Đề cao cảnh giác, tích cực phòng ngừa
Trong những năm gần đây, sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin, nhất là internet và các thiết bị truyền thông di động, đã tác động mạnh mẽ đến mọi mặt của đời sống xã hội. Riêng trong lĩnh vực thông tin-truyền thông, thông tin mạng với sự ra đời của báo điện tử và các trang mạng xã hội đã mang lại nhiều tiện ích to lớn, góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế, xã hội và đời sống con người. Giờ đây, chỉ cần kết nối internet là mọi người có thể truyền tải và cập nhật thông tin bất cứ lúc nào, đến bất cứ đâu.
Ngoài việc thông tin được cập nhật nhanh chóng tới mức tức thời, vô cùng sinh động bởi ưu thế đa phương tiện (đọc-nghe-nhìn cùng lúc), báo điện tử và mạng xã hội còn có sức hấp dẫn hơn bởi tính tương tác cao. Người đọc thông tin mạng không còn tiếp thu thông tin một cách thụ động, mà được trực tiếp tham gia vào quá trình sản xuất thông tin bằng cách bày tỏ quan điểm, đưa ra ý kiến bình luận xung quanh sự việc, sự kiện được thông tin ngay trong quá trình tiếp nhận.
Tuy nhiên, bên cạnh những tiện ích to lớn không thể phủ nhận đó, thông tin mạng cũng có mặt trái, gây tác hại không nhỏ đến kinh tế và đời sống xã hội. Đó là tình trạng những phần tử xấu lợi dụng các trang mạng xã hội để tung tin đồn, gây ảnh hưởng đến tình hình kinh tế trong các lĩnh vực tài chính, chứng khoán, bất động sản... nhằm trục lợi cá nhân. Nguy hiểm hơn nữa là việc các thế lực phản động và những kẻ xấu đã lợi dụng các trang mạng xã hội để tung tin thất thiệt, vu khống bôi xấu cán bộ lãnh đạo Đảng, Nhà nước với ý đồ gây mất đoàn kết nội bộ, làm lung lay lòng tin của dân đối với Đảng, Nhà nước ta. Đây là những thông tin cực kỳ nguy hiểm, nếu không có biện pháp ngăn chặn kịp thời có thể dẫn đến những tác hại khó lường cho sự ổn định và phát triển của đất nước.
Với xu thế phát triển tất yếu của internet và hệ thống mạng xã hội, việc phát huy mặt tích cực, đồng thời phòng ngừa, ngăn chặn các tác động tiêu cực là vấn đề đặt ra cho công tác quản lý, sử dụng nó. Dự báo, trong bối cảnh đất nước ta diễn ra nhiều sự kiện quan trọng, các thế lực phản động, các đối tượng xấu lợi dụng internet và mạng xã hội để chống phá Đảng, Nhà nước bằng việc loan truyền thông tin xấu sẽ còn tiếp tục diễn biến phức tạp hơn trong thời gian tới.
Vì vậy, nâng cao cảnh giác để phòng ngừa có hiệu quả đối với tác động tiêu cực của chúng là hết sức cần thiết. Theo đó, các ngành chức năng cần tăng cường các giải pháp kỹ thuật, siết chặt công tác quản lý, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm đối với những trường hợp thông tin không chính xác, gây tổn hại đến uy tín của các tổ chức, cá nhân, thiệt hại đến kinh tế, xã hội của đất nước.
Bên cạnh sự nỗ lực của các cơ quan chức năng, các tổ chức và từng cá nhân cần tự mình đề cao cảnh giác, nhận thức đúng đắn về lợi ích cũng như tác hại của internet, biết cách sử dụng và tiếp nhận thông tin trên internet có chọn lọc, có kiểm chứng. Trong đó, việc mỗi người tự trang bị cho mình một “bộ lọc” để phân biệt, nhận thức được tốt xấu, đúng sai khi tiếp nhận thông tin, kiên quyết không đọc các trang mạng xấu là góp phần thiết thực vào cuộc đấu tranh với các luồng thông tin xấu trên không gian mạng.
HẢI ÐĂNG