Cần có sự sòng phẳng!
Sau lần giảm thứ 12 trong năm 2014 vào ngày 22.12.2014 vừa qua, với mức giảm kỷ lục hơn 2.000 đồng/lít, giá xăng trong nước đã giảm hơn 30% so với hồi đầu năm. Tiếp đó, ngày 6.1.2015 các doanh nghiệp đầu mối tiếp tục điều chỉnh giảm và đây là lần giảm giá xăng dầu đầu tiên của năm nay, với mức giảm bình quân trên 300 đồng/lít.
Lâu nay, giá xăng dầu luôn được tính là yếu tố đầu vào cơ bản trong việc hình thành giá cả hàng hóa, dịch vụ. Trước đây, mỗi khi giá xăng dầu điều chỉnh tăng là gần như ngay lập tức giá hàng hóa, dịch vụ cũng điều chỉnh tăng theo. Vì vậy, đa số người tiêu dùng đều hy vọng giá cả hàng hóa, dịch vụ sẽ có sự điều chỉnh giảm tương ứng với mức giảm giá xăng dầu. Tuy nhiên, họ đã phải thất vọng vì điều đó đã không xảy ra (!).
Thực tế cho thấy, sau khi giá xăng dầu giảm mạnh, một số doanh nghiệp kinh doanh vận tải, taxi cũng đã có kế hoạch giảm giá cước. Tuy nhiên, bên cạnh các doanh nghiệp cập nhật sát diễn biến thị trường, có sự điều chỉnh giá cả kịp thời để bảo đảm quyền lợi người tiêu dùng, thì nhiều doanh nghiệp khác lại nấn ná, dây dưa không chịu giảm giá cước để hưởng lợi nhiều hơn. Đây là biểu hiện của lối làm ăn không sòng phẳng, theo kiểu “thừa nước đục thả câu”, gây thiệt hại cho khách hàng.
Bao giờ cũng vậy, dịp Tết Nguyên đán là dịp nhu cầu đi lại cũng như tiêu thụ hàng hóa của toàn xã hội tăng mạnh so với bình thường. Đây cũng là dịp thị trường vận tải “bùng nổ” cả cung và cầu nên yếu tố giá cước cần phải được kiểm soát chặt chẽ. Giá xăng dầu giảm mạnh như vừa qua là yếu tố thuận lợi cho việc bình ổn giá cả thị trường vận tải vào dịp Tết Nguyên đán sắp đến. Giá xăng dầu giảm là cơ hội giảm giá thành sản phẩm hàng hóa do bớt được một phần trong chi phí sản xuất, vận chuyển. Vì vậy, việc thực hiện nghiêm túc điều chỉnh giảm giá cước vận tải sẽ góp phần quan trọng vào việc bình ổn giá cả hàng hóa thị trường cuối năm, giúp kích cầu tiêu dùng và bảo vệ quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng.
Được biết, để thực hiện tốt công tác quản lý giá cước vận tải, đặc biệt trong dịp Tết Nguyên đán Ất Mùi, Bộ GT-VT đã đề nghị các tỉnh, thành phố tăng cường chỉ đạo công tác kiểm tra, rà soát việc kê khai và niêm yết giá cước của các đơn vị vận tải trên địa bàn. Một trong những yêu cầu cần tập trung thực hiện quyết liệt là các doanh nghiệp, đơn vị vận tải phải kê khai giảm giá cước phù hợp với giá xăng dầu giảm. Kiên quyết xử lý nghiêm các doanh nghiệp, đơn vị vận tải thực hiện không đúng các quy định về kê khai và niêm yết giá cước…
Hy vọng với sự vào cuộc mạnh mẽ, kiên quyết của các cơ quan quản lý, việc lập lại mặt bằng giá cả trong lĩnh vực vận tải sẽ diễn ra phù hợp với diễn biến thực tế của giá xăng dầu. Bên cạnh đó, người tiêu dùng cũng mong rằng các doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực này cũng nên sòng phẳng về lợi ích với khách hàng. Vì vậy, một khi đã tăng cước khi giá xăng dầu lên thì giảm cước khi giá xăng dầu xuống là việc doanh nghiệp nên làm và phải làm. Đó là hành động thiết thực và cụ thể nhất biểu hiện sự đồng hành và chia sẻ lợi ích với khách hàng, cũng là yếu tố làm nên sự phát triển bền vững của doanh nghiệp.
H.Ð