Tin đồn
* Truyện ngắn của Phùng Hi
Phú - kỹ sư điện toán cao ráo điển trai, trưởng phòng thông tin tuyên truyền của văn phòng UBND tỉnh. Phượng - bác sĩ nội khoa xinh đẹp dịu dàng, trưởng khoa nội BVĐK.
Phú - Phượng tài sắc vẹn toàn, yêu nhau từ thời phổ thông, cưới nhau khi cả hai khởi đầu sự nghiệp như mơ. Họ ở căn hộ hai tầng sang trọng, đối diện tòa án nhân dân, cạnh con sông vắt ngang thành phố với hai hàng thùy dương rủ bóng. Phú - Phượng làm thành một đôi hội đủ chuẩn mực về tình yêu, hôn nhân và lòng chung thủy khiến bạn bè thân sơ ghen tị, soi gương, gièm pha…
* * *
Hóa - bạn cùng lớp phổ thông với Phượng - giáo viên toán, tướng tá cục mịch, “dạy cua tàn bạo”. Ý nói dạy thêm nhiều, tốp này vừa ra tốp kia vô. Vợ Hóa gầy tong như chân nhang, ngồi ngay cửa phòng thu tiền sát rạt. Hôm tôi đi họp phụ huynh gặp Hóa, thầy nghiêm mặt buồn, kể: “Hồi trước cha Phượng không muốn gả Phượng cho thằng Phú đâu, hai đứa chia tay sau đến lại với nhau, dùng dằng lắm. Phú một lần ra Đà Nẵng tập huấn khóa tin học “network gov”, dan díu với con gái tổng giám đốc một hệ thống khách sạn ngoài đó. Phượng nghe tin, dắt hai con về nhà mẹ đẻ. Vậy là đưa nhau ra tòa ly dị”. Tôi hỏi thiệt không? Hóa bảo thiệt đấy, con nhỏ ngoài đó vô đây ăn dầm nằm dề cả tháng trời hẹn hò với Phú. Ôi, ngày xưa Hóa coi Phượng như lá ngọc cành vàng, coi Phú thân phận côi cút, nghèo nàn không xứng với Phượng.
Diệu - bạn cùng lớp phổ thông với Phú - dạy sử trường chuyên, vừa nhận danh hiệu nhà giáo ưu tú. Diệu da ngăm đen, duyên ngầm. Cô Diệu có mỗi đứa học trò đoạt giải nhất quốc gia môn sử, vậy là Diệu nhận hết phần thưởng này đến phần thưởng khác. Dịp cuối năm Ủy ban tỉnh mời văn nghệ sĩ, trí thức gặp mặt úy lạo, tôi gặp cô Diệu ở hành lang khách sạn công đoàn. Không biết Diệu thuộc diện nào, văn nghệ sĩ hay trí thức? Diệu kể: “Con Phượng tệ lắm cơ, tiền bạc nó giữ hết. Cha Phú mất hồi ở chiến khu, hiện mẹ già nay ốm mai đau, Phú không có tiền mua cho mẹ lon sữa, thảm thiết. Bạn bè Phú tới nhà chơi, con Phượng dằn mâm xáng chén. Vậy là Phú đâm đơn ly dị, cho đáng đời. Từ nhà nó qua bên kia đường là đến tòa án, ly dị cái rụp. Thứ đàn bà bo bo đồng bạc, chồng nào chịu nổi. Mà ông Phú ngày xưa hào hoa, phong nhã chứ có phải cù lần chi đâu...”. Tôi chặn “dòng thác” tuôn ra từ miệng Diệu, rằng tôi nghe lý do ly dị khác kia. Diệu bảo còn lý do nào nữa, chỉ lý do đó thôi. Diệu mắt lúng liếng, má bồ quân, nói tiếp: “Tôi mà có chồng như ông Phú hở, tôi tưng như trứng mỏng cơ”.
Linh - học sau Phượng hai lớp - bác sĩ nhi khoa cùng bệnh viện với Phượng. Linh răng hơi đưa, da trắng, là em gái của bạn tôi. Linh với áo blouse hờ hững che bên trong chiếc áo lụa vàng trễ cổ, bên dưới quần jean, mông nở lớn tràn ra ngoài, đến khám cho con gái tôi đang nằm viện. Kê thuốc xong, Linh nán lại phòng bịnh, kể: “Thấy bà Phượng vậy chứ bả bầy hầy lắm. Ôi thôi nhà cửa của bả bừa bộn kinh, tới nhà chơi thấy bắt ớn”. Tôi nói trông Phượng tươm tất, sạch sẽ thế kia mà. Linh trề môi: “Anh nói sao chớ bả ăn mặc lôi thôi lếch thếch nhiều khi nhầm với bà hộ lý. Bả chỉ biết mỗi công việc của bệnh viện. Đàn bà có quyền lực là không xong...”. Tôi ngắt lời Linh, nói Phượng chỉ là trưởng khoa nội. Linh bảo: “Anh không biết đâu, bả có quyền lắm đấy, em đây bị bả dợt cho mấy trận, may em bên nhi không dưới quyền trực tiếp của bả”. Linh cảm thán nói tiếp: “Nhìn anh Phú với hai đứa nhỏ không ai chăm sóc, thấy thương. Anh Phú đẹp trai quá trời thua gì Chánh Tín, làm ở UBND tỉnh nữa, quan trên trông xuống người ta trông vào, ai chịu nổi bà vợ khú như vậy trời. Vậy là cãi nhau, kéo nhau ra tòa ly dị”. Tôi thắc mắc sao bữa trước nghe đồn lý do Phú - Phượng ly dị khác kia. Linh nguýt cặp mắt mí lót, nói: “Làm gì có lý do nào khác”.
Hùng - một thời trồng cây si trước nhà Phượng- nay là doanh nhân nức tiếng. Anh thấy tôi, từ xa đã hớn hở: “Cho mày hay tin vợ chồng Phú - Phượng ly hôn rồi, con Phượng còn ngon nước lắm. Đàn bà mỏng manh dễ vỡ như Phượng dành cho đàn ông như tao mới phải”. Kỳ, người ta ly hôn kéo theo biết bao hệ lụy vậy mà lắm kẻ vui, vui ra mặt có, vui thầm có. Tình cũ không rủ cũng theo đó, tôi hăm. Hùng cười ha ha: “Tao đang khoái tìm lại chút hương xưa cũng còn là trách nhiệm với bạn bè nữa, đúng không? Bây giờ mày đi với tao tới nhà Phượng”. “Thôi tội quá, ông đi một mình đi. Tôi vẽ cho ông viễn cảnh thế này, ông tới nhà Phượng thấy có thằng đã ngồi to hó ở đó ông tính sao. Không chừng có cả tiểu đội mê Phượng sắp hàng một trước nhà”. Hùng vung tay bảo tao sẽ đánh dạt những thằng đó sang bên, nói rồi nhảy vô xe sập cửa, vút đi, mặt vui hơn hớn.
Tôi gặp Phú - Phượng cùng hai con đi chơi ở biển Đại Lãnh. Bãi biển hoang sơ vắng vẻ trải dài, sóng xô từng đợt chậm rãi bình yên. Phú đeo kính râm, để ria, tóc bềnh bồng. Phượng, một mệnh phụ tuổi bốn mươi, nói năng nhỏ nhẹ, người manh mảnh cao. Hai con của Phú - Phượng, một trai một gái khỏe mạnh phổng phao, chúng chạy nhảy líu lo cười nói. Đợi Phượng đi xuống mép biển, tôi hỏi Phú cho thỏa tính tò mò: “Này, sao nghe đồn vợ chồng ông ly dị rồi?”. Phú gỡ kính râm nhìn tôi, nheo mắt lại vì nắng gắt, hết sức ngạc nhiên, nói: “Làm gì có chuyện đó cha, con cái đùm đề rồi. Ly dị cho dượng nó nhào vô hưởng à. Nhà mình nó ở, con mình nó sai, vợ mình nó xài à?”.
Tôi sẽ không thông báo tin này cho quý bạn của tôi.
P.H