Phù Cát: Cần sớm đầu tư nâng cấp hạ lưu đập dâng Bộ Tồn
Hệ thống đê Bộ Tồn (xã Cát Khánh, huyện Phù Cát) đóng vai trò quan trọng trong phục vụ cho sản xuất nông nghiệp, bảo vệ tài sản cho hàng trăm hộ dân tại 2 thôn Thắng Kiên và Chánh Lợi sinh sống dọc tuyến đê. Thế nhưng, đợt mưa lũ trong cơn bão số 4, số 5 của tháng 12.2014, đã làm vỡ đoạn đê nằm ở hạ lưu đập dâng Bộ Tồn, gây hiện tượng bồi lấp ruộng lúa, nước ngập vào vườn tược, nhà cửa.
Đoạn đê Bờ Tồn đoạn chảy qua thôn Thắng Kiên bị vỡ, khiến nhiều ha lúa của bà con bị sa bồi.
- Trong ảnh: Gần 5 sào ruộng vừa mới gieo sạ của gia đình bà Huỳnh Thị Hoa bị cát bồi lấp không thể sản xuất. Ảnh: TRỌNG LỢI
Theo UBND xã Cát Khánh, gần 70m đoạn đê Bộ Tồn, đoạn chảy qua địa phận 2 thôn Thắng Kiên và Chánh Lợi bị sạt lở, gây hiện tượng sa bồi, thủy phá cho 23 ha đất sản xuất; trong đó, có hơn 10 ha diện tích lúa vụ Đông Xuân 2014 - 2015 mới gieo sạ tại 2 cánh đồng có tục danh Đồng Gừng (thôn Thắng Kiên) và Cây Bàn (thôn Chánh Lợi). Đồng thời, ảnh hưởng đến khả năng dẫn và cung cấp nước phục vụ tưới tiêu cho 80 ha đất sản xuất đất nông nghiệp ở địa phương.
Bà Huỳnh Thị Hoa (68 tuổi) - một hộ dân sống ở khu vực đê Bộ Tồn vừa bị vỡ, thôn Chánh Kiên, kể lại: “Trưa hôm đó (ngày 13.12.2014), đoạn bờ đê dài gần 70m sau lưng nhà tôi bị vỡ toang do nước chảy xiết. Trong 1 giờ đồng hồ, cả thôn bị nước lũ quây quanh, cô lập. Bà con chúng tôi phải nhờ vào sự hỗ trợ của chính quyền địa phương để di tản đồ đạc, sơ tán trẻ con, người già lên cao. Riêng 5 sào ruộng của tôi bị cát bồi lấp nặng, 2 bận giống gieo sạ trước đó mất trắng, đến nay vẫn chưa khắc phục được. Nếu không được tu bổ sớm, hơn 200 hộ dân sinh sống trong khu vực này sẽ đối diện với nhiều nguy hiểm, bất trắc”.
Theo ông Đinh Thành Tiến, Phó Chủ tịch UBND xã Cát Khánh, riêng trong đợt mưa lũ cuối tháng 12 vừa qua, địa phương phải sơ tán khẩn cấp 150 hộ dân sinh sống tại thôn Thắng Kiên lên khu vực cao ráo để tránh, trú khi đoạn đê bị vỡ. Sau đó, xã cùng phối hợp với các đơn vị liên quan khẩn trương dùng cọc tre, bao tải cát gia cố tạm thời; qua đó, phần nào đã hạn chế được nạn sa bồi, thủy phá đồng ruộng. Hằng năm, địa phương trích từ 500-700 triệu đồng để gia cố các đoạn đê xung yếu để hạn chế sạt lở. Riêng trong năm 2014, xã cũng đầu tư 500 triệu đồng để gia cố 300m đê sông theo hình thức đổ đất, kết hợp gia cố bằng rọ đá, cọc tre tại thôn Chánh Lợi; đây cũng chỉ là giải pháp mang tính tạm thời.
Liên quan đến vấn đề này, ông Lương Ngọc Anh, Phó Chủ tịch UBND huyện Phù Cát, cho biết: Đoạn đê bị vỡ là công trình thuộc diện cần phải xây dựng, nâng cấp. Ngoài ra, gần 700m bờ đê khác nằm ở phía Nam thôn Chánh Lợi cũng đang bị xâm thực, sạt lở nặng. Nhưng kinh phí xây dựng quá lớn, vượt quá khả năng của huyện. Tuy nhiên, vì sự an toàn cho cuộc sống của hàng trăm hộ dân là trên hết, chúng tôi đề nghị UBND tỉnh và các ngành chức năng liên quan sớm quan tâm, xem xét đầu tư kinh phí để nâng cấp. “Trước mắt, huyện đã kiến nghị tỉnh hỗ trợ 5 tỉ đồng và cho triển khai thi công đoạn đê bị vỡ, sạt lở nằm ở hạ lưu đập dâng Bờ Tồn, với tổng chiều dài 700m. Đây là vị trí xung yếu, có nguy cơ xảy ra hiện tượng vỡ đê nếu nước từ thượng nguồn đổ về với cường độ mạnh”, ông Anh kiến nghị.
Lo ngại nhất vào thời điểm hiện tại đối với chính quyền địa phương là khi có mưa lớn xảy ra, nước từ thượng nguồn đổ về, 300 hộ dân sinh sống tại 2 thôn Thắng Kiên và Chánh Lợi sẽ bị cô lập, chia cắt. Vườn tược, nhà cửa người dân sẽ bị “hà bá” nhấn chìm bất cứ lúc nào. Ðồng thời, 100 ha lúa vụ Ðông Xuân mới gieo sạ và 20 ha diện tích nuôi trồng thủy sản trong vùng sẽ bị chìm sâu trong nước.
TRỌNG LỢI