2 - 3 năm, cây bắt đầu bói quả, sau 5 năm cây mọc lan kín đất, nếu chăm sóc tốt, có thể cho thu hoạch trong 10 năm. Với giá thị trường hiện nay dao động từ 100 - 200 ngàn đồng/kg quả khô, bình quân một năm người dân sẽ có thu nhập từ 40 - 50 triệu đồng/1ha sa nhân. Vì thế trong tương lai, cây sa nhân sẽ trở thành “cây xóa đói giảm nghèo” cho người dân miền núi.
LÊ PHƯƠNG