Nhà văn hóa truyền thống ở xã Hoài Châu Bắc:
Cộng đồng chung tay lưu giữ, bồi đắp truyền thống quê hương
Như một cách nhắc nhớ về cội nguồn, người dân 3 thôn Liễu An, Quy Thuận, Tuy An (xã Hoài Châu Bắc, huyện Hoài Nhơn) đã đồng lòng đóng góp xây dựng Nhà văn hóa truyền thống thôn. Nơi đây lưu giữ những giá trị truyền thống, niềm tự hào của từng địa phương.
Năm 2001, mô hình Nhà văn hóa truyền thống thôn ở Hoài Châu Bắc ra đời đầu tiên ở thôn Liễu An, với kinh phí trên 300 triệu đồng. Ý tưởng thành lập Nhà văn hóa xuất phát từ tâm nguyện của các cụ lão thành cách mạng và cao niên ở tại thôn về một nơi lưu giữ giá trị truyền thống từ ông cha để lại; đồng thời, nhắc nhở con cháu mai sau ghi nhớ, gìn giữ và phát huy. Ngay từ công tác vận động, công trình đã nhận được sự quan tâm và ủng hộ của đông đảo bà con sinh sống trên địa bàn và con cháu đang học tập, làm việc ở xa.
Trưởng thôn Bùi Công Đoàn nhớ lại: “Tùy vào khả năng của mỗi gia đình mà số tiền đóng góp có khác nhau. Hộ có điều kiện kinh tế tương đối thì góp 300 đến 700 ngàn đồng. Có hộ góp cả triệu đồng, nhất là những người Liễu An hiện đang sống và làm việc xa quê. Chỉ sau một thời gian, số tiền vận động được đã lên đến hàng trăm triệu đồng”. Công trình hoàn thành ngay trong năm. Nhà văn hóa truyền thống Liễu An có bàn thờ Bác Hồ, có bia ghi lại danh sách những người anh hùng địa phương đã hy sinh xương máu cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, có cả danh sách Bà mẹ Việt Nam anh hùng... Những năm sau đó, người dân địa phương tiếp tục đóng góp kinh phí tu bổ, trang trí thêm đôi hạc, các hạng mục thờ cúng... cho khuôn viên thêm đậm bản sắc văn hóa truyền thống và địa phương. Ngoài những dịp lễ lớn như Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27.7), Giỗ tổ Hùng Vương (10.3 âm lịch), Tết Nguyên đán, Quốc khánh (2.9)... Nhà văn hóa truyền thống thôn vẫn rộng cửa đón bà con trong thôn, những người xa quê, con cháu có tâm nguyện muốn thắp hương tưởng nhớ cha ông.
Sau đó không lâu, năm 2007 và 2008, Nhà văn hóa truyền thống thôn Tuy An và Quy Thuận liên tiếp ra đời, góp thêm lời khẳng định về tinh thần hướng về cội nguồn, chăm chút cho những giá trị truyền thống của người dân Hoài Châu Bắc. Dù ra đời muộn hơn, nhưng Nhà văn hóa truyền thống thôn Quy Thuận lại được đầu tư quy mô hơn cả. Nhà văn hóa truyền thống thôn này nằm uy nghi, trang nghiêm trên khuôn viên 600 m2 với tổng trị giá đầu tư gần 500 triệu đồng. Nơi thờ cũng được bố trí làm 3 gian. Bàn thờ Bác Hồ ở trung tâm với dòng chữ “Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại sống mãi trong sự nghiệp của chúng ta”. Phía bên trái là bàn thờ tiên linh. Bên phải là bàn thờ các anh hùng, liệt sĩ của thôn đã chiến đấu, hy sinh cho quê hương đất nước với dòng chữ “Đời đời nhớ ơn các anh hùng liệt sĩ”. Ngoài ra, nơi đây còn trưng bày Bằng công nhận Làng văn hóa của UBND tỉnh vào năm 2003 và chân dung các Bà mẹ Việt Nam anh hùng. Ngoài gian thờ, cây bồ đề nghiêng mình tỏa bóng, rợp mát cả một góc sân, tạo một không gian yên ả, tôn nghiêm.
Tự nguyện nhận nhiệm vụ quét dọn, thắp hương, mở cổng cho Nhà Văn hóa truyền thống, những năm qua có ông Trần Văn Cự (84 tuổi). Ông Cự kể: “Đây từng là miếu thờ, nơi sinh hoạt truyền thống của làng từ xa xưa. Vào thời kháng chiến chống Mỹ, miếu thờ bị tàn phá do bom đạn. Các cụ cao niên của làng quyết định chọn nơi này làm Nhà văn hóa là vì vậy”.
Với những người con xa quê, được đóng góp cho sự hình thành của Nhà văn hóa, để có chốn ghé thăm mỗi khi trở về là điều thật ý nghĩa. Một trong những người con đã có nhiều đóng góp cho sự hình thành Nhà văn hóa truyền thống thôn Quy Thuận là ông Nguyễn Thành Thư, Giám đốc Nhà Văn hóa Lao động tỉnh. Ông Thư chia sẻ: “Là người con sinh ra và lớn lên tại chính mảnh đất có truyền thống cách mạng, tôi vô cùng tự hào. Vui hơn, khi hay tin các cụ cao niên có chủ trương xây dựng Nhà văn hóa thôn như là một nơi để lưu giữ lại những giá trị văn hóa quê nhà, đồng thời, để con cháu mai sau tiếp tục ghi nhớ, phát huy nét văn hóa, nghĩa cử cao đẹp về tinh thần đoàn kết, keo sơn để cùng nhau xây dựng quê hương giàu đẹp, gia đình tôi cũng tự nguyện đóng góp phần nhỏ kinh phí để xây dựng. Nay, nhờ có Nhà văn hóa này, nét đẹp miền quê thêm sâu đậm hơn; ý thức của mỗi người dân được đề cao hơn”.
Nói về vai trò của Nhà văn hóa truyền thống tại Hoài Châu Bắc, Phó Chủ tịch UBND xã Nguyễn Đình Huấn cho rằng: Đây là những công trình có ý nghĩa nhân văn sâu sắc trong giai đoạn hiện nay. Mang trong mình thông điệp lưu giữ giá trị truyền thống cộng đồng, nhắc nhở cho thế hệ tương lai về công lao của cha ông; công trình này còn là cầu nối cho tình làng nghĩa xóm thêm bền chặt, cho những người xa quê với quê hương, tổ tiên thêm khắng khít.
TRỌNG LỢI