Khởi sắc Cát Lâm
Là xã thuộc huyện Phù Cát, kinh tế chủ yếu dựa vào nông nghiệp, ruộng đồng của Cát Lâm ít màu mỡ, lại thiếu nước tưới, nên năng suất không cao. Những năm gần đây, chính quyền xã đã vận động bà con chuyển đổi cơ cấu cây trồng, áp dụng tiến bộ KHKT vào sản xuất, đã đạt được những kết quả khả quan.
Thành công đầu tiên của Cát Lâm là chuyển đổi từ sản xuất 3 vụ lúa bấp bênh/năm sang 2 vụ lúa/năm ăn chắc, đồng thời khuyến khích nông dân áp dụng tiến bộ kỹ thuật, sử dụng giống lúa cấp 1 và các giống lúa lai vào gieo trồng, đưa năng suất lúa bình quân lên 55-60 tạ/ha. Xã còn vận động bà con đưa các giống cây trồng mới có năng suất, chất lượng cao vào sản xuất; nhân rộng các mô hình kinh tế điển hình...
Ông Nguyễn Tấn Đạt, Chủ tịch UBND xã Cát Lâm, cho biết: “Những năm gần đây, đời sống của bà con nhân dân trong xã đã thay đổi rất nhiều, nhiều hộ không còn lo cảnh đói nghèo nữa mà thậm chí còn ấp ủ chuyện làm giàu. Đặc biệt là từ khi có Nghị quyết “tam nông”, Đảng bộ xã đã triển khai tới từng cán bộ đảng viên, xây dựng chương trình hành động cụ thể, qua thực hiện đã đạt được những thành tựu đáng kể. Vùng đất Cát Lâm trước đây nghèo khó giờ đã trở nên trù phú rồi”.
Xã đã quy hoạch lại diện tích lúa kém hiệu quả chuyển sang trồng các loại hoa màu như đậu phụng, dưa hấu...; từ đó xuất hiện một số mô hình sản xuất cây trồng cạn cho thu nhập 100 triệu đồng/ha/năm. Ông Lê Công Ửng, ở thôn Hiệp Long, chia sẻ: “Thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng do xã phát động, gia đình tôi đã quy hoạch 2,5 ha trồng đậu phụng và 1,5 ha trồng ớt. Nhờ sự hướng dẫn và chuyển giao kỹ thuật của cán bộ khuyến nông nên năng suất đạt khá cao, bình quân đậu phụng đạt 40 tạ/ha, ớt đạt 10 tạ/ha; sau khi trừ chi phí, còn lãi khoảng 40 triệu đồng/vụ”.
Không chỉ đánh thức tiềm năng đất đai, ruộng vườn, Cát Lâm còn chú trọng phát triển chăn nuôi, toàn xã hiện có gần 4.500 con bò (bò lai chiếm 60%), 3.000 con heo và hàng ngàn con gia cầm các loại. Công tác tiêm phòng được quan tâm thực hiện thường xuyên nên đàn gia súc, gia cầm ít bị dịch bệnh.
Một thế mạnh nữa của Cát Lâm là kinh tế rừng. Hiện toàn xã có gần 1.800 ha keo lai. Nhờ rừng, nhiều hộ dân trong xã đã giàu lên trông thấy, đặc biệt là ở 2 thôn Thuận Phong và Đại Khoan, nhiều hộ có thu nhập khá. Điển hình như gia đình ông Trần Văn Hùng ở thôn Thuận Phong hiện có 80 ha rừng nguyên liệu giấy, bình quân mỗi năm ông thu về hơn 100 triệu đồng.
Hệ thống hạ tầng nông thôn điện, đường, trường, trạm, chợ... của xã cũng được đầu tư xây dựng khá hoàn chỉnh, phục vụ phát triển sản xuất, an sinh xã hội. Trong thời gian tới, xã sẽ tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng; tăng cường tổ chức tập huấn chuyển giao kỹ thuật cho nông dân; mở các lớp dạy nghề sản xuất nông nghiệp, tìm đầu ra sản phẩm cho người dân... - ông Nguyễn Tấn Đạt cho biết thêm.
LÊ PHƯƠNG