Dưỡng cúc tầm Xuân
Thời gian này, các nhà vườn trồng hoa cúc Bình Định đang trong không khí hối hả, tất bật với việc chăm sóc để những chậu cúc trổ hoa đúng dịp đón Tết Nguyên đán Ất Mùi - năm 2015.
Đây là thời gian cây cúc đơm nụ, là thời điểm quyết định thắng lợi của vụ cúc Tết nên nhiều làng cúc lâu đời ở tỉnh Bình Định như Vĩnh Liêm (phường Bình Định, thị xã An Nhơn), Bình Lâm (xã Phước Hòa, huyện Tuy Phước), Bắc Hà Thanh (TP Quy Nhơn)... đã bắt đầu không khí nhộn nhịp của vụ mùa. Các nhà vườn hối hả, tất bật trên những khu vườn cúc, tỉ mẩn chăm sóc từng thân cành, chậu cây, với hy vọng một vụ hoa cúc xuân thắng lợi.
Tại phường Bình Định (thị xã An Nhơn) được xem là “vương quốc” của hoa cúc Tết. Toàn phường có gần 50 hộ trồng cúc với trên 26.000 chậu, tập trung tại các khu vực Vĩnh Liêm, Kim Chây, Nguyễn Thị Minh Khai, Kim Châu… Riêng khu vực Vĩnh Liêm có số hộ trồng hoa cúc đông nhất, với khoảng 30 hộ, trồng hơn 10.000 chậu, bình quân mỗi hộ trồng 350-400 chậu.
Nhưng để có mùa hoa Tết bội thu không phải là chuyện dễ dàng. Nhà vườn phải thức khuya, dậy sớm, suốt ngày bám mặt ngoài vườn cúc chăm bẵm cho cây. Giai đoạn cúc chuẩn bị đơm hoa là thời gian cần sự chăm sóc đặc biệt nhất, vừa phải đầy đủ nước, chế độ phân bón, vừa phải chỉnh sửa từng cành nhánh để có một chậu hoa hoàn thiện.
Mỗi ngày, phải tưới nước từ 2-3 lần để cúc phát triển.
Ông Nguyễn Hữu Phước (70 tuổi), một nhà vườn ở Vĩnh Liêm, chia sẻ: “Cúc từ 20 ngày tuổi, tôi phải bấm ngọn để cúc đẻ nhánh. Chậu nhỏ trồng 40 cây, ngắt ngọn thành 80 cây; chậu lớn 200 cây, ngắt ngọn thành 400 cây. Nhờ đó, cây cúc dày đều trong mỗi chậu. Ngắt ngọn tuy không phải là điều bắt buộc nhưng nông dân lấy gốc làm lãi, thay vì bỏ ra 80 cây giống, chúng tôi bỏ công ngắt ngọn để đạt số lượng trên. Chăm sóc tuy có vất vả hơn, nhưng bù lại, đỡ một nửa chi phí mua cây con giống”.
Giai đoạn cây đơm nụ, các chủ vườn phải thuê người làm cho kịp thời vụ. Nhờ đó, góp phần tạo thêm thu nhập cho một số người dân xung quanh. Trong ảnh: Bà Trần Thị Sáu (59 tuổi) làm công cho các chủ vườn cúc ở Vĩnh Liêm. Mỗi ngày công, sau khi trừ ăn uống, bà Sáu được trả khoảng 120 ngàn đồng.
Anh Cáp Văn Tân (47 tuổi, phường Nhơn Hưng), người có “thâm niên” 7 năm trồng cúc, năm nay ươm trồng 300 chậu cúc pha lê và đại đóa. Hiện là công nhân một công ty xây dựng ở An Nhơn, tuy chỉ tay ngang nhưng anh Tân rất am tường về cúc... Công việc chỉ mang tính thời vụ nhưng nhờ cúc, anh Tân có thêm thu nhập cho gia đình. Năm ngoái, anh Tân trồng 300 chậu, bán sỉ 160 ngàn đồng/chậu, riêng cúc đại đóa chậu lớn bán 500-700 ngàn đồng/chậu, sau khi trừ chi phí còn lãi trên 50 triệu đồng. Anh Tân cho biết, vào thời điểm cúc đơm bông, anh xin nghỉ phép vài hôm tranh thủ giúp vợ những công đoạn khó để dưỡng nụ cho cúc.
Anh Tân cho biết thêm, trước khi cúc đơm nụ, để cúc phát triển, các nhà vườn thắp đèn nguyên đêm. Từ khi trồng đến 1 tuần tuổi là bắt đầu vô nước, vô phân chăm sóc. Khi cúc được 20 ngày tuổi thì bắt đầu bấm ngọn, chong đèn. “Thắp đèn để cây cúc “thức” suốt, giúp cây nhanh phát triển, vươn cao, thân thẳng. Đến ngày cúc đơm nụ, tháo đèn để cúc “ngủ” lấy sức trổ bông”- anh Tân giải thích.
Thời gian chong đèn kéo dài đến tuần thứ 7, thứ 8 thì nhà vườn tháo đèn để cúc đơm nụ. Trung tuần tháng 11 âm lịch, cúc đơm nụ, các nhà vườn dặm cây con, cắm cọc tre, sửa cây để chậu cúc đầy đặn, chỉnh sửa cho hoàn thiện, tưới nước, vô phân đầy đủ để cây phát triển và nở hoa đúng Tết.
Giữa lòng TP Quy Nhơn, làng hoa cúc Bắc Hà Thanh hình thành từ khoảng hơn 6 năm qua, đến nay, có 28 hộ trồng cúc năm nay trồng gần 19.000 chậu.
Một trong những chủ vườn lớn ở làng cúc Bắc Hà Thanh, ông Nguyễn Hữu Có (65 tuổi, phường Đống Đa) là người có thâm niên 35 năm trong nghề trồng hoa. Năm nay, ông trồng 700 chậu gồm pha lê và đại đóa, do vợ chồng ông và người con trai chăm sóc.
Ông Có cho biết, đến giai đoạn chọn búp hoa, tôi phải thuê thêm 9-10 người để chọn búp hoa cho kịp Tết với tiền công từ 150-200 nghìn đồng/người/ngày. Nghề không phụ người, bằng nghề trồng hoa, ông đã nuôi năm người con học đại học, trong đó ba người con lớn đã có việc làm ổn định.
Để tiết kiệm công sức và thời gian, những người trồng cúc đã sáng tạo nhiều dụng cụ mang lại hiệu quả kinh tế như tay cầm nâng chậu, trục xoạy… “Nhờ dụng cụ nâng chậu bằng tay cầm, thay vì phải khuân, khiêng chậu khi di chuyển, tiết kiệm được thời gian và công sức khi làm việc. Trước đây, khiêng chậu cúc phải cần đến 2 người, thì nay chỉ một người vẫn làm nhẹ nhàng” - ông Nguyễn Hữu Có chia sẻ.
Bài, ảnh: GIA VŨ