Chiếc vò gốm tìm thấy ở gò cây Me
Trong số những hiện vật Bảo tàng Tổng hợp Bình Định sưu tầm được trong năm 2014 có một chiếc vò gốm Chăm. Chiếc vò gốm này tìm thấy cùng lúc với nhiều hiện vật khác trong quá trình xây bờ kè ở mép sông Côn, thuộc khu vực Gò Cây Me (xã Nhơn Mỹ, thị xã An Nhơn).
Vò cao 46 cm, miệng đứng rộng 14 cm; cổ ngắn, vai phình, thân thon nhỏ dần về đáy; đáy phẳng đường kính 16cm. Quanh chân cổ vò có năm quai bố trí cách đều, giữa mỗi quai trang trí hình rồng đắp nổi. Rồng được thể hiện đang vận động theo chiều ngang, mình uốn khúc thành hình sin, thân nhiều lớp vảy, chân 4 móng. Quanh vai vò trang trí hai hàng chấm tròn nổi song song, nối với nhau bằng một gạch ngang. Phía dưới gần chân vò cũng có một hàng hoa văn tương tự. Toàn thân vò phủ một lớp men màu vàng nâu giống màu rỉ sắt nhưng không đều, chỗ đậm, chỗ nhạt…
Vò gốm tìm thấy ở gò Cây Me.
Gò Cây Me là tên một trong năm trung tâm sản xuất gốm cổ Chămpa ở Bình Định. Tuy chưa được đào thám sát, khai quật, song bước đầu ta có thể nhận diện được cấu trúc ban đầu của khu lò gốm ở gò Cây Me qua lớp tường lò xây bằng các bao nung xếp lớp so le, bị phát lộ do nước sông xói lở.
Sản phẩm thu lượm quanh khu gò gồm gốm gia dụng như chén, bát, đĩa, bình, vò, âu, cốc, bình vôi…; gốm kiến trúc có ngói mũi lá, gốm trang trí tháp; gốm mỹ thuật như tượng, phù điêu; gốm liên quan đến kỹ thuật có con kê, thanh kê, bao nung. Đặc biệt, tại đây còn tìm thấy nhiều chồng bát, đĩa nung dính, là những phế phẩm của quá trình sản xuất.
Gốm ở gò Cây Me chủ yếu được tạo dáng bằng bàn xoay, một số nặn tay hoặc dùng khuôn in, với các loại hình đa dạng; trong đó, nhiều loại hình rất sắc sảo, có giá trị mỹ thuật cao như lọ dáng đàn tỳ bà, bình trang trí vòi hình con thú… Đề tài trang trí trên gốm cũng rất đa dạng, như hoa lá, người, động vật; với nhiều mô típ khác nhau. Trong đó, đáng chú ý là các mô típ dải cuộn, mây uốn, đường khung khép kín, lá đề, bông hoa bốn cánh và nhất là mô típ vật linh hình rồng, makara..
Sản phẩm gốm Chăm lúc bấy giờ không chỉ sản xuất phục vụ cho thị trường trong nước, mà còn xuất khẩu sang các nước trên thế giới. Theo những tài liệu đã công bố thì gốm Chăm đã được phát hiện với số lượng nhiều tại các nước Đông Nam Á, lẻ tẻ ở Ai Cập và Trung Cận Đông.
Men gốm ở gò Cây Me gồm các màu xanh ngọc, màu nâu, màu vàng và màu rỉ sắt. Giới nghiên cứu cho rằng, men nâu có từ thế kỷ XII song phổ biến là thế kỷ XIII và XIV; men rỉ sắt phổ biến trong thế kỷ XIV. Các màu men này được sử dụng nhiều trên đồ gốm Gò Cây Me. Qua đó, có thể xác định niên đại vò gốm nói trên khoảng thế kỷ XIV. Hơn nữa, hình dáng con rồng thể hiện trên vò rất giống rồng ở chùa Phật Tích. Đây là bằng chứng cho sự giao lưu văn hóa giữa hai dân tộc Việt - Chăm trong lịch sử. Hình con rồng trên đồ gốm Chămpa cho thấy đã chịu ảnh hưởng hình tượng con rồng trong mỹ thuật của người Việt thời Lý-Trần.
Vò gốm này là một trong những hiện vật quý trong bộ sưu tập gốm Chăm của Bảo tàng Tổng hợp Bình Định.
HỒ THÙY TRANG (Bảo tàng Tổng hợp Bình Định)