Vay nóng - đã túng lại thiếu
Nhiều người bỗng dưng tay trắng hay mang một món nợ khổng lồ chỉ vì vay lãi suất cao của “tín dụng đen”.
Tiền nhanh, nợ lớn
Vì gia đình có việc cần tiền gấp nên vợ chồng chị Nguyễn Thị Hương D. (TP Quy Nhơn) quyết định vay nóng 20 triệu đồng. Nhưng vì công việc không thuận lợi nên đến hẹn chị D. vẫn không có tiền để trả, lại tiếp tục vay thêm 20 triệu đồng nữa. Do lãi mẹ đẻ lãi con, món nợ 40 triệu ban đầu nhanh chóng tăng lên đến cả trăm triệu đồng. Những ngày này, vợ chồng chị đứng ngồi không yên vì chủ nợ liên tục đòi tiền, hết điện thoại, tìm tới nhà mặt nặng mày nhẹ, đến dọa sẽ mạnh tay nếu vợ chồng chị D. không sớm thanh toán cả gốc lẫn lãi. Chị D. phân bua: “Cuối năm, người ta tất bật lo sửa sang nhà cửa để đón Tết, còn gia đình tôi đành phải tính chuyện bán nhà may ra mới có tiền trả nợ. Vay tiền ngoài tuy lãi suất cao hơn nhưng được cái không có thủ tục rườm rà, nhanh có tiền, cũng biết sẽ khó gánh nổi lãi suất nếu công việc làm ăn không thuận lợi, nhưng biết làm sao...”.
Cứ tưởng nghỉ hưu thì cuộc sống sẽ nhẹ nhàng hơn, ngờ đâu, ngày ông Nguyễn Văn T. (TP Quy Nhơn) nhận sổ hưu cũng là lúc ông biết rằng ngôi nhà 3 tầng khang trang mà gia đình sinh sống lâu nay có nguy cơ bị ngân hàng kê biên vì vợ ông đã thế chấp để vay nợ. Ông T. vốn là quân nhân, vợ là giáo viên, tuy nhiên, hoa mắt trước mức lãi suất quá cao mà một người quen chào mời góp vốn làm ăn, vợ ông đã lén thế chấp nhà và vay thêm của nhiều người khác với lãi suất khủng để cho vay lại. Khốn thay, việc kinh doanh thất bại, người quen bỏ trốn, vợ ông T. đành đứng mũi chịu sào trước số nợ lên đến tiền tỉ. Ông T. giãi bày: “Vợ tôi vì cả tin và ham lãi suất cao nên đã cầm cố tài sản của gia đình và vay mượn thêm để cho người ta vay lại với lãi suất cao hơn trong khi người vay đó không hề thế chấp tài sản gì giá trị có thể đảm bảo cho việc trả nợ. Tài sản dành dụm một đời của gia đình tôi bỗng chốc tiêu tan”.
Cần tỉnh táo
Thực tế cho thấy, vì cần tiền gấp, nhiều người đành cắn răng đi vay nóng với mức lãi suất cao, như giải thích của chị D: “Số tiền thực nhận khi nào cũng thấp hơn số vay, như lúc đầu tôi vay 20 triệu đồng, nhưng chỉ thực nhận 16 triệu vì phải trả lãi suất trước 1 tháng. Biết là phải chịu thiệt nhưng đổi lại họ không buộc mình thế chấp, nên cũng thuận lợi cho mình khi đang khó khăn cần tiền gấp”.
Việc cho vay nặng lãi đã ảnh hưởng xấu đến tình hình ANTT địa phương. Tại kỳ họp thứ 10 HĐND tỉnh khóa XI vừa qua, đại biểu HĐND tỉnh Đặng Thành Thái (Phó Chánh án TAND tỉnh) nêu thực trạng: Hiện nay, đa phần người đi vay tiền đều phải viết giấy mượn và không ghi rõ lãi suất, nếu có thì cũng chỉ ghi lãi suất theo mức của ngân hàng, nhưng thực tế họ đều phải trả lãi 6 - 15%/tháng. Tuy nhiên, khi ra tòa, cũng vì không có thỏa thuận lãi suất bằng văn bản và cũng không có bằng chứng đã trả lãi nên người vay thường phải trả thêm một lần lãi nữa theo phán quyết của tòa án, thiệt thòi là điều thấy rõ. “Hơn nữa, cũng có trường hợp người cho vay không lấy được tiền đã siết nợ và như vậy là vi phạm pháp luật. Trong năm 2014 đã xảy ra 2 trường hợp siết nợ và đã bị khởi tố”, ông Thái nói thêm.
Cho vay lãi suất cao là hành vi vi phạm pháp luật. Theo quy định tại Điều 476 Bộ luật Dân sự thì: “Lãi suất vay do các bên thỏa thuận nhưng không được vượt quá 150% của lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố đối với loại cho vay tương ứng”. Bên cạnh đó, người cho vay nặng lãi có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 163 Bộ luật Hình sự: “Người nào cho vay với mức lãi suất cao hơn mức lãi suất cao nhất mà pháp luật quy định từ 10 lần trở lên có tính chất chuyên bóc lột, thì bị phạt tiền từ 1- 10 lần số tiền lãi hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 1 năm. Phạm tội thu lợi bất chính lớn thì bị phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 1 - 5 lần số lợi bất chính, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 - 5 năm”.
Luật quy định là vậy, nhưng vì thủ tục vay đơn giản, không thông báo mục đích vay, thậm chí không cần thế chấp, chỉ cần một tờ giấy ghi nợ, nên nhiều người dù biết tác hại của lãi suất cao nhưng vẫn đưa chân.
Để tránh tiền mất tật mang, đã túng lại thêm thiếu, mỗi người cần thận trọng, tỉnh táo trước khi quyết định phương thức vay tiền.
N.LINH