Bánh, mứt truyền thống Hoài Nhơn vào vụ Tết
Huyện Hoài Nhơn có nhiều cơ sở làm bánh, mứt truyền thống nổi tiếng; những sản phẩm như bánh đậu xanh, bánh hồng, bánh dừa nướng, mè xững… được tiêu thụ trong và ngoài tỉnh. Từ tháng 11 Âm lịch trở đi, những làng bánh tất bật sản xuất để phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong dịp Tết Nguyên đán.
Tăng lượng sản xuất
Những ngày này, các cơ sở sản xuất bánh mứt truyền thống ở thị trấn Tam Quan và Bồng Sơn nhộn nhịp chuẩn bị hàng cho dịp cuối năm. Ở thị trấn Tam Quan, nổi tiếng nhất là đặc sản mè xững Bà Điền. Cơ sở nằm ngay quốc lộ 1A, thuận tiện cho khách đi trên các tuyến xe đường dài ghé lại mua làm quà cho người thân. Những năm gần đây, bên cạnh lượng khách hàng ổn định, cơ sở này còn thường xuyên nhận đơn đặt hàng qua điện thoại, sản phẩm đóng gói và gửi đi qua đường xe khách. Mè xững Bà Điền đã được công nhận là sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu của tỉnh Bình Định trong năm 2014.
Bình quân mỗi ngày cơ sở mè xững Bà Điền làm ra 20 kg mè xững, với lượng nguyên liệu cần thiết là 15 kg đường, 15 kg đậu, 7 kg mè. Còn để có 30 kg bánh hồng thành phẩm cần 7 kg nếp ngự, 8 kg đường và 7 kg dừa tươi. Những ngày cao điểm trước Tết, lượng mè xững, bánh hồng bán ra gấp ba lần ngày thường, nên phải huy động thêm 2-3 thợ làm bánh. Bà Cao Thị Nữ, thợ làm bánh lâu năm ở cơ sở mè xững Bà Điền, cho hay, vào đợt làm bánh chuẩn bị cho dịp Tết, có hôm phải làm cả “ca đêm” mới đủ hàng để gửi cho khách.
Ông Nguyễn Xuân Binh, Chủ tịch UBND thị trấn Tam Quan, cho biết, thời điểm này thị trấn có khoảng 20 cơ sở sản xuất các loại bánh, mứt. Bên cạnh những cơ sở sản xuất quanh năm còn có nhiều hộ chỉ làm vụ Tết. Trong khi đó, ở thị trấn Bồng Sơn cũng có ngần ấy cơ sở sản xuất các loại bánh, kẹo, hạt sen, mứt đặc sản của xứ dừa Hoài Nhơn. Các cơ sở sản xuất bánh đã tiêu thụ một lượng lớn nguyên liệu. Chỉ tính riêng các cơ sở sản xuất nhỏ, dịp này mỗi năm cũng tiêu thụ chừng 5-7 tạ/cơ sở cho từng loại nguyên liệu, như: đậu xanh, đậu nành, bột nếp…
Ngót 10 năm nay, gia đình chị Trần Thị Tín (ở thị trấn Bồng Sơn) gắn với nghề làm bánh đậu xanh, bánh mì nướng, mứt... Để làm ra chiếc bánh ngon, cơ sở của chị phải chuẩn bị các loại nguyên liệu như đậu xanh, đậu nành từ nửa năm trước. Đậu mua nguyên hạt về đãi bỏ vỏ, hấp cho chín, rồi đem phơi khô dưới nắng, sau đó rang rồi bảo quản kỹ đến đầu tháng 11 Âm lịch thì đem ra xay bột làm bánh. “Bánh làm thủ công, không có hóa chất bảo quản nên khâu chuẩn bị nguyên liệu rất quan trọng, phải đảm bảo cho bột khô bằng nắng to để giữ được hương thơm và vị béo của bánh. Hơn nữa, thời gian chuẩn bị nguyên liệu dài như thế để không bị “đội giá” do nhu cầu tăng mạnh vào thời điểm cận tết. Các loại bánh khô “làm rộ” cho đến đầu tháng Chạp là dứt, sau đó là bắt tay vào làm kẹo hạt sen” - chị Trần Thị Tín chia sẻ.
Góp thêm hương vị Tết
Hiện nay, bánh hồng được các cơ sở sản xuất bánh ở thị trấn Tam Quan làm ra có các loại 0,5 kg và 1 kg, được bán với giá 35.000 đồng/kg; mè xững có loại 200-250-350 gram, bán 80.000 đồng/kg. Ngoài 3 mặt hàng chủ lực là mè xững, bánh hồng và bánh đậu xanh, Tết này cơ sở mè xững Bà Điền còn “ra mắt” một “thức quà” mới là bánh xôi ngọt. Vỏ bánh là nếp quấy phủ mè, nhân là hỗn hợp đậu xanh, dừa, gừng, có khi còn “biến tấu” thêm sầu riêng để đa dạng hương vị. Bà Nguyễn Thị Ngọc Mai, chủ cơ sở mè xững Bà Điền, cho hay: “Dù gần Tết giá nguyên liệu có “nhích” chút đỉnh, nhưng chúng tôi vẫn giữ “bình ổn” giá. Ngày càng có nhiều người lựa chọn mè xững, bánh hồng, bánh đậu xanh làm quà Tết, không chỉ vì đây là những món ngon của quê hương, mà còn vì chúng tôi luôn đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, ngay cả đường trắng cũng được lọc lại rất kỹ”.
Cơ sở sản xuất kẹo Hải Đăng (ở khối 4, thị trấn Bồng Sơn) nổi tiếng với sản phẩm bánh dừa nướng. Dù quanh năm vẫn sản xuất bánh phục linh, bánh dừa nướng, kẹo dừa, kẹo đậu phụng, nhưng đến dịp Tết thì tập trung chủ yếu với mặt hàng bánh dừa nướng. Đến nay, cơ sở đã có mối hàng ở TP Quy Nhơn, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng và các tỉnh Tây Nguyên. Chị Nguyễn Thị Mùi, chủ cơ sở, cho biết: “Làm bánh dừa nướng rất nhọc công, mỗi ngày 5 công nhân cật lực cũng chỉ sản xuất được 30-40 kg. Cơ sở phải thuê thêm lao động mới đủ sức làm dịp Tết. Loại bánh này lâu nay vẫn giữ giá 90.000 đồng/kg, song niềm vui của chúng tôi là khi chiếc bánh làm ra được nhiều khách hàng thưởng thức, góp thêm hương vị cho Tết”.
Không quá phổ biến, nhưng các loại bánh mứt truyền thống với vị ngon đặc trưng của Hoài Nhơn vẫn có một “chỗ đứng” nhất định trong lòng người tiêu dùng. Đến nay, các loại bánh mứt này đã được trưng bày giới thiệu ở một số cơ sở bán bánh kẹo và siêu thị ở TP Quy Nhơn.
MAI HOÀNG