Quản lý, bảo vệ rừng ở Vĩnh Thạnh: Lắm khó khăn, nhiều phức tạp
Trong năm 2014, mặc dù lực lượng KL đã có nhiều cố gắng trong việc tuần tra, truy quét lâm tặc, thế nhưng, tình hình mua bán, vận chuyển, khai thác và lấn chiếm đất lâm nghiệp trên địa bàn huyện Vĩnh Thạnh vẫn còn diễn biến phức tạp. Công tác quản lý, bảo vệ rừng (QL-BVR) ở địa phương này lại gặp nhiều khó khăn.
Theo Hạt KL huyện Vĩnh Thạnh: Toàn huyện hiện có 58.835 ha đất lâm nghiệp, trong đó đất có rừng 47.685 ha, đất rừng trồng 3.399 ha, độ che phủ của rừng đạt 65,8%. Diện tích đất có rừng ở Vĩnh Thạnh khá lớn, lại nằm giáp ranh với nhiều huyện khác trong tỉnh; đường giao thông cách trở, trong khi lực lượng KL mỏng, phương tiện đi lại thiếu thốn nên công tác QL-BVR gặp rất nhiều khó khăn. Lâm tặc đã lợi dụng những điểm yếu nói trên để khai thác và vận chuyển lâm sản trái phép trên địa bàn huyện. Vì vậy, số vụ vi phạm Luật Bảo vệ - phát triển rừng trên địa bàn trong năm vẫn còn ở mức cao.
Thực trạng đáng lo ngại
Ông Nguyễn Sơn Tùng, Hạt phó Hạt KL huyện Vĩnh Thạnh, lý giải: Lâu nay, đồng bào dân tộc thiểu số ở các xã miền núi thường có thói quen canh tác quảng canh; họ cần diện tích đất rộng lớn để canh tác, dẫn đến tình trạng tự ý phá rừng làm nương, rẫy. Hơn nữa, công tác phối hợp giữa các ngành chức năng trong đấu tranh, xử lý các đối tượng chủ mưu, cầm đầu buôn gỗ lậu còn chậm.
Bên cạnh đó, các cấp chính quyền cơ sở chưa thực hiện đầy đủ trách nhiệm quản lý nhà nước về rừng và đất lâm nghiệp. Cơ quan quản lý nhà nước chưa kiên quyết xử lý việc sử dụng, sang nhượng, mua bán, lấn chiếm trái phép đất lâm nghiệp, nhất là đối với đối tượng là người đồng bào dân tộc thiểu số. Việc xử lý vi phạm của chính quyền các địa phương đối với hành vi vi phạm Luật Bảo vệ - phát triển rừng còn thiếu kiên quyết; nhiều hộ gia đình nhận khoán BVR không thực hiện việc kiểm tra rừng nên không phát hiện kịp thời rừng bị phá.
Ngoài ra, việc xây dựng các công trình thủy điện tại xã Vĩnh Sơn và Vĩnh Kim dẫn tới tình trạng người dân thiếu đất sản xuất, phải vào rừng khai hoang, đốt rừng trái phép. Trong khi đó, hoạt động của lực lượng BVR của các Ban quản lý rừng phòng hộ, rừng đặc dụng chưa đáp ứng được yêu cầu.
Quan ngại hơn cả trong công tác QL-BVR ở huyện Vĩnh Thạnh hiện nay là ở các xã Vĩnh Sơn, Vĩnh Kim, Vĩnh Hảo, hàng ngày thường xuyên có các đối tượng lâm tặc chuyên nghiệp ở một số địa phương lân cận đến các bản làng nhằm lôi kéo, cấu kết với người dân địa phương để khai thác, mua bán, vận chuyển gỗ trái phép. Địa điểm lâm tặc thường ngắm đến để khai thác gỗ là ở các khu rừng giáp ranh giữa huyện Vĩnh Thạnh với các huyện: An Lão, Tây Sơn, An Khê (Gia Lai) rồi cất giấu trong rừng, khi có điều kiện thuận lợi thì sử dụng ô tô, xe máy vận chuyển về xuôi để tiêu thụ.
Rất cần những giải pháp liên ngành 12
Trước lúc hành động, lâm tặc cho người theo dõi lực lượng KL, khi có động tĩnh thì báo ngay cho đồng bọn. Chúng sử dụng lực lượng áp tải hàng từ 5-10 người, và phân chia nhiều ngả đường khác nhau, trong khoảng thời gian từ 1-3 giờ sáng. Thường cứ hai người một xe máy, người ngồi sau ôm gỗ, khi phát hiện có lực lượng KL, chúng tăng tốc độ rồi bỏ gỗ xuống đột ngột giữa đường để ngăn cản sự truy đuổi - ông Nguyễn Sơn Tùng lo lắng cho biết.
Để đối phó với lực lượng chức năng, các đối tượng lâm tặc mở đường mới sang địa bàn xã An Toàn vận chuyển gỗ về An Hòa (An Lão). Sau đó, theo tuyến tỉnh lộ 629 để vận chuyển gỗ ra khỏi địa bàn; hoặc tập trung tại xã Bok Tới, ĐakMang (Hoài Ân) rồi tìm cách đưa gỗ đi nơi khác tiêu thụ.
Đấu tranh chống lâm tặc là một hành trình đầy gian nan, vất vả. Muốn xóa sổ được lâm tặc thì riêng một mình lực lượng KL không thể thực hiện được. Qua thực tế công tác đấu tranh chống lâm tặc ở địa phương cho thấy, khi lực lượng KL ra tay mạnh để truy quét lâm tặc thì nạn phá rừng mua bán, vận chuyển lâm sản trái phép ở đó giảm nhưng sau đó thì tình hình đâu cũng lại vào đó. Để đấu tranh chống lâm tặc một cách hiệu quả, cần có một giải pháp đồng bộ từ nhiều cấp, nhiều ngành ở địa phương để người dân ý thức được việc BVR.
Theo chúng tôi, biện pháp quan trọng nhất đặt ra là chính quyền địa phương cần có những chính sách hiệu quả để giải quyết việc làm ổn định, lâu dài cho người dân. Cụ thể, cần hướng dẫn, hỗ trợ vốn vay, giống cây trồng để người dân ở khu vực gần rừng an tâm phát triển sản xuất, nâng cao đời sống. Bên cạnh đó, các tổ chức hội, đoàn thể ở địa phương cần tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao ý thức, trách nhiệm BVR cho người dân hiểu rõ được tác hại của việc phá rừng. Cần đẩy mạnh hơn nữa công tác giao khoán QL-BVR để người dân bảo vệ, chăm sóc… Có như thế việc đấu tranh chống lâm tặc mới có những kết quả tốt.
Trong năm 2014, Ðoàn Kiểm tra liên ngành của huyện Vĩnh Thạnh đã chủ động phối hợp với chính quyền các xã, thị trấn và các chủ rừng trên địa bàn tổ chức 187 đợt kiểm tra, truy quét tại các khu rừng trọng điểm và khu vực rừng đầu nguồn. Qua kiểm tra, cơ quan chức năng đã phát hiện và lập biên bản 169 vụ vi phạm Luật Bảo vệ - phát triển rừng. Qua đó, xử lý hành chính 83 vụ, tạm giữ trên 115m3 gỗ các loại, 459 kg cành nhánh gỗ trắc, 1.608 kg ươi, 18 kg thịt xương heo rừng; 8 xe mô tô, 2 máy cưa lốc, 1 xe độ chế. Ðồng thời, phát hiện 40 vụ phá rừng trái phép, với diện tích thiệt hại gần 58.000m2 và 32 vụ phá cây trồng chưa thành rừng của Công ty TNHH Lâm nghiệp Sông Kôn với diện tích thiệt hại trên 167.000 m2.
TRỌNG LỢI