Khu đền thờ Tây Sơn Tam Kiệt: Khu di tích Quốc gia đặc biệt
Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam vừa ký Quyết định xếp hạng di tích Quốc gia đặc biệt (đợt 5) 14 di tích. Theo đó, di tích lịch sử Khu đền thờ Tây Sơn Tam Kiệt (huyện Tây Sơn) được xếp hạng di tích Quốc gia đặc biệt.
Đền thờ Tây Sơn Tam Kiệt. Ảnh: VĂN LƯU
1.
Ở thế kỷ XVIII, trong bối cảnh đất nước loạn lạc, các thế lực phong kiến tranh nhau để giành địa vị, đất nước bị chia cắt, cuộc sống nhân dân khốn cùng. Phong trào nông dân Tây Sơn nổ ra, và những người nông dân lần đầu tiên đã làm nên sự nghiệp lẫy lừng chưa từng có trong lịch sử, xây dựng một triều đại huy hoàng - Triều đại Tây Sơn. Một triều đại đã để lại những âm hưởng hào hùng trong bản hùng ca dựng nước và giữ nước của dân tộc. Mặc dù, nhà Nguyễn - Gia Long sau khi lên ngôi đã ra tay trả thù tàn bạo, mọi thành tựu của nhà Tây Sơn đều bị xóa bỏ, phủ nhận, nhưng dấu ấn nhà Tây Sơn để lại trong ký ức dân tộc Việt Nam và được viết nên trong những trang sử vẻ vang của nước nhà không bao giờ phai nhạt.
Ngày nay, sự hiện diện Khu di tích Đền thờ Tây Sơn Tam Kiệt, cùng 14 di tích khác liên quan đến phong trào nông dân Tây Sơn ở Bình Định và nhiều di tích trên cả nước đã chứng minh điều đó.
Phong trào nông dân Tây Sơn được dấy lên từ ấp Tây Sơn, dưới ngọn cờ chính nghĩa có sức thu hút và lan tỏa rộng khắp, liên tục lập nhiều chiến công vang dội, đưa phong trào nông dân Tây Sơn từ một cuộc khởi nghĩa nông dân, trở thành phong trào giải phóng dân tộc trên quy mô cả nước, khẳng định vị thế và chủ quyền quốc gia dân tộc, tiến tới xây dựng vương triều nhà Tây Sơn với nhiều chính sách tiến bộ về chính trị, kinh tế, văn hóa, ngoại giao, trong đó nổi bật lên vai trò Quang Trung- Nguyễn Huệ. Nói đến Hoàng đế Quang Trung là nói đến một thiên tài quân sự của Việt Nam, thần tốc, bách chiến bách thắng. Không những thế, ông còn là một vị minh quân với tấm lòng đãi sĩ chiêu hiền được nhiều danh sĩ ra giúp sức. Tuyên bố nức lòng dân trong “Chiếu lên ngôi”: Nhân nghĩa, trung chính là đạo lớn của người. Trẫm nay cùng dân canh tân đã thể hiện ý tưởng một triều đại mới - triều đại lên ngôi của những người nông dân áo vải. Những cải cách của Quang Trung có nhiều mặt tích cực, thể hiện một tư tưởng tiến bộ, nhằm đưa đất nước nhanh chóng vượt qua cuộc khủng hoảng sau chiến tranh kéo dài để vươn lên sát vai cùng các quốc gia phát triển đương thời, những chính sách cải cách đó đã và sẽ tạo khả năng mở đường, phát triển của đất nước, của dân tộc.
2.
Năm 1979, Khu Điện thờ Tây Sơn Tam Kiệt, cây me, giếng nước được xếp hạng di tích Quốc gia. Điều làm nên giá trị Điện thờ Tây Sơn không phải ở kiến trúc điện thờ mà ở giá trị Lịch sử và nhân văn của nó. Mặc cho sự trả thù của nhà Nguyễn, nhân dân Tây Sơn vẫn tri ân, tưởng nhớ ba người anh hùng áo vải và xây dựng Đình trên chính nền nhà cũ của anh em Tây Sơn, bí mật thờ Tây Sơn Tam Kiệt bên cạnh Thành hoàng làng, Đình phá thì xây Miếu, Miếu đổ lại dựng Điện, Điện xuống cấp xây Đền.
Thủ tướng Chính phủ vừa ký Quyết định số 240/QĐ-TTg ngày 31.12.2014 xếp hạng di tích lịch sử Khu Đền thờ Tây Sơn Tam Kiệt cấp Quốc gia đặc biệt. Đây là di tích Quốc gia đặc biệt đầu tiên của Bình Định (trong số 48 di tích Quốc gia đặc biệt cả nước).
Trong khu Đền thờ hiện còn hai di tích gốc: cây me cổ thụ và giếng nước. Cây me khoảng 300 năm tuổi, đường kính gốc 3,9m, chu vi tán 30m, được Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam cấp bằng công nhận: Cây di sản năm 2011. Đây là cây cổ thụ đầu tiên và duy nhất ở Bình Định được công nhận cây di sản.
Không gian của Khu di tích, ban đầu 7,4 ha; năm 2004 mở rộng thêm 2,1 ha về phía Nam; năm 2007 mở rộng khu di tích ra đến bờ Bắc sông Côn, bao cả Di tích Bến Trường Trầu - nơi Nguyễn Nhạc dựng ngôi nhà chứa trầu và làm quán trọ cho khách buôn trầu, trước khi khởi nghĩa; năm 2013, một dự án tiếp tục mở rộng không gian cảnh quan ra hướng Bắc hơn 2 ha, thiết kế nâng cấp Đền thờ và tôn tạo Bảo tàng Quang Trung được lập, với tổng kinh phí trên 200 tỉ đồng, dự án đang triển khai thực hiện. Hiện nay, tổng diện tích Khu di tích Đền thờ Tây Sơn được quy hoạch gần 18 ha. Hiện nay, một năm có khoảng 70.000 đến 80.000 lượt khách đến thăm viếng, tham quan khu di tích, riêng đội nhạc võ phục vụ từ 500 đến 600 chương trình/năm cho các đoàn khách du lịch trong và ngoài nước. Đặc biệt, Khu di tích vinh dự đón tiếp nhiều đoàn lãnh đạo cấp cao của Đảng và Nhà nước về thăm viếng.
Thanh Quang