Hạn chế TNGT do xe mô tô, gắn máy gây ra
Đánh giá chung về công tác đảm bảo trật tự ATGT năm 2014 cho thấy, các sở, ban, ngành, đoàn thể và các cấp chính quyền địa phương trong tỉnh đã nâng cao tinh thần trách nhiệm, triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp. Nhờ đó, tình hình trật tự, ATGT có nhiều chuyển biến tốt, TNGT giảm trên cả 3 mặt: số vụ, số người chết và số người bị thương; ùn tắc giao thông và đua xe trái phép không xảy ra trên địa bàn tỉnh.
Tuy vậy, thực tế là số người chết vì TNGT của tỉnh vẫn còn ở mức cao, TNGT do xe mô tô, xe gắn máy gây ra chiếm tỉ lệ cao (78%) và có chiều hướng gia tăng trên tất cả các tuyến từ tỉnh lộ đến khu vực nông thôn, thời gian xảy ra tai nạn nhiều nhất là từ 17 giờ đến 24 giờ, nạn nhân phần lớn ở trong độ tuổi 18 - 35.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên nhưng chủ yếu vẫn là do người tham gia giao thông không có ý thức chấp hành nghiêm luật giao thông đường bộ, vi phạm quy định tốc độ, chở quá số người quy định, sử dụng rượu, bia, không có giấy phép lái xe, không đội mũ bảo hiểm hoặc đổi mũ không đúng quy chuẩn. Ngoài ra, những bất cập trong công tác tổ chức thi công và đảm bảo ATGT trên công trường là những nguyên nhân dẫn đến TNGT.
Để phòng ngừa TNGT do xe mô tô và gắn máy gây ra, ngày 8.1, Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quốc Dũng đã ra Chỉ thị số 02/CT-UBND về việc tăng cường thực hiện các giải pháp nhằm ngăn chặn, hạn chế TNGT do xe mô tô, xe gắn máy gây ra trên địa bàn tỉnh.
Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Giám đốc CA tỉnh, Giám đốc Sở GTVT, Ban ATGT tỉnh, thủ trưởng các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh, chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố, giám đốc các doanh nghiệp, hiệu trưởng các trưởngg ĐH, CĐ, trung học, dạy nghề trên địa bàn tỉnh tập trung chỉ đạo thực hiện quyết liệt công tác tuyên truyền về nguy cơ, hiểm họa TNGT, các biện pháp phòng tránh, hạn chế TNGT do xe mô tô, xe gắn máy gây ra; cán bộ, đảng viên phải gương mẫu đi đầu trong việc thực hiện ATGT và ứng xử văn hóa giao thông. Các chương trình tuyên truyền và giáo dục pháp luật về ATGT phải được các cơ quan, địa phương triển khai mạnh mẽ, thường xuyên, từng bước xây dựng văn hóa giao thông đến từng cán bộ, nhân viên, người lao động và coi đây là tiêu chí bình xét thi đua, khen thưởng.
Chủ tịch UBND tỉnh cũng yêu cầu Giám đốc CA tỉnh, chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo huy động thêm lực lượng, tăng cường tuần tra, kiểm soát, phát hiện và xử lý vi phạm pháp luật về trật tự ATGT; mở đợt cao điểm xử lý các vi phạm là nguyên nhân gây TNGT như: vi phạm tốc độ, đi không đúng làn đường, phần đường, chở quá số người quy định, vi phạm về sử dụng rượu, bia khi điều khiển phương tiện, không đội mũ bảo hiểm khi đi mô tô, xe máy. Khi xử lý vi phạm hành chính về trật tự ATGT phải thông báo đến CA cơ sở nơi người vi phạm có hộ khẩu để chuyển đến cơ quan, trường học, khu dân cư kiểm điểm, giáo dục có hiệu quả.
Đi đôi với những nhiệm vụ trên, Chỉ thị 02/CT-UBND cũng yêu cầu Giám đốc Sở GTVT và chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố làm tốt công tác quản lý kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, thường xuyên duy tu, bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông, kịp thời khắc phục các điểm đen TNGT, đề ra các phương án chống lấn chiếm hành lang ATGT đường bộ, đường sắt gây mất ATGT...
MINH KHƯƠNG