Ngày 13 và 14.1: Tổ chức Hội thảo bàn về giá trị và cách giữ di sản bài chòi
Trên lộ trình xây dựng hồ sơ quốc gia “Nghệ thuật bài chòi miền trung Việt Nam”, hội thảo khoa học quốc tế “Nghệ thuật bài chòi dân gian Việt Nam và những hình thức nghệ thuật tương đồng trên thế giới” sẽ diễn ra tại TP Quy Nhơn – Bình Định vào ngày 13 và 14.1.2015.
Hội thảo do Viện Âm nhạc và Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bình Định tổ chức, ngoài các nhà khoa học trong nước và quốc tế, còn có sự tham dự của các cơ quan quản lý văn hóa cấp bộ, Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam, Ủy ban UNESCO Việt Nam, Văn phòng UNESCO tại Hà Nội… Cùng với đó là lãnh đạo ngành văn hóa chín tỉnh, thành phố có di sản bài chòi và tham gia xây dựng hồ sơ là Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa.
Đặc điểm lịch sử và văn hóa của miền trung; nghệ thuật biểu diễn Hô bài thai của anh Hiệu, chị Hiệu; nghệ thuật biểu diễn của anh Hiệu, chị Hiệu trong bài chòi trải chiếu, bài chòi dạo; văn học trong Hô tên con vài và văn học trong nghệ thuật độc diễn bài chòi kể chuyện của anh Hiệu, chị Hiệu, đây là những chủ đề sẽ được trình bày, trao đổi tại hội thảo.
Các chuyên gia cũng sẽ tìm hiểu về những vấn đề: Âm nhạc trong nghệ thuật Hô bài thai và nghệ thuật độc diễn bài chòi; các biện pháp đã và sẽ thực hiện để bảo tồn, phát huy giá trị của di sản bài chòi hôm nay; một chút so sánh giữa nghệ thuật bài chòi với các hình thức nghệ thuật tương đồng trên thế giới và thực trạng tồn tại, phát triển các loại hình nghệ thuật này hiện nay.
Được biết, đến nay, đã có khoảng 20 tham luận của các nhà khoa học gửi về Ban Tổ chức hội thảo. Trong đó có sáu tham luận của các tác giả Pháp, Đức, Thụy Điển, Hàn Quốc, Lào với phần trao đổi chú trọng vào âm nhạc học. Tại hội thảo, các nhà quản lý văn hóa của các địa phương có nghệ thuật bài chòi sẽ đưa ra những nhận định, đánh giá về thực trạng cùng thách thức về các biện pháp bảo tồn, phát huy di sản bài chòi.
Theo Hoàng Thi (báo Nhân dân)