“Lây nhiễm” thuận hòa
Hồi mới mua nhà ở khu vực này, đang còn cho thợ sửa sang, sơn phết lại chút đỉnh, chúng tôi đã được nghe đến ù tai về những nhếch nhác, hỗn tạp ở đây. Nghe nhiều cũng ớn thật, nhưng nghĩ bụng chẳng còn sự tính toán so đo nào khác. Bởi tiền mình ít mà đòi có nhà ở nơi an ninh tốt, mặt bằng dân trí cao sao được. Thêm nữa, cũng tin nơi cái tâm cái tính cái tình của mình, biết đâu, có thể lay chuyển được tình cảnh chăng?
Với những quyết tâm ấy, chúng tôi chấp nhận là cư dân ở đây trong một tâm thế hết sức nhẹ nhõm. Chúng tôi hiểu rõ những khác biệt quá lớn về ý thức cộng đồng, về trình độ văn hóa, về nghề nghiệp giữa gia đình mình và hết thảy những gia đình chung quanh. Chồng tôi vốn kín đáo, khô lạnh trong ứng xử cũng là một trở ngại, khiến họ mặc cảm hơn và sự thấu hiểu nhau lại thêm những rào chắn, khó có thể vượt qua. Bởi đó, nên tôi quan tâm đến hết thảy những vụ việc xảy ra trong xóm và cởi mở với tất cả mọi người.
Mỗi ngày một chút và bằng cách này hoặc cách khác, tôi tìm cách xích lại gần họ hơn. Có người chỉ bằng nụ cười và những cái gật đầu chào, có người là những lời thăm hỏi chân tình, có người là những sẻ chia… Và tôi được tin cậy, thương mến. Lợi dụng điều này tôi nhắc họ về việc giữ vệ sinh chung, về những nề nếp gia đình cần phải gìn giữ.
Như vợ chồng chú Thi ở sát ngay cạnh nhà tôi. Chú làm công nhân, vợ chú buôn bán ở chợ. Họ có một đứa con gái bốn tuổi rất xinh. Thế mà ngày nào cũng kình cãi, đập đồ trong nhà. Đã đành cái xóm này đã luôn ầm ĩ và ồn ào với những màn “trình diễn” như vậy, nên khi có thêm sự tham gia tích cực của hai người, nào có đáng kể gì. Nhưng sao lại không thể bớt đi, bớt dần đi cơ chứ!
Lấy tình láng giềng, nghĩ mình cũng có tuổi đời cao hơn, lại nữa cũng là phụ nữ với nhau, tôi có nói chuyện, góp ý riêng với cô mấy lần nhưng cũng chẳng đi đến đâu. Thế là tôi mặc kệ, không quên chặc lưỡi: “Thôi! Thì đèn nhà ai nấy rạng. Mình cứ cốt sống cho đàng hoàng ở ngay chính cái tổ ấm của mình. Biết đâu cô chú cũng có lúc rảnh rang nhìn vào và phải chạnh lòng, nghĩ lại”. Và quả thật là như thế. Đúng là mưa lâu thấm đất. Ngày một, ngày hai. Tuần đầu rồi tuần tiếp theo. Tháng trước đi qua tháng sau liền kề… Cứ vậy, chuyện kình cãi bên nhà cô chú giảm dần. Để rồi mới hôm qua, cô ấy đã nói thẳng với tôi bằng một giọng rất ngậm ngùi: “Tụi em nhìn anh chị sống, tự nhiên nghĩ lại mình đâm mắc cỡ”.
Câu nói của vợ chú Thi cứ khiến cho tôi cảm động mãi. Và rất mừng bởi cách sống thuận hòa, êm ấm của chúng tôi ít nhiều cũng có tác động tốt đến mọi người quanh đây, mà gần gũi nhất là cái gia đình tre trẻ sát bên nhà.
HUYỀN MINH