Vị hôn thê
Truyện ngắn của M. Aokeluokesi (Pháp)
Sau kỳ nghỉ tôi trở về Paris. Khi đến ga, hành khách đã lên chật các toa tàu. Tôi len lỏi khắp các toa để tìm chỗ ngồi, tìm mãi mới thấy một chỗ trống ở cuối đoàn tàu. Nhưng chỗ đó lại đang để hai lồng gà vịt, chúng dáo dác thò cổ ra ngoài kêu inh ỏi. Chần chừ một lúc tôi mới quyết định đi đến đó. Tôi nhìn quanh để tìm chủ nhân của hai chiếc lồng đó. Một bác nông dân nói với tôi:
- Này cô, cô chờ cho một lát, tôi sẽ chuyển chúng đi ngay.
Tôi giúp bác nông dân xách làn trái cây trên gối bác ấy đặt xuống sàn tàu, bấy giờ bác ta mới đứng dậy chuyển hai lồng gà vịt vào dưới gầm ghế. Vợ bác nông dân nhìn tôi ái ngại, dường như cảm thấy mình có lỗi.
Khi tôi ngồi xuống ghế, lũ gà vịt không còn kêu nhặng lên nữa. Vị khách ngồi đối diện với tôi hỏi, có phải số gà vịt này là mang đi chợ bán không?
- Không đâu, thưa ông - Bác nông dân nói - Tôi mang đến cho con trai tôi, ngày kia nó cưới vợ.
Bác nông dân mặt mày rạng rỡ, nhìn xung quanh, dường như muốn mọi người biết lúc này bác là người hạnh phúc nhất!
Đoàn tàu bắt đầu chuyển bánh. Vị khách vừa hỏi chuyện gà vịt mở báo ra xem. Lúc đó, bác nông dân lại gợi chuyện làm quen với ông khách:
- Con trai tôi làm việc trong một nhà hàng ở Paris. Nó sẽ kết hôn với một cô gái trẻ cùng làm một chỗ với nó.
Vị khách đặt tờ báo lên gối, một tay vẫn cầm tờ báo, nói:
- Làm việc ở nhà hàng, chắc là cô ấy đẹp nhỉ?
- Chúng tôi cũng chưa biết - Bác nông dân nói - Chúng tôi còn chưa gặp mặt nữa là.
Vị khách cười vui, nói:
- Ôi thật là! Ngộ nhỡ cô ấy xấu xí thì sao? Ông bà không lo là mình sẽ không thích cô ấy?
- Cũng có thể là cô ấy chẳng đẹp đẽ gì đâu, có điều, chúng tôi vẫn sẽ rất thích cô ấy bởi vì đứa con trai yêu quý nhất của chúng tôi muốn lấy một cô vợ như thế mà!
Bác nông dân gái ngồi cạnh tôi tiếp lời:
- Với lại, con bé ấy đã làm cho con trai chúng tôi thích, thì nhất định cũng sẽ làm cho chúng tôi thích thôi à!
Bác quay lại nhìn tôi, ánh mắt nồng ấm trên khuôn mặt tròn nhỏ nhắn của bác biểu thị một niềm vui rạng rỡ. Nhìn bề ngoài tôi hoàn toàn không tin là bác đã có con trai sắp lấy vợ. Bác hỏi có phải tôi đi Paris không? Trong lúc tôi gật đầu thừa nhận, vị khách ngồi đối diện với tôi bỗng nói cười rôm rả hẳn lên:
- Tôi dám đánh cược với mọi người ở đây rằng, cô gái trẻ này - Ông đưa mắt nhìn tôi - chính là vị hôn thê của con trai ông bà! Cô bí mật đến đây để xem mặt cha mẹ chồng tương lai nhưng không tiết lộ mình là ai.
Mọi ánh mắt xung quanh đều quay lại phía tôi. Mặt tôi bất giác đỏ lựng. Hai vợ chồng bác nông dân cùng nói:
- Được vậy thì tốt quá. Chúng tôi sẽ rất vui!
Tôi thanh minh với mọi người là không phải như vậy. Thế nhưng vị khách vui tính nọ vẫn không tin. Lý do mà ông đưa ra là, trước lúc lên tàu tôi đã nhìn quanh quất tới hai lần, dường như muốn tìm ai, chần chừ mãi mới quyết định bước vào toa.
Ai nấy đều cười. Tôi cố gắng giải thích rằng, tôi chỉ tìm chỗ ngồi thôi.
Bác nông dân nói:
- Chuyện đó chẳng có gì quan trọng. Nếu cháu đúng là con dâu tương lai của hai bác, hai bác sẽ rất hạnh phúc!
Còn vị khách nọ thì vẫn giữ kiểu đùa vui dí dỏm, nhìn vào mắt tôi và nói với vợ chồng bác nông dân:
- Chờ tới lúc đến Paris, các bác sẽ biết. Tôi không hề nói sai đâu. Lúc đó con trai bác sẽ trịnh trọng giới thiệu với hai bác: “Thưa bố mẹ! Đây là vợ chưa cưới của con!”.
Một lát sau, hai vợ chồng bác nông dân quay sang nhìn tôi. Bác gái lấy trong làn ra một chiếc bánh, bảo, sáng nay bác đã tự làm đấy. Tôi không biết nói sao để từ chối, đành viện cớ là người không được khỏe, dùng đồ lạnh sợ không tốt. Bác bỏ chiếc bánh vào làn và lấy cho tôi một chùm nho. Không lẽ lại từ chối lần nữa, tôi đành nhận. Khi đoàn tàu dừng bánh, bác trai còn đi lấy nước sôi cả cho tôi nữa. Tôi áy náy vô cùng!
Nhìn hai bác nông dân hiền từ chất phác, lòng tôi bỗng buồn rười rượi, bởi lẽ, cho tới lúc này tôi hoàn toàn không còn cơ hội để có thể trở thành con dâu thực sự của hai ông bà! Tôi biết họ rất có cảm tình với tôi mà tôi cũng rất quý họ! Ôi! Từ nhỏ tôi đã không còn cha mẹ, mãi mãi là kẻ sống tha hương nơi đất khách quê người!
Tôi thấy hai người lúc lúc lại nhìn tôi.
Khi đoàn tàu đến ga Paris, tôi giúp hai bác đưa lồng gà vịt xuống ga, và chỉ đường cho họ. Vừa lúc đó, một chàng trai chạy về phía hai người, dang tay ôm hai ông bà. Tôi lánh đi chỗ khác, đứng từ xa nhìn họ. Anh con trai và cha mẹ anh ta ôm hôn nhau. Trên khuôn mặt mọi người rạng ngời niềm vui gặp gỡ…
Tiếng gọi trả hành lý của nhân viên đoàn tàu vang lên, cả ba đều không nghe thấy.
Tôi lặng lẽ đi theo ba người ra cửa toa tàu. Anh con trai một tay xách lồng gà vịt, tay kia quàng lưng mẹ, nói cười vui vẻ. Cha anh ta cũng rất vui.
Bên ngoài trời rất tối. Tôi kéo cổ áo khoác lên, bước chầm chậm sau hai ông bà cách họ mấy bước chân. Anh con trai đến chỗ chiếc xe ngựa đã đợi sẵn. Bác nông dân sờ sờ vào đầu con gà trống hoa, nói với vợ:
- Giá mình biết chắc con bé ấy không phải là con dâu của mình thì chúng ta đã cho con bé chú gà trống hoa này bà nhỉ?
- Ừ! Tôi cũng nghĩ như ông. Giá mà…
Bác nông dân gái nhìn những người rời khỏi ga một hồi lâu, rồi đưa mắt nhìn ra xa hơn, nói : “Con bé đi mất rồi, ông ạ!”.
Anh con trai dẫn chiếc xe ngựa đến, đỡ bố mẹ lên xe, ngồi xuống cạnh hai người. Trông anh ta khỏe khoắn, hòa nhã và vui vẻ nữa! Tôi thầm nghĩ, vị hôn thê của anh chắc chắn là một cô gái hạnh phúc!
Chiếc xe ngựa đã đi xa, tôi bần thần bước đi trên đường phố. Cuộc gặp gỡ này không hiểu sao khiến cho lòng tôi xao xuyến lạ? Tôi không còn muốn về lại căn phòng quạnh quẽ kia của tôi nữa! Tôi đã 30 tuổi rồi mà vẫn chưa có người cầu hôn!
TRÀ LY (dịch từ bản Hoa văn của Dật Danh)