Dự án Sinh kế nông thôn bền vững: Nhiều hoạt động tạo việc làm, tăng thu nhập cho nông dân
Ngành Nông nghiệp tỉnh đã và đang thực hiện nhiều dự án (DA), mô hình phát triển sản xuất, bước đầu mang lại hiệu quả, góp phần giúp nông dân nâng cao thu nhập từ cây trồng, vật nuôi, tạo đầu ra ổn định cho nông sản hàng hóa…, trong đó có sự đóng góp thiết thực của DA Sinh kế nông thôn bền vững (SKNTBV).
Thời gian qua, với sự hỗ trợ thiết thực của DA SKNTBV thông qua việc triển khai thực hiện các hợp phần, hàng ngàn hộ nông dân tại các vùng DA trong tỉnh đã thực sự có được sinh kế bền vững.
Xây dựng mô hình sản xuất RAT
Từ năm 2009, DA SKNTBV tỉnh đã hỗ trợ nông dân triển khai các vùng trồng rau an toàn (RAT) tại các huyện Tây Sơn, Tuy Phước, Hoài Nhơn. Tại các địa phương này, 9 nhóm cùng sở thích (NCST) được thành lập với tổng số 201 nông dân (chủ yếu là phụ nữ) tham gia. Các thành viên trong nhóm được đào tạo về kỹ thuật sản xuất RAT, được tham quan các mô hình sản xuất hiệu quả; 2 nhà sơ chế rau VietGAP với công suất 1.000 kg rau/nhà sơ chế/ngày được xây dựng và lắp đặt đầy đủ các thiết bị cần thiết; diện tích nhà lưới trồng RAT cũng tăng nhanh, hiện đạt 130.000m2.
Đến nay, diện tích RAT đạt chứng nhận VietGAP khoảng 10 ha với 45 chủng loại; diện tích RAT do Sở NN-PTNT chứng nhận là 3 ha với 25 chủng loại; sản lượng sản xuất được khoảng 650 tấn RAT/năm, trong đó 200 tấn (30%) được sơ chế, đóng gói qua nhóm sơ chế và được bán với tư cách là RAT chứng nhận VietGAP tại các siêu thị và quầy bán RAT (chiếm khoảng 1% thị phần rau truyền thống của tỉnh) với mức giá cao hơn thị trường.
Ông Ngô Tùng Thu, Quản đốc DA SKNTBV tỉnh, cho biết: Qua điều tra tại các NCST cho thấy, lượng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) đã giảm 70%; nông dân sử dụng thuốc BVTV theo nguyên tắc quản lý dịch hại tổng hợp, góp phần đảm bảo an toàn sức khỏe cho bản thân gia đình, cộng đồng xung quanh vùng sản xuất và người tiêu dùng. Thu nhập của các hộ tham gia tăng so với sản xuất các loại rau quả khác từ 20-30%. Sản phẩm RAT được bán tại 2 siêu thị Co.opmart Quy Nhơn và BigC Quy Nhơn, 8 quầy rau an toàn trong các chợ nội thành Quy Nhơn, góp phần ổn định đầu ra sản phẩm RAT, tạo sinh kế cho bà con nông dân.
Hỗ trợ phát triển nghề truyền thống
Nhằm góp phần giải quyết việc làm cho phụ nữ nông thôn, DA SKNTBV tỉnh đã hỗ trợ cho hơn 130 chị em phụ nữ ở một số làng nghề se dây dừa tại huyện Phù Mỹ và Hoài Nhơn từng bước cơ giới hóa khâu sản xuất để tăng năng suất, nâng cao thu nhập. Nhờ đó, các doanh nghiệp, hợp tác xã và các NCST có điều kiện đẩy mạnh sản xuất, đa dạng hóa sản phẩm, từng bước mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm từ dừa.
Chị Bùi Thị Kim Liên, Chi hội trưởng phụ nữ thôn Chánh Khoan Đông, xã Mỹ Lợi - huyện Phù Mỹ, tâm sự: Địa phương có hàng trăm gia đình bao đời gắn bó với nghề se chỉ xơ dừa. Chị em phải vất vả trong suốt quá trình lao động thủ công, làm việc mỗi ngày từ 3 - 4 giờ sáng đến tối mịt mà năng suất thấp, thu nhập kém. Được sự hỗ trợ của DA SKNTBV, ai cũng vui mừng. Chi hội phụ nữ thôn đã vận động chị em giúp nhau sử dụng máy móc được DA hỗ trợ.
Bà Phạm Thị Thu Hương, chủ cơ sở Xuân Hương, ở thị trấn Bình Dương - huyện Phù Mỹ, cho biết: Trước đây cơ sở của tôi sản xuất chỉ dừa thô, đầu ra sản phẩm gặp khó khăn, thu nhập thấp và không ổn định. Năm 2013, được sự hỗ trợ của DA, chúng tôi đã xây dựng nhà xưởng, đầu tư trang thiết bị sản xuất lưới xơ dừa và dây thừng dừa; tăng cường xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm. Nhờ vậy, hoạt động sản xuất kinh doanh phát triển, thu nhập của 100 lao động ổn định với mức bình quân từ 110 - 120 ngàn đồng/người/ngày.
Hỗ trợ xây dựng hệ thống chăn nuôi có lãi
Thông qua hợp phần “Các hệ thống chăn nuôi có lãi”, nông dân tham gia 11 NCST nuôi bò ở các huyện Hoài Ân, Phù Cát và thị xã An Nhơn đã được DA hỗ trợ một phần tiền vốn mua bò, phối giống bò, cỏ giống trồng làm thức ăn cho bò và được tập huấn chuyển giao kỹ thuật chăm sóc và nuôi dưỡng bò tại hộ gia đình.
Ông Ngô Tùng Thu cho rằng, với sự hỗ trợ của DA, người nuôi bò ở các địa phương trong vùng DA đã kết nối được với thị trường tiêu thụ. Nhờ vậy, bà con đã có điều kiện phát triển tổng đàn bò từ 277 con năm 2012 tăng lên gần 2.000 con năm 2014. Cũng trong thời gian đó, bà con đã xuất bán hơn 1.000 con bò giống và bò vỗ béo, tổng doanh thu hơn 25 tỉ đồng, góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế từ nghề nuôi bò.
Thực tế cho thấy, các mô hình nói trên đã tạo ra nhiều việc làm cho nông dân; tận dụng mọi nguồn lực đất đai, nguồn lao động nông nhàn, chuyển đổi trên chính đồng đất của mình để góp phần xây dựng và phát triển hệ thống canh tác nông nghiệp bền vững thông qua tăng cường tính cạnh tranh của các loại cây trồng, vật nuôi, làng nghề truyền thống... Qua đó, đã tăng năng lực quản lý của đội ngũ cán bộ để cải thiện các hoạt động phát triển nông thôn theo định hướng thị trường nhằm mang lại lợi ích kinh tế, xã hội và môi trường bền vững.
ĐINH VĂN TOẠI