Phát hiện vi khuẩn giúp ích cho phòng chống sốt rét
Các nhà nghiên cứu tại trường đại học Michigan (Mỹ) vừa phát hiện ra một chủng vi khuẩn có khả năng gây bệnh cho muỗi và làm cho loài côn trùng này trở nên kháng ký sinh trùng sốt rét.
Mật độ ký sinh trùng sốt rét ký sinh trong muỗi Anophen bị nhiễm vi khuẩn Wolbachia thấp hơn 4 lần so hơn muỗi không bị nhiễm vi khuẩn.
Giới chuyên gia nhận xét phát hiện này là triển vọng xa đầu tiên trong cuộc chiến phòng chống sốt rét.
Sốt rét lây truyền từ người sang người thông qua vật trung gian truyền bệnh là muỗi. Vì vậy, phát hiện trên mang lại hi vọng giảm được số ca mắc sốt rét trong cộng đồng.
Sốt rét là một bệnh chính trên toàn cầu. Theo ước tính của Tổ chức y tế thế giới (WHO) mỗi năm, trên thế giới có hoảng 220 triệu người bị nhiễm sốt rét và 660.000 tử vong.
Nhóm nghiên cứu trường đại học Michigan đã nghiên cứu về vi khuẩn Wolbachia, một loài thường gây bệnh cho côn trùng.
Vi khuẩn Wolbachia chỉ truyền từ cá thể côn trùng cái cho thế hệ côn trùng con. Ở một số loài bướm và bọ rùa, vi khuẩn này tiêu diệt ấu trùng đực. Trong một số loài khác, vi khuẩn này khiến côn trùng mẹ sinh ra côn trùng đực con mà sau này chỉ giao phối với côn trùng cái đã nhiễm vi khuẩn Wolbachia. Thậm chí, loại vi khuẩn này còn khiến cho ong bắp cày cái có thể sinh sản vô tính.
Mặc dù muỗi Anophen, vật trung gian truyền bệnh sốt rét, thường không bị bệnh vì vi khuẩn Wolbachia nhưng kết quả nghiên cứu trong phòng thí nghiệm cho thấy, khi côn trùng bị nhiễm vi khuẩn Wolbachia tạm thời, hệ miễn dịch của côn trùng sẽ kháng lại với ký sinh trùng sốt rét.
Thách thức đặt ra là làm sao để biến sự lây nhiễm tạm thời này thành một đặc tính di truyền từ thế hệ này sang thế hệ kia. Nhóm nghiên cứu đã phát hiện một chủng vi khuẩn Wolbachia có thể truyền qua 34 thế hệ ở loài muỗi Anophen stephensi.
Tố Uyên (Theo BBC)