Phường Hải Cảng với công tác bình đẳng giới
Với phương châm tác động vào đơn vị gia đình thông qua đối tượng trực tiếp là phụ nữ, Hội LHPN phường Hải Cảng (TP Quy Nhơn) đã tập trung tuyên truyền Luật Bình đẳng giới, vận động và hướng dẫn, hỗ trợ phụ nữ thực hiện vai trò quan trọng của mình trong xây dựng gia đình theo các tiêu chí “no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc”.
Phần đông phụ nữ ở Hải Cảng làm nghề buôn bán cá tại các bến, các chợ, thời gian làm việc không cố định. Để việc tuyên truyền về bình đẳng giới đến được với từng người không phải dễ dàng. Bên cạnh đó, tâm lý của người dân miền biển cũng là một trở ngại lớn. Chị Lê Thị Mộng Trinh, Chủ tịch Hội LHPN phường, tâm sự: “Áp lực phải sinh con trai để theo nghề biển đã trở thành gánh nặng cho nhiều chị em phụ nữ, công tác vận động thực hiện bình đẳng giới của Hội từ đó cũng gặp nhiều khó khăn. Tuy vậy, bằng nhiều hình thức tuyên truyền đa dạng, phong phú, công tác bình đẳng giới ở phường Hải Cảng đã có nhiều khởi sắc”.
Tuyên truyền Luật Bình đẳng giới để các gia đình hiểu hơn về luật, từ đó góp phần bảo vệ quyền và lợi ích của phụ nữ và trẻ em.
- Trong ảnh: Thu mua cá ở Cảng cá Quy Nhơn. Ảnh: VĂN LƯU
Các cán bộ phụ nữ phường Hải Cảng đã đưa Luật Bình đẳng giới vào cuộc sống bằng nhiều cách khác nhau, như tổ chức Hội thi tìm hiểu về Luật, thảo luận nhóm về vai trò của phụ nữ, duy trì các câu lạc bộ “Không sinh con thứ 3”, “Gia đình không có bạo lực”, phát động phong trào phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế gia đình, giới thiệu nghề và tạo việc làm cho lao động nữ ở các trung tâm dạy nghề. Bên cạnh đó, những kiến thức liên quan còn được lồng ghép vào các buổi họp tổ, họp khu vực tại từng địa bàn. Từ đó giáo dục, vận động phụ nữ và các gia đình nâng cao nhận thức về bình đẳng giới, phòng chống bạo lực gia đình, thực hiện kế hoạch hóa gia đình…
Không dừng lại ở đó, Hội LHPN phường Hải Cảng còn hỗ trợ, tạo điều kiện cho phụ nữ có cơ hội đóng góp vào kinh tế gia đình và hiểu thêm những quyền và nghĩa vụ của mình, giúp các gia đình nghèo có điều kiện vươn lên thoát nghèo, phát triển kinh tế gia đình bền vững.
Trong số những hội viên có nhiều đóng góp cho phong trào tuyên truyền bình đẳng giới tại địa phương có chị Nguyễn Thị Thu Hằng, ở khu vực 6. Tuy bận rộn với công việc ở xí nghiệp sản xuất giày, hết giờ làm còn chăm con nhỏ, nhưng khi có thời gian rảnh là chị Hằng lại nhiệt tình tham gia các hoạt động của Hội. Chị bộc bạch: “Luật Bình đẳng giới tạo điều kiện thuận lợi cho chị em phụ nữ, nên chúng tôi luôn cố gắng tuyên truyền để các gia đình hiểu hơn về Luật này, từ đó góp phần bảo vệ quyền và lợi ích của phụ nữ và trẻ em. Hiện tại, ở khu vực 6, tình trạng trọng nam khinh nữ đã dần được xóa bỏ, không còn hộ nào sinh con thứ 3 với mục đích kiếm con trai. Gia đình tôi có 2 con gái và quyết định dừng lại để có điều kiện chăm lo cho con tốt hơn”.
Ở Hải Cảng bây giờ, số gia đình đã “dừng lại” dù chỉ có 2 con gái ngày càng nhiều hơn. Tại khu vực 7, gia đình chị Phạm Thị Mỹ Chí là một điển hình thực hiện tốt bình đẳng giới. Chồng làm nghề đánh bắt cá, mỗi tháng về nhà được vài ba hôm là lại ra khơi. Anh chị có 2 con, con gái lớn đang là sinh viên năm 3 Trường Cao đẳng Bình Định, con gái nhỏ đang học lớp 10. Tuy theo nghề biển nhưng chồng chị có quan niệm rất thoáng. Khi chị quyết định dừng lại ở 2 con, và dù cả hai đều là con gái, anh vẫn tôn trọng ý kiến của vợ. Sau mỗi chuyến đi biển, về nhà anh lại phụ chị công việc nhà và luôn động viên các con cố gắng chăm ngoan, học giỏi.
Chị Mỹ Chí tâm sự: “Tôi thấy con trai hay con gái không thành vấn đề, quan trọng nhất là mình phải nuôi con khỏe mạnh và được học hành đàng hoàng. Chồng tôi rất đồng tình ủng hộ chuyện này. Gia đình không dư giả mấy, nếu cứ cố sinh cho có con trai thì biết lấy gì nuôi con, cho con học hành tử tế. Trước đây gia đình nhà chồng không vui, nhưng nhờ có sự góp ý của chồng mà giờ đã không còn phân biệt trai gái trong gia đình nữa. Ngay cả những gia đình làm nghề biển khác mà tôi biết cũng cùng suy nghĩ là làm sao nuôi dạy con tốt, để chúng trở thành người có ích cho gia đình, xã hội”.
TUYẾT XINH