Xuất khẩu đồ gỗ mang về 6,2 tỉ đô-la Mỹ
Xuất khẩu gỗ và các sản phẩm từ gỗ năm 2014 mang về hơn 6,2 tỉ đô la Mỹ, tăng hơn 11% so với con số gần 5,4 tỉ đô la Mỹ năm 2013, và đáng chú ý là các doanh nghiệp nội địa đã gia tăng thị phần lên ngang bằng với các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI).
Kim ngạch xuất khẩu tăng nhờ các thị trường tiêu thụ lớn của gỗ và sản phẩm gỗ Việt Nam đều có sự tăng trưởng như thị trường Mỹ và Nhật Bản có mức tăng trưởng lần lượt là gần 12,5% và gần18% so với cùng kỳ năm 2013. Trước đó, Hiệp hội mỹ nghệ và chế biến gỗ TPHCM (HAWA) dự đoán con số này là 6,5 tỉ đô la Mỹ.
Trong khi đó, giá trị nhập khẩu gỗ và sản phẩm từ gỗ trong năm 2014 cũng tăng mạnh ở mức 34% so với năm 2013 lên con số 2,2 tỉ đô la Mỹ, tăng 34%, trong đó, nhập khẩu gỗ từ thị trường Lào chiếm gần 27%, Campuchia chiếm gần 12%, Mỹ chiếm 11,5% và Trung Quốc là 10,5% trong tổng kim ngạch nhập khẩu.
Cùng với nhập khẩu, lượng gỗ khai thác trong nước cũng tăng đáng kể. Theo Bộ NN-PTNT, năm 2014 lượng gỗ khai thác của cả nước ước đạt gần 6,5 triệu m3, tăng hơn 15% so với năm 2013.
Trong cơ cấu xuất khẩu đồ gỗ năm 2014, các doanh nghiệp nội đã gia tăng thị phần của mình.
Số liệu thống kê đến hết tháng 11.2014 cho thấy trong tổng kim ngạch xuất khẩu của toàn ngành là gần 5,6 tỉ đô la Mỹ thì doanh nghiệp FDI chiếm 2,8 tỉ đô la Mỹ, tức tương đương 50%. Trong khi đó, cùng kỳ năm trước (11 tháng năm 2013), kim ngạch xuất khẩu của FDI là gần 2,5 tỉ đô la Mỹ trong tổng giá trị xuất khẩu của toàn ngành là gần 4,9 tỉ đô la Mỹ, tức tương đương 51%. Như thế, trong hai năm qua, kim ngạch xuất khẩu của khối doanh nghiệp nội đang nhích lên, ngang bằng với doanh nghiệp FDI.
Theo Bộ NN &PTNT, từ năm 2006 đến nay, cả nước có 2.000 dự án có chuyển đổi mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác như thủy điện… phải trồng rừng mới thay thế diện tích rừng chuyển đổi với tổng diện tích là 76.040 héc ta, Song, trên thực tế, đến nay, mới có 2.540 héc ta rừng được trồng mới lại, tức là chỉ có 3,4% tổng diện tích cần trồng lại.
Ông Huỳnh Văn Hạnh, Phó chủ tịch thường trực HAWA, dự báo kim ngạch xuất khẩu gỗ trong năm 2015 sẽ tăng trưởng khoảng 15%.
Dù xuất khẩu và chế biến gỗ đạt được thành tựu, nạn phá rừng vẫn đang là một mối lo.
Trong năm 2014, cả nước có hơn 4.000 héc ta rừng cháy và bị chặt phá, trong đó, tổng diện tích rừng bị cháy là 3.157 héc ta, tăng hơn 173%, còn diện tích rừng bị chặt phá 870 héc ta, tăng gần 8% so với năm 2013. Cháy rừng chủ yếu ở các tỉnh miền Trung, còn phá rừng nhiều nhất là ở các tỉnh Tây Bắc và Tây Nguyên.
Theo Ngọc Hùng (TBKTSG)