Ðam mê nhạc cụ dân tộc Bana K’riêm
Những ai lần đầu gặp Nguyễn Thái Hùng tất bật với công việc cán bộ văn hóa - thông tin tại UBND thị trấn Vĩnh Thạnh, đều rất ngạc nhiên khi biết rằng ông đã không ngừng nuôi dưỡng niềm đam mê nhạc cụ của đồng bào Bana K’riêm trong suốt 36 năm qua.
Từ đam mê đến tài năng
Nguyễn Thái Hùng sinh năm 1958, ở thôn Định Thiền, thị trấn Vĩnh Thạnh, huyện Vĩnh Thạnh. Năm 1978, ông tham gia lực lượng thanh niên xung phong lên lao động sản xuất ở xã vùng cao Vĩnh Kim. Vốn đam mê âm nhạc, nên thời gian ở đây ông thường tìm đến nhà các nghệ nhân giỏi chơi nhạc cụ dân tộc Bana K’riêm ở các làng để tìm hiểu, học hỏi. Những âm thanh của đàn T’rưng, sáo la, đàn pơ lơn khơng, hơ đong… nhanh chóng thấm sâu trong tâm hồn chàng thanh niên thị trấn. “Nhạc cụ đồng bào dân tộc Bana K’riêm có sức lôi cuốn rất lớn, khiến tôi háo hức tìm tòi học hỏi, hăng say luyện tập biểu diễn nhiều loại nhạc cụ”, ông Thái Hùng chia sẻ. Nhờ đó, khi vào quân đội, Thái Hùng được tuyển chọn vào Đội Tuyên truyền văn hóa lực lượng vũ trang tỉnh Nghĩa Bình.
Những năm hoạt động trong Đội Tuyên truyền văn hóa lực lượng vũ trang tỉnh, nhạc công Thái Hùng đã đem đến những “âm thanh núi rừng” góp phần vào thành công chung trong rất nhiều chương trình biểu diễn ở trong và ngoài tỉnh của Đội. Tay nghề được rèn giũa dần qua những chuyến biểu diễn, tài năng của nhạc công Thái Hùng đã dần khẳng định “thương hiệu” qua những tiết mục độc tấu sáo Trên đường chiến thắng, Bình Minh Tây Nguyên; chơi đàn T’rưng Cánh chim pơ cơ le… Ông đã gặt hái nhiều giải thưởng cao tại hội thi, hội diễn văn nghệ quần chúng, tiêu biểu là Huy chương Bạc Hội diễn nghệ thuật quần chúng toàn quốc, giải A và giải B độc tấu đàn T’rưng, sáo trúc tại hội diễn cấp tỉnh và quân khu.
Nhạc công Thái Hùng tâm sự: “Các bài nhạc cụ truyền thống của đồng bào dân tộc Bana thường chỉ có Đô trưởng nên nhiều khi còn đơn giản. Ngoài trọng tâm là nhạc cụ của đồng bào dân tộc Bana K’riêm ở Vĩnh Thạnh, tôi còn nghiên cứu thêm một số nhạc cụ của đồng bào các dân tộc ở khu vực miền Trung - Tây Nguyên. Khi tập luyện các tiết mục dự thi, tôi đầu tư nhiều thời gian, tìm tòi sáng tạo trên nền tảng truyền thống để có những tiết mục sinh động, thể hiện được kỹ thuật của người nhạc công và tạo cảm xúc cho người nghe”.
Gắn bó bền bỉ với nhạc cụ dân tộc
Từ năm 1997 đến nay, ông Thái Hùng là cán bộ văn hóa - thông tin tại UBND thị trấn Vĩnh Thạnh. Bận rộn với nhiều công việc, nhưng niềm đam mê nhạc cụ dân tộc vẫn được ông không ngừng bồi đắp. Những tiết mục độc tấu, hòa tấu nhạc cụ do nhạc công Thái Hùng trực tiếp biểu diễn, hoặc dàn dựng cho các chương trình văn nghệ của các ban, ngành, đơn vị trong và ngoài huyện đã đoạt nhiều giải thưởng tại các hội diễn văn nghệ quần chúng cấp huyện, tỉnh, khu vực.
Không chỉ chơi nhạc, Thái Hùng còn dành thời gian lặn lội núi rừng tìm vật liệu tốt, đem về tỉ mỉ cắt gọt, ráp nối… làm các loại nhạc cụ của đồng bào dân tộc phục vụ nhiều chương trình biểu diễn văn nghệ quần chúng. Căn nhà ông nhỏ chật, nên nhiều loại nhạc cụ làm ra phải đem gửi nhờ nhiều nơi. Dẫn chúng tôi đến nhà người chị ruột, Thái Hùng đem cây đàn T’rưng ra biểu diễn. Hai bàn tay ông “múa” trên cây đàn với những âm thanh trầm bổng, dìu dắt tâm hồn người nghe về với đại ngàn nơi có chim hót, suối chảy… Thái Hùng cho biết: “Nhạc cụ của đồng bào dân tộc nhìn mộc mạc đơn giản, nhưng nếu không nắm rõ cách làm, có khả năng thẩm âm thì sẽ khó tạo được tiếng đàn hay. Để có vật liệu làm đàn T’rưng, tôi thường lên núi rừng Vĩnh Kim để cùng đồng bào dân tộc tìm cây nhơn vào thời điểm mùa mưa, mới chọn được cây già, cứng. Đem về cả đống cây, nhưng thường chỉ chọn được rất ít phần làm ống đàn để xử lý tiếp qua nhiều công đoạn”.
Niềm đam mê các loại nhạc cụ dân tộc được ông Thái Hùng trao truyền cho các cô con gái đều được đặt tên theo những nốt nhạc. Nguyễn Thị Pha Sy, con gái út của nhạc công Thái Hùng, tâm sự: “Chị em tôi lớn lên trong căn nhà luôn vang lên tiếng đàn, tiếng sáo của ba. Nhờ đó, khi được truyền dạy cũng tiếp thu nhanh vì thực sự thấy gần gũi, lôi cuốn. Mấy tháng qua, tôi đã luyện tập nhiều hơn để có thể thổi sáo, chơi đàn T’rưng đạt yêu cầu trong những chương trình biểu diễn văn nghệ mà ba dàn dựng”.
Trong danh sách các nghệ nhân được lập hồ sơ gửi về Sở VH-TT&DL đề cử xét tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú, Nguyễn Thái Hùng là nghệ nhân người Kinh duy nhất biểu diễn nhạc cụ Bana K’riêm được đề cử cùng với một số ít nghệ nhân người đồng bào dân tộc thiểu số khác. Bên cạnh niềm vinh dự, nhạc công Thái Hùng còn trăn trở: “Ngày càng có ít người dân tộc thiểu số biết chơi nhạc cụ truyền thống, người am hiểu sâu và có kỹ năng biểu diễn sáng tạo lại càng hiếm hơn. Trong năm nay, tôi sẽ cố gắng sửa lại nhà khang trang và rộng rãi để mở lớp dạy nhạc cụ dân tộc, đồng thời trưng bày nhiều loại nhạc cụ của đồng bào dân tộc Bana K’riêm để mọi người có thể đến tìm hiểu”.
Nhạc công Nguyễn Thái Hùng còn “đa năng” khi biểu diễn thành thạo nhiều loại nhạc cụ khác như đàn bầu, đàn ghi ta phím lõm, kèn xô na, kèn saxophone, đàn mandolin, trống jazz... Ông còn viết kịch bản và dàn dựng tiểu phẩm đạt nhiều giải thưởng tại các hội diễn văn nghệ quần chúng, liên hoan tuyên truyền.
Hoài Thu