Độc đáo bộ sưu tập tẩu thuốc bằng đất nung
Trong lúc rà tìm phế liệu tại thôn Hữu Giang, xã Tây Giang, huyện Tây Sơn, một người dân đã phát hiện 5 chiếc tẩu thuốc bằng đất nung. Đây là loại cổ vật khá đặc biệt.
Trong đó, chiếc lớn nhất dài 12cm, chiếc nhỏ nhất dài 7cm, cao 7cm-4cm; bầu tẩu cao 3-6cm, miệng tẩu rộng 3-4cm, thành miệng dày 0,5-1,5cm, ống tẩu dài 4-9cm.
Hình dáng những chiếc tẩu thuốc này khá giống nhau, tất cả được làm bằng đất sét mịn, nung ở nhiệt độ cao, ngả màu gạch vàng hoặc nâu nhạt, có ba bộ phận được tạo liền khối: Bầu tẩu, ống tẩu và canh tẩu, mang hình một bông hoa cúc với đủ các bộ phận. Trong đó, bầu tẩu dáng như một bông hoa đang độ nở; thân bầu là các cánh hoa dính liền nhau cùng vươn cao; miệng bầu như một khối nhụy hoa nhô lên thành hình gần bán cầu tròn. Phần tiếp nối giữa thân và miệng là đường gờ sắc cạnh.
Ống bầu có dáng của một ống tròn, hơi thu nhỏ về phía sau; phần trước ống uốn cong lên phía trên, liền với mặt đáy của bầu tẩu theo hướng hơi xiên chếch ra phía trước khoảng 100 độ so với chiều ngang của thân ống bầu. Mặt ngoài ống bầu được trang trí thêm bằng hoa văn đắp nổi hình lá cúc và hoa văn khắc vạch tạo thành hình các vòng đai của cuống hoa.
Tẩu được tạo dáng cân đối, hài hoà, với các chi tiết trang trí trên bề mặt thể sinh động. Có những đồ án hoa văn được đúc nổi như phần đầu rìa các cánh hoa, chân các cánh hoa, cành lá, tạo thành hình khối nổi ở mặt trên, phần dưới ở cuối phần đài hoa. Ngoài ra, còn có những đường chỉ chìm, tạo thành gân của cánh hoa, những đường vòng nằm ngang phía dưới cánh hoa, phía trên đài hoa, phía dưới đài hoa.
Loại tẩu thuốc vừa đẹp, lại nhỏ, gọn, tháo lắp cán tẩu dễ dàng, mang theo bên người rất thuận tiện. Kỹ thuật đúc trong tạo dáng, hoa văn cho tẩu khá phức tạp, tỉ mỉ, đòi hỏi chuẩn xác cao. Sau khi đúc xong, nghệ nhân sẽ dùng cây que nhỏ xuyên qua thổi đất sét để làm lỗ thông cho ống bầu thông với đáy phễu của bầu tẩu. Cuối cùng mới đến công đoạn nung dính phần đất sét. Đến đây, coi như việc làm tẩu mới được coi là hoàn tất.
Những chiếc tẩu thuốc này rất giống về kiểu dáng, hoa văn với của những chiếc tẩu thuốc phát hiện ở tỉnh Lâm Đồng và trong một số sưu tập của tư nhân. Theo thông tin hiện biết, những cổ vật này được thu thập từ các vùng đất hiện là địa bàn cư trú lâu năm của đồng bào các dân tộc thiểu số tại Bảo Lộc, Di Linh (phía nam tỉnh Lâm Đồng). Trên địa bàn này, khảo cổ học đã phát hiện nhiều khu mộ cổ có chôn theo nhiều cổ vật gốm sứ, đồng thau, sắt, thuỷ tinh… được xem là thuộc cùng một nền văn hoá cổ - văn hoá Đại Làng - vốn phát triển lên đến đỉnh cao vào khoảng thế kỷ 15 đến thế kỉ 17. Điều đặc biệt, nhiều đồ gốm tìm thấy trong di chỉ Đại Làng được sản xuất từ trung tâm sản xuất gốm cổ Gò Sành ở tỉnh Bình Định. Có điều, trong hàng ngàn cổ vật đã thu thập thuộc nền văn hóa này, chưa thấy sự hiện diện loại tẩu thuốc độc đáo này. Có nhiều khả năng, loại tẩu thuốc này là loại vật dụng được trân trọng và sử dụng thường xuyên trong sinh hoạt hàng ngày, trở thành vật lưu truyền từ đời này sang đời khác. Bởi vậy, chúng không được chôn theo trong mộ của các chủ nhân văn hóa Đại Làng.
Trong khi đó, tại một địa điểm khảo cổ ở Sisattanak (Lào), các hà khảo cổ học cũng từng phát hiện một quần thể gồm 20 di chỉ lò gốm cổ. Cuộc khai quật vào năm 1989 trong một di chỉ nói trên đã thu thập được hơn 1.500 tẩu thuốc cùng hàng ngàn đồ gốm, gốm men… Tuy nhiên, bầu tẩu của những tẩu thuốc tìm thấy ở Sisattanak lại có dáng như chiếc bát.
Có thể nói, loại tẩu thuộc dạng hoa cúc là sản phẩm ưu việt hơn về nhiều mặt, gắn liền với sự phát triển của cộng đồng người và xã hội tại chỗ trên vùng đất Nam Tây Nguyên vào thời kỳ nền văn hóa Đại Làng đạt tới đỉnh cao. Mặt khác, cũng cần ghi nhận sự hiện diện của loại tẩu thuốc này trong không gian rộng lớn từ Myanmar - Lào - Nam Tây Nguyên (Việt Nam). Vào thời bấy giờ, cộng đồng cư dân văn hóa Đại Làng đã có mối quan hệ giao thương với nhiều vùng lãnh thổ trong nội địa và với các quốc gia ở vùng duyên hải Nam Trung bộ, trong đó có vùng Bình Định ngày nay, Bắc Việt Nam và với các nước Trung Quốc, Nhật Bản.
Bộ sưu tập tẩu thuốc bằng đất nung nói trên hiện đã đưa về Bảo tàng Tổng hợp Bình Định để bảo quản và phát huy giá trị hiện vật.
HỒ THUỲ TRANG