Hệ thống điện tại các doanh nghiệp sản xuất, chế biến đá xây dựng: Thiếu an toàn
Tình trạng sử dụng điện thiếu an toàn tại các doanh nghiệp ngoài nhà nước hoạt động trong lĩnh vực sản xuất, chế biến đá xây dựng đã và đang ở mức báo động. Thế nhưng, công tác quản lý, kiểm tra, xử lý của ngành chức năng còn lỏng lẻo.
Sử dụng tùy tiện
Hiện nay, đơn vị chịu trách nhiệm cung ứng điện (Công ty Điện lực) mới chủ yếu lo khâu an toàn từ lưới điện đến cầu dao hoặc máy ngắt tổng, còn bên trong đơn vị tiêu thụ điện thì hệ thống điện lại được câu nối và sử dụng một cách khá tùy tiện. Đáng ngại, nhiều doanh nghiệp sản xuất, chế biến đá xây dựng đóng ở khu vực nông thôn, miền núi, cột điện được tận dụng bằng cây hoặc lợi dụng địa hình, địa vật để câu móc điện; cáp dẫn, dây dẫn điện được sử dụng bằng những vật liệu gia công, rẻ tiền nên rất nguy hiểm, dễ gây chập cháy. Đơn cử như tại Công ty TNHH Bình Sơn (đóng tại thôn Quy Hội, xã Phước An, huyện Tuy Phước), cuối năm 2014 vừa qua, đã xảy ra vụ tai nạn điện chết 1 người. Nguyên nhân là do sự tắc trách từ đơn vị sản xuất.
Có mặt tại khu vực sản xuất của Công ty này, chúng tôi thật sự ái ngại hệ thống đường dây điện được kéo, mắc nối bừa bãi. Dây điện nằm “vắt vẻo” trên những cột điện sơ sài bằng cây bạch đàn, là trên khu đất trồng hoa màu của người dân. Nguy hiểm nhất là đường dây điện kéo từ nhà máy về văn phòng làm việc của Công ty, dù đã bị bão số 4 làm gãy khá lâu nhưng chưa được khắc phục.
Một tuần trôi qua, kể từ ngày bà Lê Thị Phòng đột ngột ra đi sau vụ tai nạn điện thương tâm, ông Văn Công Trung, 60 tuổi, ở xóm 1A, thôn Quy Hội, xã Phước An - chồng bà Phòng vẫn chưa hết bàng hoàng: “Trước ngày xảy ra vụ giật điện đau lòng này, tôi đã nhiều lần kiến nghị sớm khắc phục, thu dọn đường dây điện nằm vướng víu trên dàn lưới trồng đậu gia đình nhưng Công ty làm ngơ; nên trưa hôm ấy (lúc 11 giờ, ngày 28.12.2014) trong lúc đang dỡ lưới trên đám đất thì vợ tôi phải chết oan”.
Cần tăng cường kiểm tra, quản lý
Theo ông Hồ Quang Thịnh, Phó Giám đốc Công ty Điện lực Bình Định, Công ty chủ yếu lo khâu an toàn từ lưới điện đến cầu dao hoặc máy ngắt tổng theo hợp đồng cam kết mua bán điện giữa hai bên. Việc kéo, sử dụng điện sau “ranh giới” này, phía đơn vị mua điện phải có trách nhiệm kiểm tra, sửa chữa, khắc phục khi hư hỏng, xuống cấp. Công ty sẽ hỗ trợ đơn vị nào có yêu cầu về mặt kỹ thuật. Quan điểm của Công ty là chỉ bán điện cho đơn vị sản xuất nào đảm bảo an toàn kỹ thuật điện. “Hiện nay, việc sử dụng điện không đảm bảo an toàn trong quá trình sản xuất đang diễn ra khá phổ biến. Ý thức bảo vệ tài sản, tính mạng cho người lao động hoặc người dân trong vùng chịu ảnh hưởng từ đơn vị sản xuất chưa cao. Đây là một trong những nguyên nhân cơ bản khiến các vụ tai nạn điện chết người hay rò rỉ gây chập điện gia tăng trong thời gian qua”, ông Thịnh lo ngại.
Về cấp độ quản lý Nhà nước, ông Trần Thúc Kham, Phó Trưởng phòng Quản lý điện năng (Sở Công Thương), cho biết: Hằng năm, Sở luôn có văn bản về việc “sử dụng điện an toàn, tiết kiệm, hiệu quả” gửi cho các đơn vị sản xuất, kinh doanh trên địa bàn để nắm bắt, thực hiện; phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức nhiều đợt kiểm tra về an toàn kỹ thuật điện. Qua thực tế, vẫn còn không ít doanh nghiệp chểnh mảng, chủ quan trong khâu đảm bảo an toàn lưới điện hoặc trong quá trình vận hành và kéo tuyến. Đối với các trường hợp này, Tổ công tác liên ngành đã kịp thời nhắc nhở, yêu cầu khắc phục.
Bài, ảnh: TRỌNG LỢI