'Vua mai' Bình Định
Vườn mai hơn 2.000 chậu của ông Lương Văn Trực có giá bán cao gấp 3-5 lần so với mai xuân truyền thồng, mỗi năm thu lãi hơn 300 triệu đồng.
Nhắc đến mai ông Trực (thôn Hưng Trị, xã Cát Thắng, huyện Phù Cát - Bình Định), dân sành chơi đều biết đến những cây mai có bộ đế to, uốn dáng bonsai với những bông vàng, khỏe mạnh.
Thông thường một chậu mai xuân bán giá trung bình từ 500.000 đồng trở lên, thì mai đế bonsai vườn ông Trực có giá 2,5 triệu đồng mỗi chậu. Tạo ra dáng mai khác biệt, kỳ công không những giúp ông có được thương hiệu, uy tín mà còn đem lại lợi nhuân cao.
Vốn là một nông dân, 20 năm trước ông Trực chật vật tìm đủ mọi cách thoát nghèo từ mảnh vườn nhà. Cuối cùng ông quyết định thử nghiệm trồng mai và tìm đến làng mai truyền thống Háo Đức (xã Nhơn An, Thị xã An Nhơn) “tầm sư học đạo”. Sau mấy tháng lăn lộn ở đây, ông xin 300 hạt giống, vay thêm một triệu đồng để khởi nghiệp.
Vào nghề với vốn kiến thức về mai còn sơ sài, ông Trực chăm chỉ học hỏi thêm ở các nhà vườn và nhờ bạn bè giới thiệu sách liên quan đến trồng, chăm sóc, tạo dáng mai. Mê mẩn dáng mai bonsai với bộ đế lớn vững vàng, ngay lứa mai đầu tiên ông quyết định trồng mai đế bonsai. “Năm 1992, lứa mai đầu tiên được trồng từ 300 hạt giống mà tôi xin ở vườn mai Háo Đức, dưới sự hướng dẫn của một người anh có kinh nghiệm. 3 năm sau, lứa mai đầu tiên được bán hết ra thị trường. Từ đó, tôi bắt đầu ươm giống trồng lứa thứ hai và tập trung tạo đế, dáng bonsai”, ông Lương Văn Trực chia sẻ.
Theo ông Trực, riêng với cây mai, mỗi vùng đất, vùng nước, khí hậu khác nhau, nên mai sinh trưởng cũng khác. Do đó, nếu đem kỹ thuật chăm bón của các nhà vườn Háo Đức qua chăm sóc mai đế bonsai, dù cây mai vẫn nở hoa nhưng sẽ không đẹp, do đó phải có chế độ chăm sóc khác biệt. Ngoài ra, mảnh vườn nhà ông lại rất phù hợp để trồng mai. Toàn bộ khu vườn nhà được bao quanh bờ tre chắn gió giúp mùa hè thì mát, đông lại ấm... Đất bồi phù sa bên bờ sông mỗi năm thêm một lần bồi đắp, cây mai nhờ vậy sinh trưởng tốt hơn.
"Cây mai nhà vườn khác mất một năm phát triển, còn ở đây chỉ mất 6 tháng nhờ lợi thế đất, nước, khí hậu. Thêm nữa là vợ chồng tôi có đam mê với mai, từ cố gắng chọn cây thoát nghèo ban đầu, đến nay cây mai đã trở thành niềm yêu thích", ông Trực chia sẻ.
Mai vườn nhà ông Trực có đặc điểm nổi trội là bộ đế to, đẹp. Theo ông, đây là bí quyết riêng của gia đình sau 20 năm trồng mai, bởi không phải cây mai nào trồng lên đều có sẵn bộ đế mà phải qua quá trình uốn nắn, tạo dựng từ thuở gieo hạt, ươm mầm. Ban đầu, vợ ông còn cằn nhằn vì công việc quá tỉ mỉ và kỹ càng, nhưng dần dần bà quay qua mê mai còn hơn chồng.
Ông Trực chia sẻ, để uốn nắn thành công một dáng mai đế bonsai phải trải qua nhiều công đoạn, mỗi công đoạn đòi hỏi một kỹ thuật riêng và tỉ mẩn. Chọn hạt gieo mầm, ươm cây, tạo đế, uốn dáng... phải nắm bắt từng thời điểm phát triển của mai để chọn đất gì, phân nào, nước ra sao..., nhưng kỳ công nhất vẫn là bắt rễ, tạo đế và uốn dáng mai.
Vào nghề muộn, nhưng ông Trực được giới trồng, chơi mai ở Bình Định mệnh danh là “vua mai” bởi nét riêng biệt mà ông tạo ra cho cây mai xuân. Không những thế, chỉ với nghề trồng mai, trừ chi phí, mỗi năm vợ chồng ông thu lãi trên 300 triệu đồng.
Không chỉ nổi tiếng ở Bình Định, 15 năm qua, thương hiệu mai ông Trực còn có tiếng ở chợ hoa xuân TP HCM. Bắt đầu từ 15 tháng Chạp, vợ chồng, con cái ông lại đánh những chuyến xe hoa vào thành phố bán Tết. “Tôi vừa đặt cọc tiền chỗ bán mai ở chợ hoa xuân trong Sài Gòn. Tết đến, vợ chồng tôi với thằng con út chia nhau 3 ngả ở trong đó bán mai. Thường thì đi từ 15.12 (âm lịch), đến tối Giao thừa mới lên xe về nhà đón tết", ông nói.
Ông Trực cho biết, thị trường Sài Gòn năm nào cũng biến động, nhưng cây mai nhà ông nhìn chung không thay đổi. Ban đầu, người Sài Gòn quen với những cây mai trực, lùm (cao, thẳng, không uốn) ở các nhà vườn trong đó, nhưng bây giờ họ dần ưa chuộng mai xuân Bình Định với dáng mai bay, mai uốn bonsai đẹp mắt. Để hợp thị hiếu, ban đầu ông tạo bonsai dáng trực (lên thẳng), mấy năm nay ông bắt đầu phát triển mai dáng bay (uốn theo chiều ngang).
“Ngoài mức giá trung bình 2,5 triệu đồng một chậu, tôi còn bán được nhiều cây có giá tới vài chục triệu. Năm nay, vợ chồng tôi dự định đưa vào Nam 200 chậu, các nơi như Đà Nẵng, Quảng Ngãi, Hải Phòng, Gia Lai... sẽ tùy theo đơn đặt hàng của thương lái”, bà Trần Thị Ơn (vợ ông Trực) cho biết.
Theo Minh Thùy (VnExpress)
muốn học hỏi kinh nghiêm của bác Trực ạ.