Tăng cường bảo vệ cây trồng vụ Đông Xuân
Hiện nay, một số diện tích lúa Đông Xuân (ĐX) 2014-2015 ở tỉnh ta đang bị chuột và sâu bệnh phá hại. Trước tình hình trên, ngành chức năng và chính quyền các địa phương đang tập trung hướng dẫn nông dân áp dụng các biện pháp phòng trừ sâu bệnh, bảo vệ cây trồng.
Ông Phan Trọng Hổ, Giám đốc Sở NN-PTNT, cho biết: Vụ sản xuất ĐX là mùa vụ quan trọng nhất trong năm, bởi vậy ngành Nông nghiệp đã và đang phối hợp với chính quyền các địa phương tập trung chỉ đạo sản xuất các loại cây trồng cạn đảm bảo kế hoạch đề ra, đồng thời triển khai các biện pháp bảo vệ cây trồng trước tình hình sâu bệnh xuất hiện gây hại.
Thời tiết diễn biến phức tạp, sâu bệnh phát sinh nhiều
Theo Sở NN-PTNT, đến nay nông dân trong tỉnh đã gieo sạ trên 47.000 ha lúa ĐX. Các loại cây trồng cạn như bắp, đậu… cũng đã và đang được xuống giống. Điều đáng lo ngại là từ trung tuần tháng 11.2014 đến nay, tỉnh ta bị ảnh hưởng nhiều đợt gió mùa Đông Bắc và không khí lạnh tăng cường, gây tác động xấu đến quá trình sinh trưởng và phát triển của cây trồng vụ ĐX. Trong điều kiện thời tiết có nền nhiệt độ thấp, nhiệt độ ngày và đêm chênh lệch lớn đã tạo điều kiện cho chuột và sâu bệnh phát sinh gây hại.
Theo Chi cục Bảo vệ thực vật (BVTV) tỉnh, chuột đã phát sinh gây hại cây trồng vụ ĐX tại các huyện: Hoài Ân, Tây Sơn, Phù Cát, Phù Mỹ… Bệnh bọ trĩ xuất hiện và gây hại 26 ha lúa sạ muộn có từ 1-3 lá tại các huyện: Tây Sơn, Hoài Nhơn, Tuy Phước. Ốc bươu vàng cũng đã gây hại 40 ha lúa tại Hoài Ân, Tuy Phước, Phù Cát, thị xã An Nhơn. Sâu năn, đạo ôn, rầy nâu, rầy lưng trắng cũng đã xuất hiện trên cây lúa ở nhiều địa phương trong tỉnh.
Theo dự báo của Chi cục BVTV, thời gian đến, nhiều đối tượng sâu bệnh sẽ xuất hiện và gây hại cây trồng vụ ĐX. Trong đó đáng chú ý là từ ngày 10 đến ngày 20.1, sâu cuốn lá nhỏ sẽ xuất hiện gây hại lúa, chủ yếu ở Hoài Nhơn; sâu đục thân bướm sẽ ra rộ từ ngày 20-25.1; sâu non đục thân cũng nở rộ vào khoảng thời gian từ ngày 22-30.1 trên diện tích lúa sản xuất đại trà, đẻ nhánh và lúa 1 vụ ở giai đoạn làm đòng tại Hoài Nhơn, Phù Mỹ, Phù Cát.
Ngoài ra, bệnh đạo ôn lá, đạo ôn cổ bông, đốm sọc vi khuẩn và các đối tượng khác phát sinh trên cây lúa. Trên cây trồng cạn, sâu xám, sâu khoang, sâu đục thân sẽ xuất hiện gây hại bắp; bệnh lở cổ rễ, dòi đục thân, sâu ăn lá cũng sẽ phát sinh gây hại trên cây đậu phụng. Trước tình hình thời tiết diễn biến phức tạp, sâu bệnh phát sinh gây hại, nên việc bảo vệ cây trồng được dự báo sẽ gặp nhiều khó khăn.
Tăng cường bảo vệ cây trồng
Ngành Nông nghiệp tỉnh đã phân bổ thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) cho các địa phương diệt trừ chuột và phát động đồng loạt ra quân diệt chuột trên phạm vi toàn tỉnh. Các địa phương cũng đã trích ngân sách hỗ trợ mua thêm thuốc Biorat và thuốc hóa học để diệt trừ chuột và sâu bệnh, đồng thời tổ chức thu mua đuôi chuột. Đến nay, ngân sách tỉnh, huyện hỗ trợ mua thuốc BVTV 11,613 tấn; ngân sách xã hỗ trợ 10,262 tấn. Sở NN-PTNT cũng đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc theo dõi tình hình diễn biến của thời tiết và sâu bệnh trên đồng ruộng, phát hiện và hướng dẫn cho nông dân các biện pháp phòng trừ cụ thể cho từng loại đối tượng gây hại.
Ông Nguyễn Tấn Phát, Chi cục trưởng Chi cục BVTV tỉnh, cho biết: Công tác diệt trừ chuột và phòng trừ sâu bệnh đã được triển khai bằng nhiều biện pháp cụ thể. Đến nay, đã hỗ trợ lượng thuốc Biorat đủ để nông dân sử dụng diệt trừ chuột trên diện tích 9.500 ha lúa. Ngoài ra, nông dân còn sử dụng bẫy và các biện pháp thủ công khác để diệt trừ chuột trên hàng ngàn héc-ta lúa khác. Đến nay, nông dân đã tiêu diệt được 130.771 con chuột, trong đó có 91.291 đuôi chuột đã được các HTX thu mua với giá 1.500 đồng/đuôi (ngân sách tỉnh hỗ trợ 1.000 đồng/đuôi, ngân sách địa phương hỗ trợ 500 đồng/đuôi). Bên cạnh đó, Chi cục đã phối hợp với các địa phương hướng dẫn nông dân áp dụng các biện pháp phòng trừ bọ trĩ, ốc bươu vàng… Nhờ vậy đã hạn chế được thiệt hại do chuột và các loại sâu bệnh gây hại cây trồng vụ ĐX.
Cũng theo ông Nguyễn Tấn Phát, thời điểm trước và trong Tết Nguyên đán Ất Mùi, Chi cục BVTV sẽ tiếp tục theo dõi và liên tục thông báo về tình hình dịch bệnh, thời điểm sâu bệnh phát sinh, đồng thời hướng dẫn chi tiết các biện pháp phòng trừ đến từng địa phương trong tỉnh; tham mưu Sở NN-PTNT các biện pháp phòng trừ chuột và sâu bệnh phá hại cây trồng để chỉ đạo kịp thời trong việc khống chế các đối tượng gây hại. Lực lượng cán bộ kỹ thuật của Chi cục trực tiếp đến tại đồng ruộng, phối hợp với nông dân phát hiện sâu bệnh kịp thời, hướng dẫn bà con các biện pháp phòng trừ.
Ngành chức năng của các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh cũng đang tập trung hướng dẫn nông dân xây dựng hoàn thành các cánh đồng mẫu lớn và phòng trừ sâu bệnh, chống rét cho cây trồng. Bên cạnh đó, các địa phương cũng đã trích ngân sách hỗ trợ nông dân mua thuốc BVTV, chỉ đạo các HTXNN thu mua đuôi chuột, cung ứng các loại thuốc BVTV, phân bón, đáp ứng yêu cầu phục vụ sản xuất vụ ĐX 2014-2015, quyết tâm giành thắng lợi vụ sản xuất chính trong năm.
PHẠM TIẾN SỸ