Hoạt động sản xuất công nghiệp:
Năm mới, quyết tâm mới
Năm 2014, vượt qua khó khăn, thử thách, hoạt động sản xuất công nghiệp (SXCN) trên địa bàn tỉnh đã từng bước ổn định, phát triển và đạt được những kết quả khả quan. Đây là tiền đề để các doanh nghiệp (DN) trên địa bàn tiếp tục phấn đấu với những kỳ vọng mới.
Vượt khó 2014
Theo ông Đỗ Xuân Lập, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ - Lâm sản Bình Định (FPA Bình Định), những tháng đầu năm 2014, ngành chế biến gỗ và lâm sản (CBG-LS) gặp nhiều khó khăn, thách thức từ phía các nước nhập khẩu, nhất là yêu cầu về chứng chỉ chứng minh nguồn gốc gỗ với nhiều chi phí, đã “đội” giá thành sản phẩm. Trong khi đó, thị trường gỗ nguyên liệu trong nước ngày càng cạn dần, còn giá gỗ nhập khẩu tăng cao… Trước tình hình này, nhiều DN CBG-LS trên địa bàn đã chủ động sắp xếp lại bộ máy tổ chức và quy trình sản xuất; tăng cường cải tiến mẫu mã, nâng cao chất lượng sản phẩm… Kết quả, năm 2014, mặt hàng gỗ tinh chế toàn tỉnh tăng gần 7% so với năm 2013; dăm gỗ tăng 5,3%...
Hoạt động của các DN CBG-LS trong năm 2014 có thể coi là điển hình vượt khó vươn lên của các DN trên địa bàn. Ông Nguyễn Kim Phương, Giám đốc Sở Công Thương, cho rằng, đáng mừng là trong bối cảnh khó khăn, song bên cạnh sự hỗ trợ của UBND tỉnh và các sở, ngành chức năng, nhiều DN trên địa bàn đã nỗ lực vượt qua khó khăn, ổn định sản xuất, từng bước phát triển, tạo tiền đề, sức bật mới.
Theo thống kê của Sở Công Thương, chỉ số sản xuất công nghiệp (SXCN) toàn tỉnh năm 2014 ước thực hiện tăng trên 7% so với năm 2013. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 7,4%; sản xuất và phân phối điện tăng gần 26%; cung cấp nước và xử lý chất thải tăng gần 11%... Giá trị SXCN toàn tỉnh năm 2014 ước thực hiện 10.546 tỉ đồng, tăng 8,5% so với năm 2013. Trong đó, khối DNNN đạt trên 610 tỉ đồng, tăng gần 14%; khu vực ngoài nhà nước đạt trên 9.366 tỉ đồng, tăng 8%; khu vực đầu tư nước ngoài đạt gần 570 tỉ đồng, tăng trên 11%...
Ngoài các sản phẩm đồ gỗ, trong năm 2014, có khá nhiều sản phẩm công nghiệp đạt mức tăng trưởng cao, như: Thức ăn chăn nuôi tăng trên 46%; đá ốp lát tăng trên 27%; thủy sản cấp đông tăng gần 23%; bia đóng chai tăng gần 20%; tinh bột mì tăng gần 12%…
Theo ông Nguyễn Kim Phương, năm 2014, SXCN của tỉnh tuy có tăng trưởng nhưng chưa đạt yêu cầu so với kế hoạch đề ra và chưa thực sự ổn định. Giá trị tăng thêm của ngành chưa cao, nhiều sản phẩm có giá trị sản xuất lớn nhưng sản lượng sản xuất giảm, hiệu quả và sức cạnh tranh sản phẩm còn thấp; hàng tồn kho của một số sản phẩm còn cao. Bên cạnh đó, đa phần các DN SXCN của tỉnh chủ yếu là DN nhỏ và vừa, vốn tự có ít, hoạt động dựa vào vốn vay, năng lực quản trị yếu kém…
Riêng ngành công nghiệp CBG-LS, theo ông Đỗ Xuân Lập, hạn chế của các DN CBG-LS trên địa bàn là tính liên kết kém, không tận dụng hết các lợi thế, năng lực để bổ sung cho nhau. Bên cạnh đó, nhiều DN chủ yếu xuất bán hàng theo từng lô hàng nhỏ lẻ, chưa đủ tiềm lực để thu hút được những đơn hàng có giá trị cao…
Với những kết quả đạt được của hoạt động SXCN năm 2014, cùng với những đánh giá, phân tích tình hình kinh tế thế giới, trong nước năm 2015, Sở Công Thương đã đề ra một số chỉ tiêu kế hoạch năm 2015: Phấn đấu đạt chỉ số SXCN tăng 7,8% so với năm 2014; giá trị SXCN 11.500 tỉ đồng, tăng 9%...
Theo các chuyên gia kinh tế, dự báo trong thời gian đến, kinh tế thế giới diễn biến phức tạp và tiềm ẩn nhiều rủi ro; nền kinh tế trong nước vẫn còn nhiều thách thức, kinh tế vĩ mô chưa thực sự ổn định. Còn ở trong tỉnh, các DN vẫn tiếp tục gặp các khó khăn chung về vốn, chi phí đầu vào, thị trường tiêu thụ sản phẩm.
Trước những dự báo trên, Sở Công Thương đã đề ra một số nhiệm vụ, giải pháp phát triển SXCN năm 2015: Tập trung phát triển công nghiệp trọng điểm, công nghiệp hỗ trợ; phát triển công nghiệp trên cơ sở các lợi thế của tỉnh (như chế biến thủy sản, chế biến nông lâm sản, sản xuất vật liệu xây dựng..). Tiếp tục đẩy mạnh các ngành sản xuất: tân dược, giày dép, may mặc, thực phẩm, đóng mới và sửa chữa tàu cá. Tăng cường thu hút đầu tư phát triển một số ngành công nghiệp cơ khí, năng lượng điện, vật liệu điện, điện tử, công nghiệp nhựa, sản xuất thiết bị nông, lâm, thủy hải sản và phụ tùng thay thế... kết hợp nhiều trình độ công nghệ, ưu tiên công nghệ cao, công nghệ sạch.
Đồng thời, Sở Công Thương sẽ tham mưu, đề xuất UBND tỉnh chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của các cơ sở sản xuất đang thực hiện chuyển đổi cơ cấu sản xuất sang nhóm sản phẩm có thị trường (như CBG, đá, đường RS, khoáng sản, dược phẩm, bia, thủy hải sản, may mặc...). Bên cạnh đó, Sở sẽ hướng dẫn các DN thực hiện việc tái cơ cấu sản phẩm, bộ máy quản lý, cân đối nguồn vốn và kế hoạch tài chính đầu tư phù hợp, đầu tư công nghệ mới nhằm nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng sản phẩm, sức cạnh tranh, tham gia sản xuất sạch hơn, hạn chế ô nhiễm môi trường.
VIẾT HIỀN