Rong ruổi cùng dưa
Với những người gắn bó đời mình với ruộng dưa, việc rời quê nhà, nay đây mai đó ở những vùng đất xa xôi theo mùa gần như là bắt buộc. Mỗi năm, người theo nghề trồng dưa, phải du canh qua 3 vụ, thời gian họ ở cạnh gia đình chỉ là những ngày ngắn ngủi. Trên những dặm dài mưu sinh, cùng những mùa quả ngọt, không ít lần họ khổ sở vì mùa dưa... đắng.
Trên những dặm dài mưu sinh
Đến xã Ea H’leo (huyện Ea H’leo, tỉnh Đăk Lăk), hỏi thăm vài người dân dọc quốc lộ 14, chúng tôi được hướng dẫn nhiệt tình về nơi có những người dân Bình Định đến thuê đất trồng dưa. Thôn 1 xã Ea H’leo có những con đường đất đỏ ngoằn ngoèo mải miết trải dài giữa những ruộng dưa. Dưa đang độ sung nhất, chẻ nhánh vươn lá phủ một màu xanh mơn mởn trên những luống đất. Thấy chúng tôi dừng xe, một nông dân đang loay hoay bắt nhánh bỏ dở công việc, quay ra hỏi chuyện. Đó là ông Nguyễn Văn Thành (54 tuổi, ở thôn Thái Thuận, xã Nhơn Phúc, thị xã An Nhơn). Chỉ qua vài câu hỏi thăm, chắc mẩm chúng tôi là “dân Nẫu” thứ thiệt, ông liền cất tiếng cười sảng khoái.
Ông Thành đưa chúng tôi vào căn chòi dựng tạm bên mép ruộng dưa. Ông kể: “Vụ dưa này tôi xuống giống đã 20 ngày rồi, khoảng chục ngày nữa là bắt đầu ra trái, trước Tết Nguyên đán sẽ thu hoạch. Tôi lên đây từ cuối tháng 11, làm đất gần một tháng mới gieo hạt được. Đó là nhanh đấy, chứ nhiều người chưa quen thì có khi phải làm đất mất một tháng rưỡi mới xong. Tôi trồng dưa du canh đã hơn 20 năm nên có chút kinh nghiệm, nhờ đó mà làm nhanh hơn những người mới đi xa đất quê mình”.
Theo ông Thành, muốn thuê được mảnh đất tốt để trồng dưa, ông phải đi “tiền trạm” từ trước đó 3 tháng. Sau khi xem xong, ông thỏa thuận giá cả và ký hợp đồng thuê đất hẳn hoi với chủ đất. Thường thì đồng bào nơi đây không có nhiều đất, nên để thuê được mảnh đất 20 sào như hiện nay, ông phải mất nửa tháng “thương lượng” và ký hợp đồng với 6 chủ đất, giá thuê trung bình 300 ngàn đồng/sào. Sau khi ký hợp đồng xong, ông gửi đất lại cho chủ rồi đi nơi khác chăm sóc vụ dưa đang trồng dở. Khi xong vụ dưa trồng trước đó, ông thuê xe chở “đồ nghề” đến đây và bắt đầu công việc làm đất trồng dưa.
Quá trình làm đất trải qua các công đoạn: cày, giăng dòng, rải vôi, bón phân, kéo bạt, chạy nước. Sau đó chuyển sang gieo hạt. Khi dưa được khoảng 20 ngày, phải bắt nhánh và chăm sóc đến khi thu hoạch. Đưa điếu thuốc rít một hơi thật dài trong hơi lạnh của những ngày cuối năm, ông Thành nhỏ nhẹ: “Tôi và con trai làm hết, chỉ cày đất là phải thuê máy cày. Cày mỗi sào mất 500 ngàn đồng, biết là tốn nhiều nhưng mình không có máy thì đành chịu”.
Gần khu vực ruộng dưa của ông Thành còn hơn 10 chòi tạm khác, tất cả đều là của dân Bình Định. Anh Nguyễn Khắc Thọ (42 tuổi, ở thôn 1, xã Bình Nghi, huyện Tây Sơn) tâm sự: “Đã chọn nghề này thì quanh năm chỉ quanh quẩn với ruộng dưa, chứ không có nhiều thời gian ở gần gia đình, lo cho vợ con. Như anh em chúng tôi, năm nào cũng thế, 4 tháng cuối năm thuê đất trồng ở các tỉnh Tây Nguyên như Gia Lai, Đăk Lăk… Ăn Tết xong lại chuyển đến Phú Yên, sau đó về thuê đất ở Bình Định để tiếp tục vụ mới. Dưa nó ưa đất mới, những nơi đã trồng rồi thì vài ba năm sau không thuê lại nữa, vậy nên chẳng thể nào có chỗ quen, phải ruổi rong tìm đất mới suốt thôi”.
Ngọt - chát vị… dưa
Nhờ du canh trồng dưa, khi trúng mùa, nhiều người dân ở xã Bình Nghi (huyện Tây Sơn), xã Nhơn Phúc, Nhơn Lộc (thị xã An Nhơn) thu lãi hàng trăm triệu đồng mỗi vụ. Họ xây nhà, mua xe, đổi đời từ trái dưa. Thế nhưng, cũng có không ít vụ, người mếu kẻ máo, phủi tay khóc ròng vì dưa không đạt năng suất, có khi năng suất đạt nhưng giá lại rớt thảm thương.
Theo anh Lê Tấn Minh (41 tuổi, ở thôn An Thành, xã Nhơn Lộc, thị xã An Nhơn - đang trồng dưa ở thôn 5, xã Ea H’leo), muốn có năng suất cao, khi dưa lớn lên người trồng phải cắt tỉa thành 3 nhánh. Trong đó, có 2 nhánh mỗi nhánh cho ra một trái, nhánh còn lại không cho ra trái. “Mình phải biết cách chăm sóc làm sao đến khi thu hoạch, mỗi trái dưa đạt từ 2,7-3,5kg mới đúng “chuẩn”, nhỏ hơn 2,7kg hoặc lớn hơn 3,5kg đều bị các thương lái chê ỏng eo. Việc chăm sóc dưa còn phụ thuộc nhiều vào thời tiết nữa, đang nắng nóng mà mưa đổ sầm sập bất ngờ hoặc ngược lại thì thôi rồi… lỗ toàn tập”, anh Minh chia sẻ.
Vụ dưa trước, anh Minh thuê 15 sào ở xã Nhơn Lộc để trồng. Anh kể, khi thu hoạch đạt tới 2 tấn/sào, chi phí mỗi sào hết 7 triệu đồng, giá dưa bán ra lúc đó bình quân khoảng 5.000 đồng/kg nên mỗi sào anh lãi 3 triệu đồng. Tổng cộng vụ ấy lãi ròng được 45 triệu đồng. “Vụ dưa này khoảng 20 ngày nữa thu hoạch, nếu trời thương, thời tiết đừng trắc trở, giá cả ổn định khoảng 8.000 đồng/kg như hiện tại, mình bỏ túi cũng được 70 triệu đồng”, anh Minh vui vẻ cho biết.
Cũng như anh Minh, vụ dưa vừa qua ông Thành cũng lãi hơn 60 triệu đồng. Tuy nhiên, theo lời ông Thành, đó là lúc “gặp thời”, bởi đã nhiều lần người trồng dưa cũng lỗ “sặc gạch”. Ông Thành nhớ lại: “Thị trường tiêu thụ chủ yếu là Trung Quốc, lỗ lời lắm lúc đâu do mình tính được. Có vụ đã thất bát mất mùa, họ còn ép giá ghê lắm. Như vụ dưa giữa năm 2013, tôi lỗ hơn 30 triệu đồng vì năng suất đã không đạt, lại bị thương lái ép giá không thương tiếc. Mà cái giống dưa cũng ngặt, khi chín phải hái ngay nếu không sẽ hư hết, nên có bị ép giá vào đúng thời điểm thu hoạch thì mình cũng phải chấp nhận”.
Những người quanh năm rong ruổi mưu sinh khắp nơi đều cho biết, trồng dưa ở “xứ người” không phải lúc nào cũng thuận lợi như ở quê nhà. Khi dưa sắp bắt đầu thu hoạch, nông dân phải canh giữ nếu không sẽ bị hái trộm. Những khi chẳng may gặp phải đám côn đồ thì chuyện bị hù dọa, chọc phá là bình thường. Anh Lê Văn Dũng, ở cùng thôn với anh Minh, kể: “4 năm trước, tụi tui lên thuê đất trồng dưa ở Ia Lâu (xã Ia Lâu, huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai). Khi chuẩn bị thu hoạch, anh em chia nhau canh giữ cẩn thận. Buổi tối tới lượt tui canh, có nhóm gần 10 tên đến ăn trộm, tui phát hiện la lên thì bị bọn nó đuổi theo đánh túi bụi. 3 người đi cùng nghe tiếng la nên tỉnh dậy chạy ra cũng bị bọn chúng ập đến đánh. Không bao giờ tôi quên được cái đêm ám ảnh ấy trong đời mình”.
Tình quê nơi đất khách
Chiều xuống. Những người nông dân rửa tay quây quần dưới căn chòi dựng tạm bên ruộng dưa. Đôi trái dưa ửng hồng, mấy quả chanh xắt lát làm mồi, rượu trắng chát đắng. Rỉ rả hồi lâu, anh Dũng mới tâm sự, dù chuyện làm ăn lận đận như vậy, nhưng anh em vẫn không nản, không thể bỏ nghiệp mưu sinh. Nhiều người ở cùng quê quý mến nhau nên thường rủ đi cùng, trước là để giúp đỡ, chăm sóc nhau lúc khó khăn đau ốm, sau là có bạn có bè đỡ sợ khi bị kẻ xấu hăm dọa, đánh đập.
Tình cảm, sự sẻ chia của người nông dân du canh trồng dưa không chỉ dừng lại ở đó. Họ có những quy định riêng trong nghề để tiện giúp đỡ nhau. Anh Thọ nói rành mạch: “Nhóm chúng tôi gồm 6 người, thường đi thuê đất gần nhau nhưng không làm chung. Tuy nhiên, lỡ có một người trong nhóm bận công việc nhà hay đau ốm không đi làm được thì chúng tôi sẽ làm giúp. Đất đã thuê trước rồi, chúng tôi tính cứ 1 sào chi phí hết 6,3 triệu đồng, cầm số tiền người đó đưa lên đây làm không công. Đến khi thu hoạch, lời thì người ấy lấy hết, mà lỗ thì người ấy phải bù vào. Ai cũng có lúc khó khăn, nên luôn sẵn lòng giúp nhau, biết đâu mùa sau lại đến lượt mình…”.
Ở huyện Tây Sơn, Bình Nghi là xã có đông người đi khắp nơi thuê đất trồng dưa. Nhiều người có cuộc sống sung túc nhờ trái dưa, nhưng chưa hẳn họ được hưởng trọn niềm vui. Đơn giản bởi vì họ phải sống xa gia đình, xa vợ con, chỉ ở nhà trong vài ngày ngắn ngủi khi kết thúc một vụ dưa, rồi lại khăn gói tiếp tục mưu sinh. “Vợ tôi ở nhà làm ruộng và lo cho 2 đứa con. Thằng nhỏ mới 4 tuổi, đau ốm liên miên. Tôi muốn ở nhà lo cho cháu lắm nhưng không đi xa thì lấy gì nuôi gia đình. Cuộc sống là vậy mà, phải chấp nhận thôi”, anh Thọ ngậm ngùi.
MAI LÂM - PHONG NGUYÊN