Vĩnh Hiệp: Tập trung phát triển kinh tế, xây dựng nông thôn mới
Ấn tượng đầu tiên khi chúng tôi về xã Vĩnh Hiệp, huyện Vĩnh Thạnh là hệ thống hạ tầng giao thông, thủy lợi... ở đây được đầu tư xây dựng khá hoàn chỉnh. Ðặc biệt là cầu Vĩnh Hiệp bắc qua sông Côn (kinh phí đầu tư gần 21 tỉ đồng từ nguồn vốn 30a, xây dựng hoàn thành, đưa vào sử dụng trong tháng 2.2014 - ảnh) đã rút ngắn khoảng cách giữa xã với thị trấn Vĩnh Thạnh.
Ông Lê Văn Sơn, Chủ tịch UBND xã Vĩnh Hiệp, cho biết: “Vĩnh Hiệp là xã vùng cao, người dân sinh sống chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp. Trong những năm qua, nhờ sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, và tranh thủ nguồn vốn từ các chương trình, dự án, xã đã tập trung đầu tư xây dựng hạ tầng điện, đường, trường, trạm... phục vụ phát triển KT-XH. Nhiều công trình đưa vào sử dụng đã mang lại hiệu quả thiết thực, như đập Nước Tống, hệ thống kênh mương tự chảy, mương thoát lũ Tà Lét, đường bê tông Cây Trâm - Bồ Bồ và hàng chục công trình lớn nhỏ khác”.
Những năm gần đây, nhờ chính sách hỗ trợ các công trình đặc thù của tỉnh, cùng sự hỗ trợ của các cấp, các ngành, nhân dân Vĩnh Hiệp đã tự nguyện đóng góp công sức, tiền bạc, hiến đất đai để xây dựng các công trình giao thông, thủy lợi và các công trình phúc lợi khác. Nhiều tuyến đường nối liền giữa các thôn, làng, đường liên xã đã được đúc bê tông phẳng phiu. Hệ thống thủy lợi, đường nội đồng cũng được xây dựng kiên cố. Trong năm 2013 và 2014, xã đã xây dựng được 9 km đường giao thông nông thôn và nhiều tuyến đường nội đồng, kênh mương thủy lợi được bê tông hóa, cứng hóa theo hình thức “Nhà nước và nhân dân cùng làm”.
Các chương trình hỗ trợ phát triển sản xuất như hỗ trợ cây, con giống, máy cày, máy cắt, máy phun thuốc; tổ chức tập huấn, trình diễn và nhân rộng các mô hình nông nghiệp, chăn nuôi… được thực hiện chu đáo và đã phát huy tác dụng, năng suất các loại cây trồng đều tăng cao, nâng mức bình quân lương thực đầu người hiện nay lên 621kg/năm, góp phần đảm bảo an ninh lương thực. Vĩnh Hiệp hôm nay không còn hộ đói, tỉ lệ hộ nghèo giảm đáng kể.
Ngoài việc duy trì diện tích cây điều (toàn xã có 780 ha điều), xã còn hướng dẫn bà con phát triển kinh tế rừng; đã chuyển đổi 100 ha điều kém hiệu quả sang trồng keo lai, bạch đàn và giao khoán quản lý, bảo vệ rừng cho 3 làng có người Bana sinh sống. Người dân được hỗ trợ tiền quản lý, bảo vệ rừng và được hưởng lợi từ việc tận thu lâm sản phụ dưới tán rừng nên có thêm nguồn thu nhập, ổn định đời sống. Bên cạnh lĩnh vực nông nghiệp, các làng nghề truyền thống như tráng bánh tráng, nấu rượu, đan đát… cũng có bước phát triển ổn định, góp phần giải quyết công ăn việc làm cho nhiều lao động ở địa phương. Kinh tế phát triển, đời sống người dân từng bước cải thiện, đã giúp xã thuận lợi trong việc thực hiện các tiêu chí nông thôn mới. Đến nay Vĩnh Hiệp đã đạt được 9/19 tiêu chí và đang nỗ lực thực hiện các tiêu chí còn lại.
Trong thời gian tới, xã tiếp tục tranh thủ sự hỗ trợ của cấp trên, đầu tư xây dựng hoàn thiện cơ sở hạ tầng nông thôn, tập trung phát triển kinh tế, nâng cao hơn nữa đời sống vật chất và tinh thần cho người dân. Một tín hiệu vui của Vĩnh Hiệp là Dự án khu du lịch sinh thái, diện tích 17,5 ha nằm dưới chân hồ Định Bình đang được triển khai. Sau khi hoàn thành, ngoài vấn đề giải quyết việc làm cho người dân địa phương, xã còn định hướng xây dựng nhà truyền thống để trưng bày những mặt hàng lưu niệm phục vụ khách du lịch như dệt thổ cẩm và các hàng hóa, dịch vụ khác.
LÊ PHƯƠNG