Hàng bình ổn giá phục vụ Tết Nguyên đán Ất Mùi 2015: Doanh nghiệp và địa phương cùng vào cuộc
UBND tỉnh vừa ban hành quyết định phê duyệt phương án bình ổn giá và tăng cường công tác quản lý giá trong dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán Ất Mùi năm 2015. Các doanh nghiệp (DN), địa phương đang tích cực chuẩn bị thực hiện phương án bình ổn giá.
Tổng kinh phí thực hiện chương trình bình ổn giá là 25,81 tỉ đồng, phân bổ cho Công ty TNHH một thành viên Sài Gòn Co.op Bình Định 22 tỉ đồng; Công ty TNHH Thương mại - Sản xuất - Xuất nhập khẩu Anh Nhật (Công ty Anh Nhật) 2 tỉ đồng; UBND huyện Vân Canh 460 triệu đồng; UBND huyện Vĩnh Thạnh 550 triệu đồng và UBND huyện An Lão 800 triệu đồng.
Thêm một DN tham gia
Theo ông Nguyễn Thanh Tuấn, Trưởng phòng Quản lý giá - công sản (Sở Tài chính), nét mới nổi bật của chương trình năm nay là mở rộng đối tượng tham gia, với sự vào cuộc của Công ty Anh Nhật (tại cụm công nghiệp Quang Trung - TP Quy Nhơn).
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phan Cao Thắng yêu cầu các đơn vị tham gia bình ổn giá dự trữ hàng hóa và bảo đảm giá bán các mặt hàng trong suốt thời gian bình ổn theo đúng phương án. Hàng hóa phải đảm bảo các tiêu chuẩn về chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm, tuyệt đối không mua bán hàng hóa không rõ nguồn gốc. Các sở, ngành liên quan tổ chức kiểm tra, giám sát về điều kiện quầy hàng bán, niêm yết và bán hàng theo giá niêm yết.
Ông Nguyễn Đặng Đình Thuận, Trưởng phòng Kinh doanh của Công ty Anh Nhật cho biết: Đây là lần đầu tiên Công ty thực hiện bán hàng bình ổn giá cho người dân trong dịp Tết, và đã lên kế hoạch bán hàng với giá trị hàng hóa 6,7 tỉ đồng, gồm các mặt hàng thiết yếu: nước ngọt, bột ngọt, mì tôm, bột giặt, dầu ăn... Công ty đã xây dựng một mạng lưới bán hàng với 4 nhân viên ở TP Quy Nhơn và 7 nhân viên ở các huyện, thị xã; tính chung bộ phận nhân viên thị trường và kiểm soát giá là 45 người, cùng 9 thành viên bộ phận giám sát. Công ty còn trực tiếp tổ chức khoảng 10 điểm bán hàng bình ổn giá tại các vùng sâu, vùng xa. Ngay trong tuần tới, chúng tôi sẽ bắt đầu tổ chức các chuyến xe đưa hàng về bán trực tiếp ở các huyện, thị xã. Hàng bình ổn được xây dựng bán theo giá sỉ. DN tham gia đợt bình ổn giá để cùng chia sẻ với người dân” - ông Thuận cho biết.
Với Siêu thị Co.opmart Quy Nhơn - DN đi đầu trong bán hàng bình ổn giá vào dịp Tết từ năm 2009 - cũng đã đặt mua và dự trữ lượng hàng lớn, đảm bảo đủ lượng hàng có chất lượng tốt, giá cả hợp lý để cung ứng cho thị trường, đồng thời can thiệp khi thị trường hàng hóa khan hiếm “ảo” gây sốt giá. Các nhóm hàng hóa tham gia chương trình gồm dầu ăn, đường, bột ngọt, gạo, bánh, lạp xưởng, thịt gia súc, thịt - trứng gia cầm, rau củ quả các loại.
“Đối với các mặt hàng bình ổn giá, để hạn chế tối đa việc gom hàng trục lợi của tư thương, đảm bảo hàng hóa bình ổn giá đến trực tiếp người tiêu dùng, chúng tôi quy định lượng mua tối đa của mỗi khách hàng trong ngày, ví dụ mỗi khách hàng trong ngày chỉ được mua tối đa 10 kg thịt”, Giám đốc siêu thị Co.opmart Quy Nhơn Thái Lương Hùng cho hay.
Theo kế hoạch, Co.opmart Quy Nhơn sẽ tổ chức đưa hàng bình ổn giá đến tận người dân ở vùng sâu, vùng xa, vùng nông thôn, miền núi, khu công nghiệp… thông qua các phiên chợ “Hàng Việt về nông thôn”, “Hàng Việt về khu công nghiệp”… Vào ngày 10.1, Co.opmart Quy Nhơn tổ chức đưa hàng Việt về khu công nghiệp Phú Tài để phục vụ công nhân; từ 11.1 đến 16.1 đưa hàng Việt về xã Phước Quang (huyện Tuy Phước) để phục vụ bà con nơi đây.
Các huyện miền núi chủ động vào cuộc
Từ năm 2013, các huyện miền núi bắt đầu thực hiện chương trình bình ổn giá. Năm nay, có điểm mới là các huyện miền núi được giao nhiệm vụ chủ động lên phương án các mặt hàng thiết thực để tổ chức cung ứng theo nhu cầu của người dân, chứ không áp theo danh mục chung.
“Năm nay nguồn hàng rất ồ ạt, đặc biệt trong thời điểm cận Tết, nhu cầu sử dụng một số mặt hàng cao nên dễ bị “sốt” hàng. Càng về thời điểm cuối năm, thị trường càng sôi động nên phải tăng cường kiểm tra và giám sát. Sở Tài chính đã thành lập một tổ kiểm tra, giám sát niêm yết giá và lượng hàng bình ổn của các đơn vị”.
Ông NGUYỄN THANH TUẤN, Trưởng phòng Quản lý giá - công sản, Sở Tài chính
Tại An Lão, hàng hóa phục vụ theo nhu cầu, phù hợp với người dân vùng xa, như: xăng dầu, mì tôm, nước mắm, muối ăn, dầu ăn, bột ngọt, đường, xì dầu, đèn pin, gạo tẻ… Phó Chủ tịch UBND huyện An Lão Bùi Tiến Dũng nhận định, các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu này thật sự đáp ứng nhu cầu của người dân.
Ông Nguyễn Hùng Tuấn, Giám đốc Công ty cổ phần Tổng hợp An Lão, cho biết, Công ty sẽ tổ chức đợt bán hàng lưu động vào dịp trước Tết Nguyên đán tại 4 điểm bán hàng cố định ở thị trấn An Lão và xã An Vinh, An Quang, An Hòa. Ngoài ra, còn có 43 điểm bán hàng lưu động; trong đó, huyện An Lão có 35 điểm và huyện Hoài Ân có 8 điểm (ở xã Bok Tới và Đăk Mang).
Ông Lê Văn Đẩu, Phó Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Thạnh, cho biết: “Để tổ chức tốt việc cung ứng hàng hóa phục vụ nhân dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số, tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân mua sắm trong dịp Tết, UBND huyện triển khai chương trình bình ổn giá đối với các mặt hàng thiết yếu, gồm lương thực, thực phẩm như gạo nếp, gạo tẻ, mì tôm, dầu ăn, bột ngọt, bột nêm, muối ăn, nước mắm, bánh kẹo, mứt… và dụng cụ, đồ dùng như bột giặt, kem đánh răng, nước rửa chén, mùng, mền, chiếu, quần áo may sẵn, giày dép, dầu hỏa…”.
Công ty cổ phần Tổng hợp Vĩnh Thạnh tổ chức các điểm phân phối hàng hóa tại các làng và trung tâm cụm xã Vĩnh Sơn, Vĩnh Kim, Vĩnh Hòa (huyện Vĩnh Thạnh) và Vĩnh An (huyện Tây Sơn). Tại Vân Canh, Công ty cổ phần Tổng hợp Vân Canh chịu trách nhiệm tổ chức bán hàng bình ổn giá cho người dân tại các trung tâm cụm xã Canh Liên, Canh Hòa và dự trữ hàng hóa để bình ổn thị trường trong dịp Tết.
THU HIỀN