Võ sĩ Lê Ngọc Trai: “Tôi còn muốn thi đấu thêm một kỳ Ðại hội nữa”
Ðã bước qua tuổi 28, cái tuổi vốn đã bên kia sườn dốc sự nghiệp của rất nhiều VÐV, nhưng riêng Lê Ngọc Trai, anh vẫn chưa muốn dừng lại. Bởi đối với anh, việc được thi đấu và cống hiến như một niềm vui trong cuộc sống. Sẽ rất khó để võ sĩ người xã Phước Quang, huyện Tuy Phước thực hiện được mong muốn đó. Nhưng tôi biết anh không nói đùa…
Tính đến nay, Lê Ngọc Trai là người đang giữ kỷ lục ở nội dung đối kháng môn võ cổ truyền, khi giành được 2 HCV, 1 HCĐ ở 3 kỳ Đại hội TDTT toàn quốc liên tiếp (các năm 2006, 2010 và 2014). Ngoài ra, anh còn sở hữu bộ sưu tập huy chương khá đồ sộ ở các giải khu vực và giải vô địch quốc gia môn võ cổ truyền, kick-boxing.
Sự nghiệp lẫy lừng
Thế nhưng, việc chỉ giành được tấm HCĐ tại Đại hội TDTT toàn quốc lần thứ VII - năm 2014 dường như khiến Trai càng tăng thêm quyết tâm chinh phục những đỉnh cao mới. Trò chuyện với tôi, Lê Ngọc Trai vẫn cho thấy sự nhiệt huyết với môn võ cổ truyền như những ngày đầu tiên. Đã trải qua trên dưới trăm lần thượng đài, nhưng anh vẫn rất háo hức được so găng cùng các đối thủ. Trai cho rằng nếu có thể, Đại hội TDTT toàn quốc năm 2018 anh sẽ lại thượng đài để nối dài thêm kỷ lục của chính mình.
Ngay sau khi chứng kiến cậu học trò của mình giành tấm HCV đầu tiên hạng cân 60kg nam ở Giải vô địch quốc gia năm 2005, võ sư Bùi Trung Hiếu - Giám đốc Trung tâm Võ thuật cổ truyền Bình Định (khi đó là HLV đối kháng đội tuyển võ cổ truyền Bình Định) - đã tin rằng Lê Ngọc Trai sẽ còn tiến xa trong sự nghiệp. Và sau 11 năm chinh chiến ở khắp các giải đấu, võ sĩ sinh năm 1986 đã đoạt được tổng cộng 18 huy chương các loại. Trong đó, vô địch liên tiếp từ năm 2005 đến 2012 ở các giải võ cổ truyền toàn quốc.
Có nền tảng thể lực và kỹ thuật thi đấu tốt, Lê Ngọc Trai cũng tỏ ra thích ứng nhanh với môn kick-boxing, ngay từ khi môn võ này được đưa vào hệ thống thi đấu quốc gia. Ở giải đấu đầu tiên tổ chức tại Bình Định năm 2009, Trai đã giành chức vô địch hạng cân 67kg. Thành tích đó giúp anh được tuyển chọn vào đội tuyển kick-boxing quốc gia chuẩn bị thi đấu tại Asian Indoor Games 2009 tại Việt Nam, nhưng vì những “toan tính” của lãnh đạo bộ môn, Lê Ngọc Trai bị loại vào phút chót. Anh cũng từng được chọn đi thi đấu tại Iran năm 2011, với những ký ức hết sức thú vị.
Nỗi khiếp sợ của các đối thủ
Điều tôi thích nhất ở Lê Ngọc Trai chính là lối đánh tấn công dồn dập của võ sĩ này. Trong thi đấu thể thao, có rất nhiều VĐV tính toán, làm sao để lấy được nhiều điểm hơn đối phương để giành chiến thắng là đủ. Riêng với Lê Ngọc Trai, anh luôn thể hiện xu hướng tấn công ngay cả khi đã nắm giữ điểm số vượt trội. Cũng chính vì lối đánh này, rất nhiều đối thủ thường rất e ngại khi gặp Trai trên sàn đấu. Không ít VĐV chấp nhận bỏ cuộc, để bảo toàn sinh lực khi biết đối thủ tiếp theo là Lê Ngọc Trai - chàng trai đất Võ đầy dũng mãnh. Người viết từng chứng kiến Giải vô địch võ cổ truyền năm 2013 tại Nghệ An, Lê Ngọc Trai bị nứt xương mắt cá ngay trước trận chung kết. Nhưng vì đang trong giai đoạn thi đấu, chưa đến bệnh viện chụp phim kiểm tra nên anh nghĩ chỉ bị chấn thương phần mềm. Nén đau, Trai vẫn đến nhà thi đấu, khởi động chuẩn bị cho trận đấu cuối cùng. Nhìn những bước khởi động linh hoạt của anh, thấy toát ra từ đó ý chí quyết thắng đến dữ dội, võ sĩ An Giang chủ động bỏ cuộc để “đảm bảo an toàn” cho bản thân.
Ngay từ lần tham dự Giải vô địch quốc gia đầu tiên năm 2005, Lê Ngọc Trai đã để lại ấn tượng mạnh bằng chiến thắng thuyết phục trước võ sĩ nhiều kinh nghiệm Đỗ Đức Vui trong trận chung kết. “Cay cú” vì để “đàn em” qua mặt, một năm sau, ngay tại Bình Thuận, Đỗ Đức Vui hẹn tái đấu với Ngọc Trai trong khuôn khổ Đại hội TDTT toàn quốc. Nhưng dù nắm giữ thiên thời, địa lợi, võ sĩ Bình Thuận vẫn là bại tướng dưới tay Lê Ngọc Trai ở vòng tứ kết. Để rồi sau đó võ sĩ Tuy Phước tiếp đà chiến thắng đến trận cuối cùng, giành tấm HCV quý giá về cho thể thao Bình Định.
Tuy nhiên, lối đánh “hồn nhiên” cũng khiến Lê Ngọc Trai gặp không ít khó khăn, nhất là trong những năm còn thi đấu trên thảm, trước những đối thủ liên tục di chuyển để tránh đòn.
Tấm gương trong tập luyện
Có dịp ngồi tâm sự với võ sư Bùi Trung Hiếu sau khi kết thúc Đại hội TDTT toàn quốc lần thứ VII - năm 2014, ông không ngần ngại tiết lộ: “Lê Ngọc Trai chính là một trong những học trò được tôi quan tâm nhất. Điều đó xuất phát từ sự cần cù, nỗ lực trong tập luyện và cả những gì võ sĩ này cống hiến cho thể thao đất Võ”. Trong những ngày cùng ra sân tập luyện với các võ sĩ đối kháng thuộc đội tuyển võ cổ truyền Bình Định, võ sư Bùi Trung Hiếu không ít lần ứa nước mắt, khi chứng kiến cậu học trò hoàn thành tốt những giáo án khá nặng do mình đưa ra. Đơn giản vì ông hiểu rằng Lê Ngọc Trai đã qua cái tuổi sung sức nhất của VĐV và anh cũng đang vật lộn với những chấn thương dai dẳng.
Tập luyện với cường độ cao và phải liên tiếp tham dự các giải đấu, Lê Ngọc Trai không ít lần dính chấn thương. Năm 2007, anh bị rách sụn gối phải và giãn dây chằng chéo trước; năm 2013, anh bị nứt xương mắt cá chân trái; hai bàn tay cũng không tránh khỏi bị đau gân cơ hay rạn xương trong các buổi tập. Nhưng với nền tảng thể lực tốt, cơ địa phù hợp với môn võ và nỗ lực bền bỉ trong tập luyện, Lê Ngọc Trai nhanh chóng lấy lại phong độ. Vì thế, thời gian phải nghỉ thi đấu vì chấn thương của anh không nhiều.
Ý thức tự giác của Trai luôn khiến các đồng đội phải nể phục. Sau những bài tập trên lớp theo giáo án của HLV, anh luôn dành thời gian tập thêm. Để có nền tảng thể lực tốt, anh rất siêng tập những bài với tạ. Thời điểm sung sức, anh đẩy được khối lượng hơn trăm ký. Hơn ai hết, Lê Ngọc Trai hiểu rằng phải có sự khổ luyện thì mới đạt được thành công, anh bộc bạch: “Thi đấu đối kháng trực tiếp, nếu mình yếu hơn thì có thể sẽ dễ dính đòn đau sau những cú ra đòn của đối phương, lại mau xuống sức. Vì vậy, chỉ có tập luyện để có thể lực và chuyên môn hơn họ mình mới có cơ may chiến thắng”.
Tính chịu khó đã là một phần phẩm chất của Lê Ngọc Trai ngay từ khi anh bắt đầu đến với võ cổ truyền. Hè năm 2003, ngày nào Trai cũng đạp xe cùng người em trai và cậu bạn trong xóm vượt ngót 10 cây số đến nhà thầy Thanh Hoàng Thạnh (ở xã Phước Thắng, huyện Tuy Phước) tập võ. Ở tuổi 17 mới bắt đầu làm quen với những đòn đấm, đá, nhưng nhờ siêng năng, Lê Ngọc Trai đã sớm chứng tỏ được mình chỉ trong vòng hơn một năm kể từ ngày được gia nhập đội tuyển võ cổ truyền Bình Định (tháng 3.2004). Tấm HCV giành được ở Giải vô địch võ cổ truyền toàn quốc năm 2005 đã mở ra một chương mới trong cuộc đời Ngọc Trai, với những thành công liên tiếp trên sàn đấu trong hơn 10 năm.
Người thầy tương lai
Trải qua nhiều khó khăn trong cuộc sống và tập luyện, nhưng chưa bao giờ anh muốn chia tay với võ. Bởi hơn ai hết, Lê Ngọc Trai hiểu rằng ở đó những người thầy, những đồng đội đã dành cho nhau rất nhiều tình cảm, ấn tượng tốt đẹp. Cũng trong môi trường đó, anh đã trưởng thành nhiều hơn, được tạo điều kiện bổ sung nhiều kiến thức hữu ích về cuộc sống và văn hóa (Trai đã tốt nghiệp Khoa Giáo dục thể chất - Trường ĐH Quy Nhơn - NV).
Nhiều khả năng, trong thời gian tới, Lê Ngọc Trai sẽ làm quen với công việc mới trong vai trò trợ lý huấn luyện đội tuyển đối kháng võ cổ truyền Bình Định. Với lòng mộ võ, với nhiệt huyết của mình, tôi tin rằng anh sẽ cùng góp phần đào tạo nên những lứa VĐV xuất sắc, đem lại nhiều vinh quang ở các đấu trường cho thể thao đất Võ.
Bảng thành tích của võ sĩ Lê Ngọc Trai:
- Giải vô địch võ cổ truyền Ðại hội TDTT toàn quốc: HCV năm 2006 và 2010; HCÐ năm 2014.
- Giải vô địch võ cổ truyền toàn quốc: HCV các năm 2005, 2007, 2008, 2009, 2011, 2012; HCÐ năm 2013.
- Giải vô địch kick-boxing toàn quốc: HCV năm 2009; HCB năm 2011.
- Ngoài ra còn đoạt các thành tích: HCV Giải trẻ võ cổ truyền toàn quốc năm 2004; HCV Cúp vô địch võ cổ truyền toàn quốc năm 2012; HCV Giải võ cổ truyền quốc tế TP Hồ Chí Minh năm 2012; HCÐ Cúp vô địch võ cổ truyền toàn quốc năm 2013; HCB Giải võ cổ truyền quốc tế TP Hồ Chí Minh năm 2014; HCV Giải vô địch võ cổ truyền miền Trung - Tây Nguyên 2014.
- 2 Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh năm 2010.
LÊ CƯỜNG
Anh Lê Ngọc Trai cố lên nhé, chúc anh luôn thành công