Tuy Phước chuẩn bị mùa hoa Tết
Gần 2 tháng nữa là đến Tết Nguyên đán. Thời điểm này, người trồng hoa ở các làng hoa trên địa bàn huyện Tuy Phước đang tất bật chăm sóc hoa với mong muốn một vụ hoa Tết thật đẹp và bội thu.
Ngoài các loại hoa, cây kiểng quen thuộc, những năm qua được thị trường ưa chuộng nên các loại hoa có nguồn gốc từ Đà Lạt (các loại cúc: đại đóa, pha lê, nữ hoàng..) chiếm số lượng lớn. Ông Từ Ngọc Bích, phụ trách khuyến nông xã Phước Hiệp, cho biết: “Xã có 4 thôn trồng hoa Tết, gồm Xuân Mỹ, Tú Thủy, Luật Chánh và Tuân Lễ. Năm nay bà con xuống giống trồng khoảng 20 ha hoa, chủ yếu hoa bán cành; còn lại lượng hoa cúc kiểng gần 10.000 chậu, tăng gấp đôi so với năm ngoái. Hiện bà con tăng cường chăm sóc để bảo đảm hoa nở đúng Tết, bán được giá cao”.
Anh Trần Long Dũng, có vườn hoa dưới chân đèo Xuân Mỹ, đang cắm cúi tạo dáng cho hoa, bộc bạch: “Năm ngoái tui trồng 400 chậu hoa cúc đại đóa và pha lê Đà Lạt, bán thu lãi ròng 60 triệu đồng; năm nay phát triển trồng 700 chậu, nhờ nắm vững kỹ thuật nên hoa mình chăm phát triển tốt, đã cắt việc chong đèn điện được hai hôm rồi để hoa phát triển tự nhiên”.
Dưới chân núi Kỳ Sơn, đất đai bạc màu, trồng cây gì cũng kém phát triển, nên người dân thôn Xuân Mỹ đã chuyển sang trồng hoa. Cả thôn có 400 hộ, thì có đến 50% số hộ trồng hoa, hộ ít trồng 0,5 sào, nhiều lên đến 7 sào trồng cúc, vạn thọ, lay ơn, thu nhập gấp chục lần so với các loại cây trồng khác trên chân đất này. Theo tính toán của bà con, 1 sào hoa trồng 3 tháng cho thu hoạch, bán sỉ tại vườn thu lãi 3 triệu đồng; hoa trồng bán Tết giá cao hơn.
Làng hoa Bình Lâm, xã Phước Hòa chỉ trồng hoa để bán trong dịp Tết. Năm nay, 300 hộ trồng hoa ở Bình Lâm trồng trên 85.000 chậu hoa các loại, hộ trồng ít 200 chậu, nhiều lên đến 7.000 chậu, chủ yếu là cúc đại đóa, cúc pha lê, cúc nữ hoàng, cúc mâm xôi Nhật và các loại hoa: cát tường, hồng nhung, hồng sen tàu, hồng lưỡng diện, mai…
Ông Nguyễn Văn Thọ, phụ trách khuyến nông xã Phước Hòa, cho hay: “Từ khi được UBND tỉnh công nhận làng nghề trồng hoa vào năm 2013, bà con tự tin, phấn khởi nên đầu tư cơ sở hạ tầng cho nghề trồng hoa tốt hơn. Bà con cũng được ngành chức năng thường xuyên tổ chức tập huấn, xây dựng mô hình trồng hoa thâm canh, chuyển giao tiến bộ KHKT nên áp dụng được hiệu quả; năm ngoái tổng doanh thu hơn 5,5 tỉ đồng. Năm nay, tuy bị ảnh hưởng 2 cơn bão vừa rồi, một số hoa kiểng bị ngã đổ, bà con đã khắc phục, tăng cường chăm sóc, nhìn chung hoa phát triển tốt”.
Anh Nguyễn Ngọc Tùng là người trồng hoa nhiều nhất Bình Lâm, với diện tích 3.500 m2 đất vườn, năm nay anh trồng 7.000 chậu hoa cúc pha lê. Anh Tùng chia sẻ: “Tui gắn bó với nghề trồng hoa đến nay gần 20 năm rồi, năm ngoái trồng 6.000 chậu cúc, bán sỉ tại vườn thu lãi gần nửa tỉ đồng”. Sẵn có vốn và học hỏi được công nghệ trồng hoa từ các nhà vườn Đà Lạt, vụ hoa Tết Ất Mùi này anh trồng thêm 1.000 chậu, đang thuê lao động cắm cây tạo cành.
Ngoài Phước Hiệp, Phước Hòa, các xã: Phước Lộc, Phước Sơn, Phước Hưng, Phước Quang của huyện Tuy Phước cũng trồng hoa Tết với số lượng và chủng loại hoa nhiều hơn năm trước, ai cũng kỳ vọng một vụ hoa Tết bội thu.
XUÂN THỨC