Hoạt động công chứng, chứng thực:
Những vướng mắc cần giải quyết
Hiện nay, việc giao, tăng thẩm quyền chứng thực cho các địa phương và xã hội hóa hoạt động công chứng đã góp phần giảm tải cho các tổ chức công chứng, chứng thực; đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho người dân trong thực hiện thủ tục hành chính liên quan đến hoạt động này. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai vẫn còn những vướng mắc xuất phát từ quy định cũng như trong thực tế.
Xã hội hóa hoạt động công chứng giúp giảm tải trong giải quyết thủ tục hành chính, tuy nhiên, sự phối hợp của các tổ chức công chứng hiện vẫn chưa chặt chẽ.
- Trong ảnh: Khách hàng đến công chứng tại Văn phòng công chứng Thanh Bình. Ảnh: THU HÀ
Từ những bất cập trong quy định chứng thực
Lĩnh vực chứng thực cùng một lúc chịu sự điều chỉnh bởi nhiều văn bản quy phạm pháp luật như Bộ luật Dân sự, Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Hôn nhân- Gia đình; trong khi đó về trình tự, thủ tục thì lại được điều chỉnh bởi Nghị định số 75/2000/NĐ-CP của Chính phủ về công chứng, chứng thực; Nghị định số 97/2007/NĐ-CP của Chính phủ về cấp bản sao từ sổ gốc, chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký… Chính vì vậy, đã có sự chồng chéo, mâu thuẫn trong các quy định khi triển khai, nhất là trong các giao dịch về hợp đồng dân sự có liên quan đến đất đai, tài sản là nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất, gây bất lợi cho người dân.
Tại buổi làm việc với Đoàn giám sát Ban Pháp chế HĐND tỉnh về hoạt động công chứng, chứng thực và bán đấu giá tài sản trên địa bàn tỉnh vào ngày 7.5, Phòng Tư pháp huyện Vân Canh phản ánh: Việc quy định các thành viên trong gia đình trực tiếp ký vào các hợp đồng giao dịch trong lĩnh vực đất đai, tài sản là nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất theo Thông tư số 03/TT-BTP-CC của Bộ Tư pháp về công chứng, chứng thực như hiện nay rất khó thực hiện đối với những trường hợp gia đình có nhiều người ở xa, thậm chí là nước ngoài. Ngoài ra, quy định yêu cầu con cái (đủ tuổi trưởng thành trở lên) và vợ chồng cùng phải ký vào hợp đồng chuyển nhượng tài sản là đất ở gắn liền với quyền sử dụng đất không phù hợp đối với trường hợp đất đó đã được giao cho vợ chồng trước khi họ có con, và thực tế các con họ chưa có đóng góp gì vào khối tài sản chung đó. Vì vậy, cần hướng dẫn cụ thể về xác định thời điểm phát sinh quyền lợi có liên quan trách nhiệm khi các thành viên trong gia đình phải ký vào các văn bản hợp đồng tham gia giao dịch khi chứng thực.
Ông Nguyễn Văn Dũng, Trưởng phòng Tư pháp huyện Tuy Phước, cho biết thêm, Thông tư số 04/2006/TTLT/BTP-BTNMT hướng dẫn hợp đồng công chứng, chứng thực quy định cấp huyện, xã chứng thực hợp đồng văn bản thỏa thuận phân chia di sản phải niêm yết 30 ngày; trong khi đó, Luật Công chứng lại không quy định niêm yết. Vì vậy, có nơi thực hiện niêm yết, có nơi không. Ngoài ra, quy định về cấp bản sao từ sổ gốc, chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký cũng đang phát sinh một số bất cập. Ông Dũng đơn cử: “Trường hợp các bản sao mà người đó tự viết thì phần ký tên và con dấu của cơ quan thẩm quyền cấp không thể thực hiện được. Cơ quan chứng thực đối chiếu với bản chính để chứng thực, nhưng khi người dân mang những bản sao này để nộp các cơ quan, tổ chức khác thì không được chấp nhận vì cho rằng bản sao này không giống bản chính, không có chữ ký, con dấu của cơ quan thẩm quyền cấp nên không có giá trị và từ chối tiếp nhận. Do đó, tôi đề nghị cấp có thẩm quyền cần có quy định, hướng dẫn thống nhất, tránh những bất cập đã nêu trên”.
... đến thiếu phối hợp trong hoạt động công chứng
Theo Sở Tư pháp, trên địa bàn tỉnh hiện có 8 tổ chức hành nghề công chứng gồm 13 công chứng viên, trong đó có 3 phòng công chứng nhà nước và 5 văn phòng công chứng hoạt động theo loại hình doanh nghiệp (gọi tắt là công chứng tư). Việc xã hội hóa hoạt động công chứng trong những năm qua đã góp phần giảm tải trong giải quyết thủ tục hành chính liên quan đến hoạt động công chứng, song cũng nảy sinh nhiều bất cập, hạn chế như: Công chứng viên thiếu kinh nghiệm dẫn đến những sai sót trong công chứng; các tổ chức hành nghề công chứng thiếu thông tin lẫn nhau, dẫn đến mạnh ai nấy làm.
“Có những trường hợp giao dịch không hợp lệ bị văn phòng công chứng của tôi từ chối không công chứng, nhưng khi họ đến văn phòng công chứng khác thì lại được công chứng, và ngược lại…”- bà Phạm Thị Thanh Bình, Trưởng Văn phòng Công chứng Thanh Bình (Quy Nhơn) cho biết. Ngoài ra, vẫn có hiện tượng “phân biệt đối xử” giữa các tổ chức công chứng, chẳng hạn như ngân hàng thương mại cổ phần không chấp nhận hợp đồng giao dịch được công chứng tại văn phòng công chứng tư, gây khó khăn cho người đi công chứng cũng như các tổ chức hành nghề công chứng. “Đề nghị Sở Tư pháp cần tuyên truyền cho các cơ quan, đơn vị chấp hành đúng luật công chứng; cần có lớp tập huấn nâng cao kiến thức và sự thống nhất giữa các tổ chức hành nghề công chứng”- bà Bình nói.
Qua các buổi giám sát hoạt động công chứng, chứng thực tại một số địa phương, ông Phạm Hồng Sơn, Trưởng ban Ban Pháp chế HĐND tỉnh, Trưởng Đoàn giám sát HĐND tỉnh, khuyến nghị lãnh đạo địa phương cần quan tâm hơn nữa đến công tác chứng thực, công chứng; chỉ đạo các phòng tư pháp lưu trữ tốt các dữ liệu chứng thực, đáp ứng yêu cầu của các cơ quan pháp luật khi xảy ra các vụ việc có liên quan. Riêng đối với những vướng mắc, bất cập trong công tác chứng thực, công chứng nảy sinh trong thời gian qua, Đoàn giám sát sẽ kiến nghị với cấp cao hơn để có những điều chỉnh cho phù hợp với thực tiễn trong thời gian tới.
THU HÀ