Quy hoạch chim trời!
Nuôi chim yến là nghề mới được hình thành chưa lâu ở Bình Định song đang ngày càng phát triển ở nhiều nơi trong tỉnh. Hiện nay, trên địa bàn toàn tỉnh có khoảng trên 50 hộ nuôi chim yến trong nhà, chủ yếu tập trung ở TP Quy Nhơn, huyện Tuy Phước và huyện Hoài Nhơn; với số lượng mỗi nhà ít nhất khoảng vài trăm con, nhiều nhất có thể lên đến hàng chục nghìn con. Khác với các nghề nuôi khác, nghề nuôi chim yến là nghề hưởng “lộc trời, người nuôi không phải lo đầu tư mua con giống, thức ăn và chăm sóc hàng ngày”. Thường thì chim yến tự bay đến làm tổ hay người nuôi mua máy dụ chim về để phát triển đàn. Điều đặc biệt của nghề nuôi yến con ở chỗ có thể thu được lợi nhuận cao, hưởng lợi lâu dài nên mấy năm gần đây số nhà nuôi yến được xây dựng ngày càng nhiều, chủ yếu tập trung tại các khu vực đông dân cư ở các vùng ven biển.
Những ngày vừa qua, khi dịch cúm A (H5N1) xảy ra trên đàn chim yến nuôi ở Ninh Thuận, người nuôi yến ở Bình Định cứ như ngồi trên đống lửa. Sau gần một tháng phập phồng lo lắng, rất may đến thời điểm này dịch đã được khống chế và cơ quan chức năng công bố hết dịch, khiến nhiều hộ nuôi chim thở phào nhẹ nhõm.
Việc phát triển nuôi chim yến là điều đáng mừng, vì đây là một nguồn lợi quý được thiên nhiên ban tặng, có thể duy trì bền vững nhờ khả năng tái tạo. Nhưng nghề nuôi yến cũng có những mặt trái của nó. Chẳng hạn sự phát triển phân tán và tự phát rất khó cho việc đảm bảo an toàn về vệ sinh dịch tễ, nhất là khi bệnh dịch bùng phát như ở Ninh Thuận vừa rồi. Với việc nuôi yến trong các khu vực có mật độ dân cư sẽ tiềm ẩn nguy cơ lây lan dịch bệnh trên diện rộng rất khó kiểm soát. Đó là chưa nói đến ô nhiễm môi trường về vệ sinh và gây tiếng ồn do việc mở máy gọi yến, với âm thanh liên tục suốt ngày, cũng làm ảnh hưởng rất lớn đến sinh hoạt của các hộ cư dân lân cận.
Mặc dù hiện thời chuyện dịch bệnh trên đàn yến nuôi đã tạm yên tâm nhưng nguy cơ dịch có thể phát sinh trong thời gian sắp tới thì vẫn tiềm ẩn và có thể bùng phát, lây lan bất cứ lúc nào. Vì vậy, việc xây dựng phương án quy hoạch để đưa nghề nuôi chim yến ngày càng phát triển và đi vào nền nếp là cần thiết để duy trì nguồn lợi lâu dài, bền vững.
Trước mắt, cần hạn chế nuôi chim yến trong nội thành và các khu dân cư bằng việc không cho phép thành lập cơ sở mới nuôi chim yến. Đối với các nhà yến đã xây dựng trong đô thị hay khu dân cư đông đúc thì cần hướng dẫn các hộ nuôi chim thực hiện các biện pháp nuôi an toàn, bảo đảm về điều kiện dẫn dụ và khai thác chim yến, biết cách phòng chống dịch bệnh. Các cơ quan chức năng cần tiếp tục kiểm tra, theo dõi và hướng dẫn các hộ nuôi chim yến trên địa bàn thành phố khắc phục được tiếng ồn và bảo đảm vệ sinh môi trường. Về lâu dài cần chấm dứt tình trạng nhà nhà nuôi yến mang tính chất tự phát; có quy hoạch vùng nuôi, quy định các điều kiện cấp phép và có chính sách cụ thể để phát triển nguồn lợi.
Chim yến là chim trời nhưng có khả năng mang lại nguồn lợi lớn nên cần được quy hoạch phù hợp để phát triển bền vững và hưởng lợi lâu dài!
Hải Đăng