Tập đoàn Amata (Thái Lan) muốn đầu tư lớn vào Bình Định
Nhà phát triển hạ tầng công nghiệp Thái Lan Amata đang tìm hiểu cơ hội để phát triển một khu phức hợp lớn ở Bình Định - gần địa điểm đang có dự án tổ hợp hóa dầu 22 tỉ đô la Mỹ do Tập đoàn Dầu khí Thái Lan (PTT) hợp tác với Tập đoàn Saudi Aramco đầu tư.
Theo nguồn tin từ Trung tâm xúc tiến Đầu tư tỉnh Bình Định, mới đây đoàn công tác của Tập đoàn Amata do TS. Huỳnh Ngọc Phiên, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty cổ phần Amata Việt Nam dẫn đầu, đã đến làm việc, tìm kiếm cơ hội đầu tư tại tỉnh Bình Định.
Đây là chuyến đi khảo sát tiền trạm của đại diện Amata sau khi Chủ tịch Hội đồng Quản trị của Tập đoàn này, ông Vikrom Kromadit bày tỏ ý định đầu tư xây dựng một khu công nghiệp, đô thị dịch vụ lớn tại tỉnh Bình Định tại buổi hội kiến với Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng ở Thái Lan, bên lề Hội nghị thượng đỉnh hợp tác Tiểu vùng Mekong mở rộng (GMS) lần thứ 5 tại Bangkok vào ngày 19.12 vừa qua.
Trao đổi với Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online qua điện thoại, TS. Huỳnh Ngọc Phiên cũng cho biết đây là chuyến khảo sát tiền trạm nhằm triển khai ý tưởng trên của ông Vikrom Kromadit. Ông Phiên đánh giá cao tiềm năng, lợi thế phát triển cũng như chính sách thu hút đầu tư của tỉnh Bình Định. Trên cơ sở kết quả chuyến đi, đoàn sẽ báo cáo lãnh đạo Tập đoàn Amata và sẽ trở lại Bình Định trong thời gian tới nhằm xúc tiến các bước tiếp theo.
Ông Phiên cho biết, theo kế hoạch, lãnh đạo cấp cao của tập đoàn sẽ tiếp tục đến Bình Định vào trung tuần tháng tới để tìm hiểu thực tế về cơ hội đầu tư. Nếu ý tưởng trên thành hiện thực thì nhu cầu đất để phát triển dự án sẽ lên đến cả ngàn héc ta.
Kế hoạch đầu tư của Amata được giới quan sát nhìn nhận là một bước chuẩn bị đón đầu khi dự án phát triển tổ hợp lọc dầu tại Khu kinh tế Nhơn Hội của nhà đầu tư đồng hương Thái Lan PTT được cấp giấy chứng nhận đầu tư.
Gần đây, Chính phủ cũng có văn bản chấp thuận và cho phép triển khai các bước của dự án 22 tỉ đô la Mỹ này, đồng thời cũng chấp thuận đưa dự án vào Quy hoạch phát triển ngành dầu khí Việt Nam với công suất chế biến 20 triệu tấn dầu thô/năm và tiến độ dự kiến hoàn thành trong giai đoạn 2021 - 2025. Thủ tướng giao UBND tỉnh Bình Định thực hiện việc xem xét cấp giấy chứng nhận đầu tư cho dự án theo quy định để triển khai các bước tiếp theo.
Theo Trưởng Ban quản lý Khu Kinh tế Nhơn Hội Man Ngọc Lý nếu nhà đầu tư hoàn chỉnh hồ sơ dự án sớm thì khả năng tỉnh sẽ ra giấy chứng nhận đầu tư phát triển dự án tổ hợp lọc hóa dầu vào trước Tết Nguyên đán này.
Như vậy khả năng hiện thực hóa dự án đầu tư này rất lớn và nếu dự án này được triển khai thực hiện đầu tư thì sẽ kéo theo rất nhiều nhà đầu tư khác đến Bình Định.
Thực tế theo Ban quản lý Khu Kinh tế Nhơn Hội, sau khi dự án lọc hóa dầu Nhơn Hội được chính thức trình lên các cơ quan thẩm quyền xem xét đánh giá, trong thời gian qua đã có nhiều doanh nghiệp Thái Lan đến tìm cơ hội đầu tư vào Khu Kinh tế Nhơn Hội với vai trò là nhà đầu tư cung cấp dịch vụ cho dự án.
Do đó, việc Amata có kế hoạch phát triển dự án tổ hợp công nghiệp, đô thị dịch vụ ở Bình Định sẽ thuận lợi khi đón đầu các nhà đầu tư thứ cấp của dự án tổ hợp hóa dầu Nhơn Hội cũng như thu hút các nhà đầu tư quốc tế khác.
Tại buổi làm việc với đoàn Amata vừa rồi, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Hồ Quốc Dũng cũng cho biết tỉnh đang đẩy mạnh việc triển khai dự án tổ hợp Lọc hóa dầu Nhơn Hội. Do vậy, tỉnh mong muốn tập đoàn Amata nghiên cứu đầu tư, phát triển sản xuất, kinh doanh tại khu kinh tế Nhơn Hội và các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh; đồng thời, thu hút các nhà đầu tư Thái Lan vào phát triển sản xuất, kinh doanh tại Bình Định.
Dự án tổ hợp lọc dầu Nhơn Hội (Victory Project) được thực hiện với quy mô diện tích khoảng 1.400 héc ta tại Khu kinh tế Nhơn Hội, tỉnh Bình Định. Dự án có công suất 400.000 thùng dầu thô/ngày (tương đương 20 triệu tấn/năm). Sau năm 2021 sẽ xem xét nâng công suất lên 30 triệu tấn/năm. Tổng mức đầu tư của dự án dự kiến khoảng 22 tỉ đô la Mỹ. Khi mở rộng công suất, tổng mức đầu tư có thể đạt mức 30 tỉ đô la Mỹ.
Được biết, tập đoàn Amata lấy phát triển khu công nghiệp làm mũi nhọn, ưu tiên phát triển khu công nghiệp sạch và khu công nghệ cao. Hiện nay, có hơn 1.000 nhà máy trong hệ thống các khu công nghiệp của Amata.
Ở Việt Nam Amata là một trong những nhà đầu tư phát triển hạ tầng công nghiệp thành công, gắn liền với khu đô thị công nghiệp Amata ở Đông Nai đang thu hút nhiều nhà sản xuất quốc tế. Ngoài ra, Amata vào tháng 9 rồi cũng ký kết thỏa thuận hợp tác với UBND tỉnh Đồng Nai để hai bên phối hợp triển khai dự án Khu công nghệ cao và Khu đô thị dịch vụ tại huyện Long Thành (tỉnh Đồng Nai) có vốn đầu tư 530 triệu đô la Mỹ.
Amata hiện cũng đang xúc tiến phát triển dự án Khu công nghiệp công nghệ cao có quy mô lớn tại tỉnh Quảng Ninh.
Theo Hùng Lê (TBKTSG)