“Hậu” một cuộc hôn nhân không đăng ký
Nơi sảnh chờ của TAND TP Quy Nhơn ở tầng hai, giọng của một phụ nữ tuổi chừng 40 hơi cao giọng qua điện thoại: “Tòa hẹn xử lúc 8 giờ sáng mà sao giờ ông vẫn chưa đến. Giấy tờ tôi đã đem hết rồi đây này”.
Chị bảo tuổi thật mình mới 36 nhưng vì khổ tâm, nhọc nhằn cơm áo gạo tiền nên mới già trước tuổi đến thế. Nhà chị ở phường Quang Trung, Quy Nhơn; hai đứa con, lớn học lớp 10, nhỏ học lớp 8. Chị phụ bán quán cơm kiêm thêm nghề may bỏ chợ, thu nhập bấp bênh. Còn chồng làm nghề thợ hồ, hơn chị gần chục tuổi nhưng tính ham vui bè bạn, tiền đưa vợ thì ít mà để lại nhậu thì nhiều. Chị khuyên chồng nhiều lần, rồi nhịn nhục sống vì con cho qua ngày đoạn tháng. Hiềm nỗi, con cái mỗi ngày một lớn nên không đồng tình với cách sống của cha. Nhất là thằng con trai, mỗi lần thấy bố đi nhậu về, nói năng không chuẩn mực thì phản ứng rất quyết liệt. Nhiều lúc hai cha con đụng độ nhau dữ dội.
Tình nghĩa vợ chồng không còn, kinh tế không nhờ được, và đáng sợ hơn cả là phản ứng tiêu cực của các con đối với cha có thể ảnh hưởng đến tâm sinh lý, học hành của chúng nên chị xin ly hôn. Tuy nhiên, bởi họ lấy nhau không đăng ký kết hôn nên tòa án chỉ cần thụ lý vụ việc và tuyên bố không công nhận quan hệ vợ chồng.
Chị phân trần: “Ngày lấy chồng, tôi chưa đầy 20 tuổi. Cứ nghĩ đơn giản yêu thì lấy nhau, nào cần gì đến giấy tờ chi cho phiền phức. Nhưng sống rồi mới biết, miếng giấy đó tuy nhỏ song lại ràng buộc nghĩa vụ với nhau về mặt pháp luật. Mỗi năm ảnh đưa cho tôi có mấy triệu bạc lo cho con, làm sao đủ chi tiêu. Nhiều lúc vợ chồng cãi nhau, ảnh nói có phải vợ chồng chính thức gì với nhau đâu mà đòi tôi phải có trách nhiệm với mẹ con bà, tiền tôi muốn đưa bao nhiêu thì đưa. Đến giờ ra tòa, do không tự thỏa thuận được việc chia tài sản nên đành nhờ tòa phân xử thì lại thêm phần rắc rối về mặt giấy tờ. Nếu như có giấy đăng ký kết hôn chứng minh tôi với anh ấy là vợ chồng thì mọi chuyện đã dễ hơn”.
Chừng hơn 8 giờ một chút, chồng chị mới đến. Anh ta xin lỗi Hội đồng xét xử mình đến trễ vì cứ tưởng chiều mới xử. Trước khi vợ chồng họ bước vào phòng xử án, anh chồng quay sang nói với vợ: “Ban đầu tôi thống nhất để tài sản của mình cho các con, nhưng giờ tôi nghĩ lại rồi, cứ chia ra làm 4 phần bằng nhau, tôi lấy một phần”. Nghe vậy, chị than thầm: “Cứ đổi ý xoành xoạch, không biết rồi sẽ rắc rối như thế nào nữa đây”.
NGUYỄN SƠN